Xe "dù", bến "cóc" ngang nhiên hoành hành

ANTD.VN - Cuối năm, nhu cầu đi lại tăng cao khiến tình trạng xe “dù”, bến “cóc” tái diễn trên địa bàn Hà Nội. Lạ ở chỗ, có những bến “cóc” đã bị xử lý rốt ráo nhưng rồi lại tái phát.

Hàng năm, lực lượng chức năng như Thanh tra Giao thông vận tải (GTVT) đã xử phạt hàng chục bến “cóc” trên địa bàn thành phố. Nhưng, sau mỗi quyết định xử phạt, sự vào cuộc rốt ráo của cơ quan chức năng một thời gian thì đâu lại hoàn đấy. Bên cạnh đó, hoạt động vận tải ngày càng phức tạp hơn khi mà loại hình xe hợp đồng núp bóng xe vận tải hành khách liên tỉnh hoạt động ngày một tinh vi, gây rối loạn thị trường vận tải.

Xe "dù", bến "cóc" ngang nhiên hoành hành  ảnh 1Bến “cóc” tại số 1 Đại lộ Thăng Long cứ dẹp rồi lại bùng phát

Giải tỏa rồi lại tái hoạt động

Ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội thông tin, từ đầu năm đến nay, Thanh tra GTVT đã kiểm tra, lập biên bản hơn 26.000 trường hợp vi phạm giao thông, tước 3.195 giấy phép lái xe. Trong đó, vận tải hành khách xử lý tới hơn 8.000 trường hợp. Cụ thể, xe khách tuyến cố định là 3.722 trường hợp; xe hợp đồng là 986 trường hợp, xe taxi là 3.297 trường hợp. Riêng tại khu vực Bến xe Mỹ Đình, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 1.794 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 3 tỷ đồng, tạm giữ 66 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe của 477 trường hợp; tại khu vực Bến xe Giáp Bát, lực lượng thanh tra cũng xử lý 642 trường hợp vi phạm, phạt tiền 665 triệu đồng, trong đó có 246 xe khách tuyến cố định vi phạm. 

Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra cũng đã ra quân, xử lý, giải tỏa 15 trường hợp cá nhân, tổ chức thành lập bến bãi vi phạm đón trả khách xung quanh khu vực Bến xe Mỹ Đình và Bến xe Nước Ngầm.

Cụ thể, bến bãi tại số 16 Phạm Hùng, dự án của Công ty Mai Trang đang thi công; ngõ 2 đường Nguyễn Hoàng, dự án công trình xây dựng nhà ở FLC đang thi công; số 36 Phạm Hùng; số 38 Phạm Hùng; số 40 Phạm Hùng đã rào tôn; số 52 Phạm Hùng chính quyền địa phương đã giải tỏa và đào mương không cho trông giữ xe; khu vực đối diện cổng ra Bến xe Mỹ Đình thuộc dự án Bệnh viện Y Cao; số 189 Trần Bình đã rào tôn; khu đất đối diện Bến xe Mỹ Đình đến tòa nhà Keangnam; chân cầu dẫn từ đường trên cao xuống điểm dừng xe buýt nút giao Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng đã bố trí lực lượng chốt trực kiểm tra, xử lý; tòa nhà Thăng Long Number One; nút giao Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết...

Đề cập đến việc liệu 15 bến “cóc” này sau khi bị dẹp có hoạt động trở lại, ông Trần Đăng Hải cho rằng, nếu các lực lượng làm gắt sẽ rất khó tái diễn. Nói là vậy, nhưng dường như tại các bến “cóc” này, lực lượng chức năng xử phạt, nhưng khi lực lượng rút đi thì bến “cóc” lại tái hoạt động.

Đơn cử như bến “cóc” tại số 1 Đại lộ Thăng Long - Khuất Duy Tiến trước cửa tòa nhà Number One Thăng Long, sau khi Báo An ninh Thủ đô có loạt bài viết phản ánh về tình trạng ngang nhiên lập bến “cóc” hoạt động tại đây, lực lượng thanh tra GTVT đã xử lý, bố trí lực lượng chốt trực. Khi có lực lượng chức năng thì các nhà xe không dám hoạt động, khi vắng bóng lực lượng chức năng thì các nhà xe lại hoạt động như thường. Đặc biệt, bến “cóc” này còn hoạt động rất bài bản, một số nhà xe như Anh Huy Đất Cảng còn có nhân viên tại chỗ để bắt khách, đón khách, hướng dẫn giao thông cho xe ra vào bến “cóc”. 

Dọc tuyến đường Đại lộ Thăng Long từ Bến xe Yên Nghĩa để đi lên đường Vành đai 3 trên cao cũng hình thành một loạt các bến “cóc”. Hay bến “cóc” được thành lập ngay trên tuyến đường kiểu mẫu Lê Trọng Tấn hoạt động đã nhiều tháng nay, lực lượng chức năng cũng đã xử phạt nhưng rồi đâu lại đóng đấy. Việc này không khỏi khiến người dân đặt nghi vấn, phải chăng việc xử phạt chỉ là chiếu lệ, chưa đủ sức răn đe để các nhà xe phải nghiêm chỉnh chấp hành. 

Limousine trá hình xe hợp đồng tung hoành

Không chỉ tình trạng bến “cóc” hoạt động ngang nhiên trên nhiều tuyến phố mà xe dù, xe khách núp bóng hợp đồng cũng nở rộ trong thời gian qua làm hỗn loạn thị trường vận tải. Mặc dù đăng ký là xe hợp đồng nhưng những chiếc xe Limousine dưới 10 chỗ ngồi đang hoạt động chở khách liên tỉnh, len lỏi vào khắp các con phố của Thủ đô để đón trả khách.

Với lợi thế xe nhỏ, loại xe này đang “làm mưa làm gió” trên thị trường vận tải của nhiều tỉnh, thành phố trong đó có Hà Nội. Những thương hiệu nổi cộm trong nhóm xe hợp đồng “lách” luật chở khách liên tỉnh có thể kể đến như: Hoa Mai, Hà Lan, Hưng Thành, Sao Việt… Chỉ trong khoảng 2 năm trở lại đây, lượng xe khách trá hình với cách gọi quen thuộc xe Limousine này đã tăng gấp hàng chục lần và vẫn đang tiếp tục phát triển. 

Theo tìm hiểu, phương thức hoạt động phổ biến của các xe này là hành khách đặt chỗ qua điện thoại, đón tại văn phòng đại diện hoặc bất cứ địa điểm nào trong nội thành, nhà xe còn đón khách tại những khu vực xa trung tâm có tính thêm phí. Hành khách lên xe sẽ phải điền tên họ vào một bản hợp đồng vận chuyển do nhà xe chuẩn bị sẵn để tiện qua mặt cơ quan chức năng. Trên xe chỉ có 9 chỗ ngồi, khi xe đủ khách sẽ chạy thẳng từ Hà Nội tới Thái Nguyên, Hải Phòng, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Ninh… rồi lại từ đó đưa khách về Hà Nội. 

Trong 10 tháng của năm 2016, Hà Nội đã xử lý trên 800 xe hợp đồng chở khách liên tỉnh, phạt tiền gần 1 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 370 trường hợp. Tuy vậy, đây cũng chỉ phần nổi của tảng băng chìm trong sự bát nháo của hoạt động vận tải khách liên tỉnh hiện nay. Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Vận tải, Sở GTVT Hà Nội nhìn nhận, hiện tượng xe “dù”, bến “cóc”, xe khách trá hình, xe buýt “nhái” chưa được xử lý triệt để, khi lực lượng chức năng thiếu kiểm tra, giám sát thì các hiện tượng trên tái diễn và biến tướng ngày càng tinh vi tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự ATGT, gây ùn tắc giao thông và mất mỹ quan đô thị.

Theo lý giải, nguyên do để các xe Limousine này có thể lách luật, hoạt động trá hình rầm rộ như vậy là bởi kẽ hở do luật. Thông tư 63/2014/TT-BGTVT năm 2014 về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ đã loại xe hợp đồng dưới 10 chỗ ra khỏi một số quy định chặt chẽ về kinh doanh vận tải. Cụ thể, Thông tư chỉ yêu cầu các xe hợp đồng từ 10 chỗ trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng, phải thông báo bằng văn bản hoặc qua thư điện tử tới Sở GTVT địa phương về: điểm khởi hành, lộ trình, điểm đón, trả khách, điểm kết thúc hành trình; thời gian thực hiện hợp đồng và số lượng khách. 

Cũng chỉ vì quy định này mà việc xử lý của cơ quan chức năng gặp khó khăn. Ông Đào Việt Long cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý vận tải còn có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, còn có kẽ hở để doanh nghiệp, chủ phương tiện và lái xe lợi dụng. Cụ thể như, chưa có quy định rõ về hành vi vi phạm của các phương tiện trá hình vận chuyển khách như tuyến cố định (xe khách trá hình, xe dù) nên việc xử lý vi phạm gặp khó khăn. Đáng nói, điều kiện hoạt động kinh doanh và quy định đối với loại hình xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng còn đơn giản, dễ đáp ứng hơn so với các loại hình vận tải khác như kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, taxi.

Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Đăng Hải cũng nhìn nhận, chỉ khi nào có những quy định chặt chẽ cụ thể đối với loại xe hợp đồng dưới 10 chỗ, lực lượng chức năng mới có đủ cơ sở pháp lý để xử lý dứt điểm vi phạm. Theo đó, cần bắt buộc xe hợp đồng dưới 10 chỗ phải thông báo điểm khởi hành, kết thúc; lộ trình, điểm đón, trả khách; thời gian thực hiện hợp đồng, số lượng và danh sách hành khách trước mỗi chuyến đi.

“Chính phủ cần sớm ban hành Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo để tạo điều kiện cho các địa phương trong công tác kiểm tra, xử lý xe “dù”, bến “cóc”, xe khách “trá hình” nói riêng và xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải nói chung”.

Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Vận tải, Sở GTVT Hà Nội