Xe khách tái phạm 2 lần sẽ cắt “nốt”

ANTĐ - Xe “dù”, bến “cóc” dù đã được ngành chức năng TP vào cuộc xử lý quyết liệt, nhưng đã thành thông lệ, khi mà nhu cầu đi lại tăng cao vào những ngày Tết thì chuyện chạy lòng vòng, né luật lại diễn ra khá phổ biến tại các bến xe. 

Xe khách phải dán số đường dây nóng của cơ quan quản lý để hành khách giám sát

Xe “dù”, bến “cóc” tái diễn 

Những ngày này, nhiều xe từ 16 - 45 chỗ với mác “Chất lượng cao”, “Không quay vòng”… nhưng lại vòng vo đón khách trái phép trước cổng các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, Hà Đông, Mỹ Đình, các trục đường xung quanh khu vực bến… lại diễn ra phổ biến. 

Trung tá Phạm Văn Hậu, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an Hà Nội nhận định, bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát là tiêu điểm của hiện tượng xe dù bến cóc hiện nay. Ở khu vực này xe chạy vòng vo đón khách không giảm, lại thêm lực lượng bảo kê, cò mồi dắt khách rất phức tạp. Cũng theo Trung tá Phạm Văn Hậu, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ ở khu vực này còn gặp khó khăn khi tuyên truyền đến người dân bỏ thói quen đón xe khách trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Mặc dù lực lượng chức năng đã siết chặt quản lý nhưng do lượng xe xuất bến lớn, liên tục nên khó xử lý triệt để. 

Nhận định về thực trạng này, ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho rằng, việc xe dù bùng phát cuối năm là do nhiều người cùng tham gia làm vận tải, bởi theo quy định của Luật Doanh nghiệp, đơn vị vận tải và hợp tác xã đều có quyền làm, thậm chí chỉ cần có hợp đồng thuê phương tiện là có thể làm được đăng ký phương tiện hoạt động trong bến xe. 

“Trong TT14/2010-BGTVT, địa phương được quyền chấp nhận tuyến, giờ nhưng hiện nay nên để bến xe và doanh nghiệp hiệp thương với nhau để tạo sự chủ động trong biểu đồ xe chạy trong bến,” ông Trung kiến nghị.

Doanh nghiệp nhiều xe vi phạm sẽ thu hồi giấy phép

Nhằm hạn chế tình trạng “nhờn” luật của xe khách vi phạm, Trung tá Phạm Văn Hậu cho biết, đối với những xe khách tái phạm từ 2 lần trở lên không cho hoạt động. Trước đây, nếu xe khách tái phạm, lực lượng chức năng gửi thông báo về lãnh đạo bến xe rồi có biện pháp đình tài, nhưng cần phải yêu cầu cắt “nốt” tại chỗ mới tạo sức răn đe mạnh mẽ. Trung tá Hậu lấy dẫn chứng, có những xe khách lực lượng cảnh sát giao thông đã 9 lần xử lý lỗi vi phạm giống nhau chỉ trong một năm.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, thời gian qua, lực lượng liên ngành đã kiểm tra, xử lý 15 trường hợp thuộc 10 doanh nghiệp đón trả khách sai quy định, xử lý cắt “nốt” vĩnh viễn đối với các nhà xe này. “Một doanh nghiệp có nhiều xe vi phạm thì thu hồi giấy phép hoạt động và có văn bản tới Sở GTVT địa phương yêu cầu không cấp phép cho xe đó vào Hà Nội,” ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đề xuất. 

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra GTVT thì việc cắt “nốt” xe dù chưa phải là biện pháp tối ưu, bởi một số trường hợp cho thấy, xe đã bị cắt “nốt” lại chuyển sang xe dù hoạt động xung quanh khu vực bến xe, như vậy, càng gây thêm tình trạng mất trật tự. “Điều quan trọng cần phải giáo dục đội ngũ lái xe, tuyên truyền ý thức hành khách. Bên cạnh đó, phải gỡ bỏ được tình trạng doanh nghiệp khoán trắng cho lái xe thì mới mong giảm được xe dù”, ông Mạnh bày tỏ quan điểm.

Nhìn nhận sâu xa về tình trạng “xe” dù, bến “cóc”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia nhận định, thời gian lưu lại ở bến đối với mỗi đầu xe quá ít, không có khách, lượng xe lại nhiều nên nhà xe gặp khó khăn. Điều này đã khiến xuất hiện thực trạng xe “dù” bến “cóc”. Cho rằng giải quyết triệt để nạn xe “dù”, bến “cóc” là việc làm lâu dài, song trước mắt trong dịp Tết Nguyên đán này, ông Hiệp đề nghị lực lượng chức năng phải có biện pháp quyết liệt. Mục tiêu quan trọng là không để xảy ra tai nạn nghiêm trọng trong dịp Tết. Ngoài ra, ông Hiệp cũng yêu cầu trên mỗi xe khách phải dán số đường dây nóng của cơ quan quản lý,  để lái xe, phụ xe được giám sát bởi hành khách.