Xe biển số Lào "lách luật" hoạt động trái phép tại Việt Nam

ANTĐ - Để hoạt động vận tải hành khách trên lãnh thổ Việt Nam và Lào, các chủ xe thực tế (người Việt) đã “lách luật” bằng cách dùng giấy ủy quyền của doanh nghiệp Lào và các giấy tờ khác do cơ quan chức năng Lào cấp để hoạt động vận tải hành khách liên vận trên lãnh thổ hai nước.

Xe “hết đát” vô tư chạy trên đường

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An vừa có kết quả kiểm tra, xử lý xe ôtô vận tải khách mang biển kiểm soát nước ngoài trên địa bàn tỉnh, trong đó chỉ ra hàng loạt các vi phạm về quy định pháp luật, an toàn giao thông.

Qua kiểm tra, rà soát thực tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An có khoảng trên 60 xe ôtô mang biển kiểm soát Lào hoạt động vận tải khách, tập trung chủ yếu ở các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thành phố Vinh.

Một xe khách BKS Lào, chủ xe là người Việt, gây tai nạn giao thông 

Báo cáo của phòng Quản lý vận tải, sở Giao thông Vận tải Nghệ An cho thấy, hiện nay mới có 24 xe được cơ quan thẩm quyền hai nước chấp thuận cho phép kinh doanh vận tải liên vận quốc tế Việt-Lào.

“Số còn lại hoạt động trái quy định của pháp luật, các chủ xe này tự tổ chức bán vé, đón, trả khách tại một số địa phương của tỉnh Nghệ An, đưa sang Lào và ngược lại, đồng thời tự ý hợp đồng chở khách tham quan du lịch trong, ngoài nước mà không được cơ quan quản lý hai nước cho phép, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường bộ,” Giám đốc sở Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Kỳ khẳng định.

Theo ông Kỳ, hầu hết các xe vận tải khách mang biến kiểm soát Lào do các cá nhân người Việt Nam mua lại của các doanh nghiệp Lào (các xe này đã được cơ quan chức năng của Lào cấp Giấy phép liên vận Lào-Việt Nam) nhưng vẫn để tên chủ xe là các doanh nghiệp Lào.

“Để hoạt động vận tải khách trên lãnh thổ Việt Nam và Lào các chủ xe thực tế (người Việt) đã ‘lách luật’ bằng cách dùng giấy ủy quyền của doanh nghiệp Lào và các giấy tờ khác do cơ quan chức năng Lào cấp để các cá nhân người Việt Nam (là người đã mua xe) hoạt động vận tải hành khách liên vận trên lãnh thổ hai nước,” ông Kỳ nhìn nhận.

Đặc biệt, những xe này đã trải qua sử dụng, tương đối cũ nát, nhiều xe tự ý thay đổi kết cấu của nhà sản xuất (tự ý tháo bệ, chuyển đổi các ghế ngồi sang giường nằm...) mà không đăng ký với cơ quan thẩm quyền, trên kính chắn gió phía trước của xe không có phù hiệu vận tải quốc tế liên vận; một số xe kiểm định phương tiện, giấy phép liên vận đã hết hạn, không đảm bảo điều kiện kinh doanh vận tải khách; không vào các bến xe hoạt động theo quy định; hoạt động không đúng hành trình, lịch trình giữa hai điểm trong lãnh thổ Việt Nam; hoạt động không đúng quy định tại hiệp định và nghị định thư tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới đã ký kết giữa hai nước.

Không cho nhập cảnh nếu thiếu thủ tục

Để “siết chặt” hoạt động của lượng phương tiện biển số Lào hoạt động trái phép này, (tính từ ngày 15-24/6 vừa qua), Đoàn liên ngành giao thông vận tải và Công an đã kiểm tra 27 trường hợp (trong đó 25 xe ôtô Lào, 02 xe ôtô Campuchia), phát hiện lập biên bản 24 xe vi phạm, tạm giữ 5 trường hợp; buộc tái xuất phương tiện ra khỏi Việt Nam 3 phương tiện; xử phạt 150 triệu đồng...

Tuy nhiên, lãnh đạo sở Giao thông Vận tải Nghệ An cũng thừa nhận, trong quá trình kiểm tra, xử lý đã nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, các loại giấy tờ của xe và giấy tờ, tài liệu có liên quan đến hoạt động vận tải khách do cơ quan chức năng của nước Lào cấp, trong khi đó các thành viên của Đoàn liên ngành đều không biết ngôn ngữ và chữ Lào, khi gặp một số trường hợp xe ôtô khách Lào mà các loại giấy tờ không có bản dịch kèm theo đã gây ra một số khó khăn trong công tác kiếm tra, xử lý.

“Trong 24 xe được chấp thuận tuyến vận tải khách liên vận quốc tế, qua kiểm tra một số xe không có phù hiệu vận tải quốc tế liên vận, chưa đáp ứng đầy đủ quy định trong Nghị định thư số 72/2010/SL-LPQT thực hiện Hiệp định ngày 15/12/2010,” ông Kỳ cho hay.

Đối với những xe ôtô vận tải khách mang biển kiểm soát Lào hoạt động trái phép, khi kiểm tra Đoàn liên ngành nhận thấy các xe này đều có số Giấy phép liên vận (TRANSIT) do cơ quan chức năng Lào cấp nhưng không có phù hiệu liên vận; nội dung trong Giấy phép liên vận ghi chưa đầy đủ, rõ ràng, không phân biệt được loại hình kinh doanh, không ghi địa điểm đến tại Việt Nam, thời hạn giấy phép đều quy định một năm. Điều này cũng gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý của Đoàn.

Chưa dừng lại, khi biết thông tin về hoạt động của Đoàn liên ngành, nhiều xe ôtô khách mang biến kiểm soát Lào đã cố tình trốn tránh, cho xe “đắp chiếu” trong gara, sân hay vườn nhà. Số xe này thường treo biến bán xe hoặc tháo biển số. Cá biệt, nhiều xe ở hẳn bên nước bạn Lào không về Việt Nam chờ nghe ngóng về thông tin hoạt động kiểm tra khiến số lượng xe khách mang biển kiếm soát nước ngoài bị kiếm tra, xử lý trong thời gian qua còn tương đối ít.

Đưa ra biện pháp quản lý, sở Giao thông Vận tải Nghệ An đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị với Cục Vận tải Lào khi chấp thuận tuyến vận tải khách liên vận quốc tế cho các xe vận tải khách mang biến kiểm soát Lào đồng thời cấp phù hiệu vận tải quốc tế liên vận theo quy định tại Nghị định thư số 72/2010/SL-LPQT (nếu chưa cấp); kiểm tra, đôn đốc việc dán phù hiệu vận tải quốc tế liên vận lên kính chắn gió phía trước xe vận tải khách mang biến kiểm soát Lào (nếu đã cấp).

Bên cạnh đó, các đơn vị giữa hai nước sẽ kiểm tra, xem xét việc cấp số Giấy phép liên vận cho số xe ôtô khách ngoài 24 xe đã được cơ quan thấm quyền hai nước chấp thuận.

Ngoài ra, sở Giao thông Vận tải cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An có văn bản thông báo tới Tổng cục Hải Quan Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng không cho phép các xe ôtô khách Lào đã bị buộc tái xuất tiếp tục tạm nhập vào Việt Nam cho đến khi hoàn thiện các thủ tục theo kiến nghị của Đoàn liên ngành; các phương tiện không đầy đủ thủ tục hợp lệ, không cho phép nhập cảnh vào lãnh thổ Việt Nam.