Xe quá tải băm nát đường

ANTĐ - Xe quá khổ,  quá tải được xem là hung thần tàn phá đường, công trình giao thông.  Hàng năm, hàng nghìn tỷ đồng phải bỏ ra để duy tu, bảo trì đường bộ. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang phối hợp với các ngành chức năng triển khai xử phạt những vi phạm của loại xe này, nhưng liệu có rơi vào tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”?
Xe quá tải băm nát đường ảnh 1
Một đoạn đường quốc lộ 3 (đoạn Tà Lùng - Cao Bằng) xuống cấp do xe siêu trường, siêu trọng


Mất hàng nghìn tỷ đồng để vá đường

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) nhận định, thời gian qua nhiều chủng loại xe tải nặng được nhập về có sự khác biệt so với tiêu chuẩn thiết kế cầu đường, khiến công tác quản lý trở nên phức tạp, nhiều rủi ro. Nhiều chủ doanh nghiệp khoán trắng cho lái xe, tăng chuyến, tăng tải... đã ép lái xe chở quá tải, quá khổ. Nhiều cầu yếu phải “oằn mình” gánh chịu những lượt xe quá tải, đẩy nhanh tốc độ, mức độ hư hỏng. Kết quả khảo sát do Tổng cục ĐBVN được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới cho thấy, trung bình một ngày có khoảng 1.000 xe quá tải chạy trên quốc lộ 5. Trong đó, một số xe tổng trọng tải lên đến 80 tấn, quá tải 200%. 

“Do tình trạng quá tải mà hệ thống cầu đường đã bị hư hại nghiêm trọng. Nhiều cầu mới khai thác được 20-30 năm nhưng đã bị hư hỏng nặng. Các đơn vị quản lý phải đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhiều lần gây tốn kém, làm giảm tuổi thọ của công trình”, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN nhận định. Thống kê của Khu quản lý đường bộ II cho thấy, trên hầu hết các tuyến cầu đường mà đơn vị này quản lý đều xảy ra tình trạng xe quá khổ, quá tải làm hư hỏng công trình. Như QL1, Pháp Vân - Cầu Giẽ, cầu Thanh  Trì, QL5, QL10… ước tính, kinh phí để khắc phục, sửa chữa hư hỏng đường trên QL1 thuộc địa phận quản lý Khu đường bộ II và đoạn tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ cần 90 tỷ đồng, sửa chữa cầu hơn 5 tỷ đồng…

Không cho nhập xe siêu trường, siêu trọng

Ông Nguyễn Trọng Hài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lào Cai cho biết, số lượng phương tiện có tải trọng nặng và quá khổ hoạt động gia tăng. Các phương tiện vận chuyển hàng hoá từ các tỉnh theo QL70 đến Lào Cai, sang Lai Châu và ngược lại theo QL4D, đều bằng xe sơmi rơmooc, container tải trọng nặng. 

Đáng nói, việc vận chuyển quặng Apatit và một số khoáng sản khác hầu hết sử dụng những loại xe siêu trường, siêu trọng như xe Hyundai, Samsung của Hàn Quốc; DongFeng, Howo của Trung Quốc. Trong khi tiêu chuẩn kỹ thuật của các tuyến đường còn thấp, mặt đường hẹp đã gây hư hỏng nặng nền mặt đường, như một số tuyến QL279, QL70, QL4E, đường thuộc nội thị Lào Cai. Kinh phí sửa chữa hư hỏng cục bộ nền mặt đường, tính từ tháng 

3-2011 đến nay là hơn 4 tỷ đồng. Hay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hoàng Văn Tình cho biết, kinh phí sửa chữa hư hỏng một số tuyến QL như 4A, 4B, 1B và 279 do xe quá tải gây ra trong 2 năm 2010 và 2011 là 25 tỷ đồng, sửa chữa đường địa phương là 15 tỷ đồng. 

Còn tại tỉnh Cao Bằng, Giám đốc Sở GTVT Dương Quang Văn lo ngại, hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh tăng đột biến trên một số tuyến đường, trong đó có nhiều xe container và các xe tải trọng lớn, chở hàng hoá đến các cửa khẩu. Lưu lượng xe chở hàng qua địa bàn tỉnh ước khoảng 500 xe/ngày đêm, trong đó xe container khoảng 200xe/ngày đêm. Hầu hết trong số này đều chở quá tải trọng cho phép, nhiều xe khi kiểm tra phát hiện chở quá tải đến 200%. Tình trạng trên đã khiến hệ thống đường sá, công trình giao thông trên địa bàn tỉnh xuống cấp nghiêm trọng. Ông Văn ước tính, số kinh phí để cải tạo, sửa chữa các tuyến đường trên địa bàn tỉnh cho đến hiện tại khoảng hơn 500 tỷ đồng. 

Tổng cục ĐBVN đang phối hợp cùng một số đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải trên địa bàn cả nước trong tháng 4 này. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Đại diện nhiều Sở GTVT đều cho rằng, ngoài việc lập các trạm cân di động, xử lý nghiêm xe chở quá tải, cơi nới quá khổ không cho đăng kiểm thì phải kiên quyết không cho nhập các xe tải siêu trường, siêu trọng, vượt quá tải trọng thiết kế cầu đường theo tiêu chuẩn của Việt Nam hiện nay.

Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó, từ 2012-2015 xây dựng và đưa vào hoạt động các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định đặt trên những tuyến đường bộ có lưu lượng xe tải nặng lớn hơn 2.200 xe/ngày đêm và trên một số tuyến đường cao tốc. Đến năm 2020, xây dựng và đưa vào hoạt động các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định đặt trên những tuyến đường bộ có lưu lượng xe tải nặng lớn hơn 500 xe/ngày đêm. Kinh phí đầu tư xây dựng các trạm kiểm tra tải trọng xe trên hệ thống đường bộ hiện có là hơn 6.400 tỷ đồng, chưa kể kinh phí xây dựng trạm trên các tuyến đường mới và cao tốc.