Xe khách giường nằm: Phải được quản lý chặt

ANTĐ - Liên tiếp các vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến xe khách giường nằm khiến dư luận không khỏi đặt dấu hỏi về độ an toàn của loại xe này trong khi phần lớn loại xe này là xe hoán cải.

Báo động TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách giường nằm

Nhiều xe hoán cải, tiêu chuẩn cũng cải biên

Xuất hiện từ năm 2007, xe khách giường nằm hiện phát triển rất mạnh. Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội cho biết: Bến xe Mỹ Đình hiện có 130 xe; Bến xe Giáp Bát 50 xe. Tại bến xe Nước Ngầm, khoảng 30 phút đến 1 tiếng có một chuyến xuất bến.

Thống kê từ Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, từ đầu năm đến nay, hàng loạt vụ TNGT xe khách xảy ra, trong đó tỷ lệ xe giường nằm chiếm 90% với tính chất đặc biệt nghiêm trọng.“Ủy ban ATGT Quốc gia đã đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ GTVT cần nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân gây tai nạn đối với xe khách giường nằm, tập trung nghiên cứu về tốc độ, người lái và điều kiện chạy xe giường nằm...”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay.

Theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên, cũng bởi tình trạng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp vận tải nên xe khách giường nằm mới phát triển mạnh như hiện nay. “Hành khách có nhu cầu đi xe giường nằm vừa đỡ mệt mỏi, vừa tiết kiệm thời gian ban đêm. Đáp ứng nhu cầu và để hút khách, các nhà xe đã mở rộng loại xe này”. 

Tuy nhiên, theo ông Bùi Danh Liên, với xe giường nằm, trừ xe của hãng Hoàng Long có thiết kế theo đúng tiêu chuẩn, còn lại phần lớn là lắp ráp, hoán cải từ xe ghế ngồi thành giường nằm, vì vậy các tiêu chuẩn cũng bị cải biên, cố “gọt chân cho vừa giày” và không ít trường hợp vẫn lọt qua cửa đăng kiểm. Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội bày tỏ: “Tôi rất thiếu tin tưởng vào trọng tâm của các loại xe giường nằm được hoán cải khi vào cua hoặc chạy đường đồi núi, đèo cao. Nếu lái xe tay nghề không vững lại thêm yếu tố lạ đường thì rất nguy hiểm”. 

Xe khách giường nằm hiện nay là xe hai tầng, do đó, Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, cần nghiên cứu, xem xét xe giường nằm 2 tầng có phù hợp với tình hình thực tế cơ sở hạ tầng của Việt Nam hay không. Không ít quốc gia đã cấm hoặc hạn chế loại xe này. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, về mặt kết cấu, xe khách giường nằm hai tầng có các đặc tính, thông số kỹ thuật thỏa mãn các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đảm bảo ổn định khi tham gia giao thông. 

Nên quy định cung đường và tay nghề lái xe

Một thực tế cho thấy, các vụ TNGT xe khách giường nằm thường xảy ra vào ban đêm. Do đó, cơ quan chức năng cũng cần xem xét về thời gian lưu thông. Theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội,  tỉnh Sơn La trước kia cũng cấm xe khách giường nằm xuất bến sau 15h, nhưng một thời gian lại bãi bỏ. Hay một địa phương ở Tây Nguyên cũng cấm đưa xe khách giường nằm vào chạy tuyến cố định, song vì “đơn thương độc mã” thực hiện nên các doanh nghiệp vận tải phản đối…

Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm cũng cho biết, trên thế giới, vẫn còn nhiều quốc gia sử dụng loại xe khách giường nằm hai tầng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, các nước đã đưa ra các biện pháp quản lý chặt chẽ về: quản lý lái xe, thời gian lái xe, yêu cầu hành khách sử dụng dây đai an toàn khi đi xe... Ngoài ra, còn khuyến nghị hạn chế việc vận hành xe vào ban đêm, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 2h-5h sáng; sử dụng lái xe có kinh nghiệm và quen đường trên các tuyến đường dài. 

Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho rằng, cần thiết phải nghiên cứu đưa ra các điều kiện quy định an toàn khi đi xe giường nằm. Cụ thể, với các tuyến đường hẹp, đường cong, đường dốc, phải nghiên cứu xem có nên cho xe giường nằm lưu thông hay không vì khi gặp cua rất dễ xảy ra tai nạn, nghiêng lật xe. Ngoài ra, các Bộ, ngành cần xem xét các điều kiện quy định cho phép lái xe chạy xe giường nằm về độ tuổi lái xe (có thể phải quy định có bằng FC), tốc độ tối đa của xe giường nằm, sắp xếp hành khách hàng hóa trên xe để tránh tình trạng mất cân đối trọng lượng.