Xe đổ trộm rác thải công nghiệp khắp nơi tung hoành

ANTĐ - Thời gian gần đây, tình trạng đổ trộm chất thải, rác thải công nghiệp có chiều hướng gia tăng. Điều đáng nói, nguyên nhân bắt nguồn từ việc kiểm soát thu gom, vận chuyển rác thải, chất thải công nghiệp, cũng như việc xử lý còn lỏng lẻo, các quy định xử lý còn chưa thống nhất…

Hành vi xả thải hơn 6,3 tấn chất bẩn xuống sông Công của lái xe Nguyễn Văn Quang bị lực lượng chức năng bắt quả tang

Hợp đồng một đằng, làm một nẻo

Vụ việc điển hình xảy ra vào khoảng 21h 30 ngày 25-4-2016, tổ công tác Đội 2, Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT), CATP Hà Nội phối hợp với Công an huyện Sóc Sơn phát hiện, bắt quả tang Nguyễn Văn Quang (SN 1988, trú tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đang có hành vi điều khiển xe ô tô tải BKS: 29C - 512.96, xả thải 6.350kg chất thải lỏng từ bồn chứa trên thùng xe xuống sông Công, thuộc địa bàn thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn.

Tại cơ quan công an, Nguyễn Văn Quang khai nhận, khoảng 15h cùng ngày, Quang được Nguyễn Văn Cường (ở thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn) gọi điện thuê Quang lái chiếc xe ô tô tải trên đến xưởng chứa chất thải của Công ty Cổ phần Thương mại môi trường Hoàng Anh (ở xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội) để hút chất thải lỏng từ bồn chứa và bể chứa của xưởng chở đến khu đất trống sát lạch nước, thả đường ống xả chất bẩn xuống sông Công.

Tiếp tục đấu tranh, Nguyễn Văn Quang còn khai nhận, Quang được Cường thuê lái xe từ ngày 26-3-2016, không có hợp đồng lao động. Theo sự chỉ đạo của “ông chủ”, Quang đã vận chuyển hơn 20 vụ chất bẩn từ kho của Công ty Cổ phần Thương mại môi trường Hoàng Anh về đổ xuống sông Công. Chất thải do Quang vận chuyển đổ xuống sông Công dạng dung dịch, màu trắng đục và mùi hắc khó chịu nghi là chất thải nguy hại. 

Không chỉ diễn ra ở Hà Nội, khoảng 16h30 ngày 30-5, lực lượng chức năng huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương phối hợp với người dân xã Lai Vu, đã bắt quả tang chiếc xe bồn đổ chất thải dạng lỏng xuống bãi rác, cạnh ruộng lúa. Danh tính người điều khiển phương tiện là Lê Văn Quyền (SN 1963, ở phường Ái Quốc, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương).

Làm việc với cơ quan chức năng, ông Quyền tường trình là lái xe cho một công ty chuyên xử lý chất thải nguy hại và doanh nghiệp này ký hợp đồng nhận xử lý chất thải cho một số công ty trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Bước đầu, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính 5 triệu đồng đối với Lê Văn Quyền. 

Theo ông Bùi Duy Hường, Chủ tịch UBND xã Lai Vu, khoảng giữa tháng 5-2016, một số người dân đã phản ánh đến UBND xã hiện tượng nhiều xe bồn chở chất thải đi từ cổng sau của khu công nghiệp Lai Vu, rồi đổ vào bãi rác sinh hoạt của xã. Từ phản ánh của người dân, cơ quan chức năng đã triển khai kế hoạch phục kích, bắt giữ phương tiện đổ trộm, trong đó có trường hợp lái xe Lê Văn Quyền. Cũng theo phản ánh của người dân, hiện tượng đổ trộm chất thải có tính toán rõ ràng, ngoài “đồng phục” xe môi trường của các phương tiện, giờ giấc đổ trộm cũng liên tục thay đổi.

Trung tá Nguyễn Xuân Quyến, Đội trưởng Đội 2, Phòng CSMT CATP Hà Nội cho biết, thời gian qua trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra tình trạng một số đối tượng khi tham gia thực hiện hợp đồng vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải từ khu công nghiệp đã ngang nhiên đổ trộm, xả thải không đúng nơi quy định. Qua xác minh cho thấy, một số đơn vị được cấp phép đủ điều kiện về xử lý chất thải, rác thải, chất thải nguy hại khi ký kết hợp đồng nhận xử lý chất thải cho các doanh nghiệp không thực hiện đúng theo cam kết, quy định.

Thay vào đó, để giảm chi phí, những “ông chủ” lại thuê phương tiện, thuê người ngoài vận chuyển, xử lý chất thải dẫn đến tình trạng chất thải được xả trộm thẳng ra khu đất trống hay sông không đúng nơi quy định. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, hầu hết các bên tự thỏa thuận và lái xe nhận trách nhiệm, chấp nhận xử phạt dẫn đến tình trạng này không được xử lý triệt để.

Nhiều xe bồn chở chất thải đã đổ trộm vào bãi rác sinh hoạt của xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương

Vì lợi nhuận bất chấp pháp luật

Cũng theo Trung tá Nguyễn Xuân Quyến, việc đổ trộm chất thải nguy hại, rác thải công nghiệp ra môi trường đã đem lại “siêu lợi nhuận” cho các doanh nghiệp có chức năng xử lý chất thải. Vì vậy, một số doanh nghiệp đã bất chấp pháp luật, đạo đức kinh doanh để mang chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại đổ bừa ra môi trường, bất chấp những tác hại về lâu dài.

Mặc dù chế tài xử phạt hiện nay rất nghiêm khắc, đủ sức răn đe, nhưng kể từ khi Nghị định 179/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì phạm vi và thẩm quyền của CSMT lại bị hạn chế.

Đơn cử, trước kia, CSMT được phép kiểm tra, xử lý tất cả các trường hợp nghi vấn liên quan đến lĩnh vực môi trường nhưng kể từ khi có Nghị định 179 thì CSMT  chỉ được kiểm tra, phát hiện xử lý khi bắt quả tang đối tượng đang có hành vi đang xả thải, đổ thải trực tiếp ra môi trường không đúng quy định. 

Cùng quan điểm, Đại tá Doãn Hữu Châu, Trưởng phòng CSMT, CATP Hà Nội cũng cho rằng, trước đó, tại nhiều cuộc họp, Phòng CSMT cũng đã có ý kiến đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần xem lại một số quy định hạn chế thẩm quyền của CSMT trong việc xử lý vi phạm trong Nghị định 179/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ.

Đơn cử, khi phát hiện những vi phạm xử lý chất thải, rác thải, lực lượng chức năng có thể truy nguyên đến chủ nguồn. Vì trong quy định ghi rõ, khi chủ nguồn (doanh nghiệp, đơn vị) thuê các đơn vị xử lý phải được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ là nắm bắt được vai trò năng lực và giám sát được thời gian, địa điểm… của đơn vị nhận xử lý chất thải, rác thải có làm đúng hay không.

Như lộ trình của xe chuyên chở được giám sát bằng GPS… thế nên nếu “đối tác” làm không đúng thì đơn vị thuê đều nắm được cả. Tuy nhiên, kể từ khi một số thẩm quyền của CSMT bị hạn chế không có quyền dừng xe, kiểm tra, trích xuất lộ trình, yêu cầu làm rõ với chủ nguồn đã khiến cho tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này ngày càng có chiều hướng gia tăng. 

“Mặc dù hiện nay, Pháp lệnh Cảnh sát môi trường được ban hành ngày 23-12-2014 và đã có hiệu lực từ ngày 5-6-2015 nhưng mới chỉ có Nghị định số 105/2015/NĐ-CP, ngày 20-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường, chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể nên chưa được áp dụng hiệu quả, nhất là về vai trò của CSMT. Hy vọng rằng, thông tư hướng dẫn sớm được ban hành thì “nút thắt” này sẽ được cởi”, Đại tá Doãn Hữu Châu nhận định.