Truy tìm nghi phạm vụ đánh bom ở Bangkok:

"Xe ôm"tai, mắt của cơ quan an ninh Thái Lan

ANTĐ - Sự hợp tác giữa cảnh sát Thái Lan và những người lái “xe ôm” đã giúp chính quyền lần ra manh mối và bắt giữ nghi phạm trong vụ đánh bom gần đền Erawan ở Thủ đô Bangkok khiến 20 người thiệt mạng.

"Xe ôm"tai, mắt của cơ quan an ninh Thái Lan ảnh 1Đội ngũ “xe ôm” ở Thái Lan

Hợp tác hữu ích nhưng còn tự phát

Tối 17-8, Kasem Pooksuwan - một lái “xe ôm” ở Thủ đô Bangkok, nghe thấy tiếng nổ lớn và khói trắng mù mịt. Lúc đó, ông nghĩ tiếng nổ là do một vụ chập điện, chưa kịp định thần thì một thanh niên mặc áo phông màu vàng đến thuê ông chở đi. Hôm sau, Pooksuwan mới biết người khách ông đã chở là nghi phạm vụ đánh bom gần đền Erawan. Cung cấp thông tin cho cảnh sát, ông Pooksuwan miêu tả nghi phạm là người nước ngoài da trắng, cao lớn và nói thạo tiếng Thái. Thứ bảy tuần trước (29-8), cảnh sát đã bắt giữ nghi phạm đầu tiên với cáo buộc tàng trữ vật liệu chế tạo bom tại một căn hộ ở tỉnh Nong Chok, phía bắc ngoại ô Bangkok. Đối tượng này sử dụng hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ với tên là Adem Karadag, 28 tuổi.

Khi truy tìm nghi phạm, giới chức Thái Lan thường dựa vào những người như ông Pooksuwan - một trong hơn 100.000 người lái “xe ôm” thường tập trung ở những góc phố tại Bangkok, sẵn sàng cung cấp phương thức di chuyển nhanh chóng qua những ngõ hẻm hay con phố đang tắc nghẽn, cũng như là một mạng lưới tai, mắt cho cơ quan an ninh. Một điều tra viên Thái Lan cho biết, thông tin thu thập được từ những người lái “xe ôm” hay xe tuk tuk rất hữu dụng. Họ là nguồn cung cấp thông tin đặc biệt cho cảnh sát. Pichit Seerueangphan, một lái “xe ôm” đến từ miền tây Thái Lan đã cung cấp thông tin cho cảnh sát về vụ đánh bom, cho biết từng giúp cảnh sát xử lý những tội phạm nhỏ lẻ. Tuần trước, Seerueangphan đã trợ giúp cảnh sát bắt một tên cướp đang cố tẩu thoát.

Cảnh sát Bangkok và những lái xe đã có thời gian dài hợp tác, dù mối quan hệ này không phải lúc nào cũng thân thiện. Không lâu sau khi những chiếc “xe ôm” xuất hiện trên đường phố Bangkok đầu những năm 1980, những lái “xe ôm” đã hối lộ cảnh sát để được bỏ qua các sai phạm. Gần đây, việc tổ chức lại đội ngũ “xe ôm” kết hợp với cải cách pháp lý đã giúp những người lái “xe ôm” có được quyền tự chủ hơn và được công nhận vai trò trong hệ thống giao thông. 

Tuy nhiên, hầu như sự hợp tác cung cấp thông tin giữa họ với cảnh sát vẫn duy trì ở mức không chính thức và đa phần mang tính tự phát. Ông Chalerm Changthongmadan, Chủ tịch Hiệp hội “xe ôm” Thái Lan (AMTD) muốn có sự hợp tác nhiều hơn giữa lực lượng an ninh và “xe ôm” - những người thông thạo mọi ngõ ngách ở thành phố. Nhưng còn nhiều trở ngại cho việc hợp tác này, mà theo ông vấn đề nằm ở lòng tin. 

"Xe ôm"tai, mắt của cơ quan an ninh Thái Lan ảnh 2Hình ảnh từ camera giám sát cho thấy một “xe ôm” chở khách giống nghi phạm áo vàng 

Rà soát chặt các phần tử cực đoan 

Trong một động thái mới, ngày 3-9, chính quyền Thái Lan đã bắt giữ Kamarudeng Saho, kẻ có liên lạc với nữ nghi can Wanna Suansan, 1 trong 8 nghi can đang bị truy nã do liên quan tới vụ đánh bom gần đền Erawan. Đối tượng Saho bị bắt giữ ngày 1-9 tại quận Sungai Kolok, thuộc tỉnh Narathiwat, miền nam Thái Lan. 

Trước đó, ngày 31-8, cảnh sát Thái Lan tuyên bố đã bắt được nghi phạm quan trọng trong vụ đánh bom. Hắn bị bắt ở tỉnh Sa Kaeo gần biên giới Campuchia và hiện đang bị thẩm vấn tại khu quân sự số 11 ở Bangkok. Cảnh sát chưa công bố danh tính cũng như chưa xác định hộ chiếu Trung Quốc của đối tượng nghi đến từ Tân Cương này là hộ chiếu thật hay giả. Tuy nhiên, theo cảnh sát, dấu vân tay của nghi phạm này phù hợp với dấu vân tay tìm thấy trên các nguyên liệu chế tạo bom được thu giữ tại căn hộ của nghi phạm Adem Karadag ở ngoại ô Bangkok hôm 29-8.

Tờ Bangkok Post đưa tin, Cơ quan trấn áp tội phạm Thái Lan (CSD) đang rà soát chặt chẽ khoảng 3.000 người Duy Ngô Nhĩ sống tại nước này, sau khi giới chức điều tra khả năng liên quan giữa những phần tử cực đoan người Duy Ngô Nhĩ với vụ đánh bom gần đền Erawan. Theo một nguồn tin thân cận với CSD, Phó Cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan Chakthip Chaijinda đã yêu cầu cơ quan CSD giám sát những động thái của cộng đồng dân tộc Duy Ngô Nhĩ tại Thái Lan, cho dù những người này sử dụng hộ chiếu Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ. 

Giới chức Thái Lan từng nghi ngờ vụ đánh bom gần đền Erawan là do người Duy Ngô Nhĩ thực hiện nhằm trả thù việc Bangkok trục xuất 109 người Duy Ngô Nhĩ ra khỏi đất nước hồi tháng 7. Thêm nữa, Lãnh sự quán Thái Lan ở Istanbul thường bị quấy nhiễu bởi những người Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình vì bất bình với Chính phủ Thái Lan buộc những người Duy Ngô Nhĩ tị nạn hồi hương. Tuy nhiên, Tổng thư ký của Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan Anusit  Kunakorn cho hay chưa có đủ bằng chứng để đưa ra kết luận người Duy Ngô Nhĩ liên quan tới những vụ đánh bom tại Bangkok.