Xe đạp điện: Tưởng "lành" mà hóa "dữ"

ANTĐ - Cách đây ít ngày, tại khu vực cầu Bính bắc qua sông Cấm (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng), một nữ sinh đang điều khiển xe đạp điện trên cầu thì bỗng dưng xe phát nổ, bốc cháy dữ dội khiến nữ sinh này bị văng ra khỏi xe, bất tỉnh tại chỗ. Vụ việc đã khiến nhiều người đang sử dụng xe đạp điện hoang mang, lo lắng…
Xe đạp điện: Tưởng "lành" mà hóa "dữ" ảnh 1

CSGT Hà Nội xử lý người đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm -  Ảnh: Thuần Thư

Nguy cơ cháy nổ cao

Là người thường xuyên đưa đón 2 con đi học bằng xe đạp điện, chị Vũ Thị Hải - ở phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình cho biết, chị mua xe cách đây hơn 1 năm, tại một cửa hàng trên phố Tôn Đức Thắng. Dù  xe được gắn logo của hãng Yamaha song lại không có phiếu bảo hành chính  hãng, chỉ có cam kết bảo hành 6 tháng của cửa hàng. Theo chị Hải, tuy mới sử dụng nhưng nguồn điện của chiếc xe này khá chập chờn. Không ít lần, dù xe vừa được sạc điện qua đêm, nhưng khi chị cắm chìa khóa vào và bật lên lại thấy báo điện sắp hết. “Tôi cũng nghĩ do ắc quy gặp trục trặc nhưng chưa đi thay vì phí khá cao. Song từ khi nghe tin xe đạp điện nổ, tôi tạm thời không sử dụng xe nữa, dự định mang đi kiểm tra cho yên tâm. Mua xe đạp điện tưởng tiết kiệm, an toàn mà hóa ra lại tốn kém, lại thêm lo” - chị Hải chia sẻ.

Với tính năng sử dụng tiện lợi, gọn nhẹ, không tốn tiền xăng, hiện xe đạp điện đã trở thành phương tiện đi lại chủ yếu của người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Tuy vậy, loại phương tiện này cũng là nguồn nguy hiểm trên các tuyến đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe và tính mạng người sử dụng. Bởi, phần lớn người sử dụng xe là học sinh, sinh viên, nên khi tham gia giao thông thường vi phạm quy định như không đội mũ bảo hiểm, chở quá tải, phóng nhanh vượt ẩu nên gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng.

Về nguyên nhân khiến cho xe đạp điện phát nổ, bốc cháy, kỹ sư Đặng Thanh Chương - trường ĐH Giao thông Vận tải cho rằng, có nhiều lý do, song nguyên nhân chính vẫn là ở bình ắc quy và hệ thống bộ đổi điện của xe. Khi xe chạy trong thời gian dài sẽ khiến ắc quy nóng lên, gặp chất dễ cháy như dầu nhớt sẽ rất dễ cháy nổ. Chưa kể đến việc, ắc quy đó chất lượng kém, được lắp đặt bằng những linh kiện rẻ tiền cách điện kém, nguồn điện chập chờn nên dẫn đến hiện tượng phóng điện, chập cháy…

Ngoài ra, hầu hết người dùng thường sử dụng xe không đúng cách như chở quá tải, nạp điện không đúng quy cách (thường xuyên cắm điện khi  ắc-quy vẫn còn điện), không kiểm tra, bảo dưỡng xe định kỳ, đi xe quá lâu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa to, nước ngập hoặc để xe ở nơi có độ ẩm cao khiến ắc quy, pin xe bị ngấm nước, rò điện…

Xe đạp điện: Tưởng "lành" mà hóa "dữ" ảnh 2

Bình ắc quy và hệ thống đổi điện tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ với xe đạp điện kém chất lượng
(Trong ảnh: Một cửa hàng bán xe đạp điện trên phố Tôn Đức Thắng)

Chất lượng tù mù

Cũng theo kỹ sư Đặng Thanh Chương, về cấu tạo, xe đạp điện có 2 loại chính, một loại chạy bằng pin, còn một loại chạy bằng ắc quy. Hầu hết các loại ắc quy này có nguồn gốc từ Trung Quốc với giá rẻ, còn chất lượng thì… chỉ người sản xuất mới biết. Xe kém chất lượng thường có bình ắc quy không đảm bảo nên dễ hỏng hóc, nứt vỡ khiến lượng chì và axit trong bình dễ chảy tràn ra ngoài, gây chập cháy. Bên cạnh đó, các bộ phận khác trong những chiếc xe này thường thiếu đồng bộ nên không đảm bảo an toàn.

Được biết, xe đạp điện được bày bán trên thị trường hiện nay gồm 2 loại chính là xe sản xuất, lắp ráp trong nước (linh kiện chủ yếu từ Trung Quốc) và xe nhập khẩu. Thời gian qua, cơ quan quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở kinh doanh xe đạp điện. Kết quả cho thấy, bên cạnh những sản phẩm chính hãng còn có không ít sản phẩm vi phạm về nhãn mác, thương hiệu, không bảo đảm chất lượng công bố, giả nhãn hiệu của những hãng xe điện có uy tín sản xuất trong nước...

Cũng qua kiểm tra, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phát hiện và chấn chỉnh một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe đạp điện, xe máy điện đã sản xuất, lắp ráp loại xe chưa được Cục cấp giấy chứng nhận chất lượng hoặc không đúng với kiểu loại xe đã được chứng nhận chất lượng. 

Dù xe đạp điện là phương tiện đi lại chủ yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn về tính mạng của người tham gia giao thông, song hầu hết người tiêu dùng khi mua xe thường bị chi phối bởi giá cả. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh, người dân khi mua xe đạp điện cần đến địa chỉ có uy tín, kiểm tra kỹ chất lượng của xe và chỉ mua xe khi có bảo hành chính hãng, có đầy đủ giấy tờ kèm theo như hóa đơn, chứng từ, giấy chứng nhận đăng kiểm, kiểm định kỹ thuật...

Trong quá trình sử dụng xe nên thường xuyên đưa xe đi kiểm tra. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần siết chặt công tác kiểm tra, kiểm định về chất lượng của loại phương tiện này đang bày bán trên thị trường để người tiêu dùng yên tâm hơn khi lựa chọn và sử dụng, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.