“Xe ôm chui” và nạn “bảo kê” hoành hành

ANTĐ - Tại Thái Lan, dịch vụ “xe ôm” bất hợp pháp là một vấn đề khá nhức nhối. Họ hoạt động không có giấy phép, sử dụng đồng hồ công-tơ-mét giả, không đăng ký bảo hiểm, mua đi bán lại đồng phục, “chặt chém” khách... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông. Ngoài ra, nạn “bảo kê xe ôm” của một số băng đảng cũng đang khiến các cơ quan chức năng nước này đau đầu.
“Xe ôm chui” và nạn “bảo kê” hoành hành ảnh 1

Thu “phế xe ôm” 3 tỷ baht/năm

Đầu tháng 9 vừa qua, Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra Banglamung phối hợp với Hải quân Hoàng gia Thái Lan bắt giữ Khun Wichan (40 tuổi) - bị tình nghi là kẻ cầm đầu ổ nhóm “bảo kê”, thu phí những người hành nghề “xe ôm” ở Pattaya. Cơ quan điều tra cho biết, những người hành nghề “xe ôm” ở Pattaya muốn kiếm ăn yên ổn thì mỗi tháng phải “cống nộp” cho Khun 1.500 Baht. Nếu ai không nộp tiền sẽ bị nhóm Khun quậy phá, đe dọa, đánh đập không cho đứng đón khách. Do nhóm đối tượng này côn đồ, hung hăng nên hầu hết những người làm nghề “xe ôm” ở đây đều phải nộp tiền cho bọn chúng, không dám chống đối.

Tính đến nay, chỉ riêng Bangkok có khoảng 6.300 điểm “xe ôm” đón khách; trong đó: 5.300 điểm có đăng ký với Cục Giao thông Đường bộ, còn lại là bắt khách chui. Hiện Bangkok có khoảng hơn 100 nghìn lái “xe ôm chui”, nhiều người từng có tiền án tiền sự, một số khác không có bằng lái xe.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Xe máy Thái Lan Chalerm Changtongmadun cho biết, dịch vụ xe máy bất hợp pháp ở Bangkok là một trong những nguyên nhân chính hình thành nạn “bảo kê”, thu “phế xe ôm”. 

Cũng theo ông Chalerm, một số nhân vật sừng sỏ hoặc có ảnh hưởng trong hàng ngũ cảnh sát, quân nhân, thậm chí là chính trị gia đã lợi dụng chức quyền và vị trí công tác “bảo kê” cho những băng nhóm xe ôm “chui”. Ước tính, hàng năm các lái xe ôm phải trả phí “bảo kê” không dưới 3 tỷ baht.

Đủ đường “chặt chém”

Tại Thái Lan dịch vụ “xe ôm” hoạt động dưới sự quản lý nghiêm ngặt của Cục Giao thông đường bộ. Các điểm chờ đón khách phải có đăng ký, lái “xe ôm” phải mặc đồng phục. Theo quy định việc đăng ký sang tên đổi chủ đồng phục với Cục Giao thông đường bộ, lái xe chỉ phải trả khoảng 10 nghìn baht. Nhưng vì một đợt đăng ký điểm chờ đón khách, Cục Giao thông đường bộ chỉ cho phép tối đa 151 điểm, nên đã nảy sinh việc mua bán với giá rất đắt từ 100 nghìn đến 400 nghìn baht. Thậm chí có hiện tượng lái “xe ôm” cho thuê đồng phục theo tháng với khoảng 6.000 - 7.000 baht. Giá của chiếc áo chủ yếu phụ thuộc vào vị trí điểm bắt khách, gần nhà ga xe lửa điện hay các khu vực nằm trong trung tâm thương mại. 

Về giá đi “xe ôm”, theo quy định của Cục Giao thông đường bộ thì dưới 2km không quá 25 baht, tuy nhiên, do phải thuê, mua lại đồng phục nên nhiều lái xe đã “chặt chém” hành khách. Có trường hợp, hành khách chỉ đi vài kilômét cũng bị “chém” tới 500 baht. 

Mới đây, trong cuộc họp liên ngành Cảnh sát - Quân đội đã đề xuất chiến dịch nhằm quét sạch nạn dịch vụ “xe ôm chặt chém” và “bảo kê xe ôm” với việc thành lập một Ủy ban bao gồm: cảnh sát, quân đội, quan chức trong Cục Giao thông đường bộ chịu trách nhiệm điều tra 30 nhân vật (cựu công chức hoặc đang đương chức) được cho là mafia nhũng nhiễu ngành “xe ôm”. Cho đến nay, quân đội và cảnh sát cho biết đã có thể xác định được ít nhất 10 nhóm “mafia xe ôm”.

Về vấn đề mua bán, cho thuê áo đồng phục, Tổng Cục trưởng Cục Giao thông đường bộ Thái Lan, ông Asdsathai Rattanadilok Na Phuket thông báo, tất cả lái xe đang hành nghề tại Bangkok đều phải làm thủ tục đăng ký tại các văn phòng giao thông đường bộ thành phố. Sau khi đăng ký, các lái xe ôm sẽ được cấp nhận thẻ nhận dạng (ID) và áo có in số ID mới. Ông Asdsathai nhấn mạnh việc này sẽ cho phép cơ quan chức năng quản lý các dịch vụ xe ôm tốt hơn, giải quyết nạn “bảo kê xe ôm” và đặc biệt là đảm bảo an toàn cho hành khách.