Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân:

Xây từ móng “ngôi nhà” điện ảnh

ANTĐ - “Xây dựng một đề án phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020 hay năm 2030 đi chăng nữa cũng chỉ để động viên nhau mà thôi. Chứ tôi nhìn vào thực tế hiện tại thì khó có thể đạt được như những tiêu chí đề ra. Chỉ riêng về đội ngũ nhân lực mới, tôi thấy rất trống trải” - đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, “cha đẻ” của những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như “Đời cát”, “Trái tim bé bỏng”… chia sẻ quan điểm xung quanh dự thảo đề án Quy hoạch tổng thể phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
 Xây từ móng “ngôi nhà” điện ảnh ảnh 1
Vươn ra thế giới vẫn là ước mơ của điện ảnh Việt (cảnh phim Cánh đồng bất tận)

- PV:  Điểm nhấn Dự thảo Chiến lược là chuyển quy trình tổ chức sản xuất phim lấy đạo diễn làm trung tâm sang quy trình lấy nhà sản xuất làm trung tâm theo mô hình quốc tế, ông có ý kiến gì về sự chuyển đổi này? - Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: Trong sự tồn tại và phát triển của điện ảnh thế giới, đang có xu hướng ngả theo mô hình của Hollywood - tập trung vào những nhà sản xuất. Tuy nhiên chúng ta có vẻ như đang tiếp cận hơi quá mức. Tôi biết được rằng, ở châu Âu cũng như trên toàn thế giới, ngoài Hollywood vẫn có những dòng phim độc lập. Trong đó, vai trò của tác giả là quan trọng nhất. Dòng phim này được gọi là phim tác giả.  Bởi vậy theo tôi, chúng ta cần xác định sự tồn tại của 2 dòng phim là song hành. Đến ngay cả ở nước Mỹ, như trong liên hoan phim Sundance vẫn có dòng phim độc lập, tôn vinh tác giả là chính, là trọng tâm của các phim nghệ thuật. Nếu chúng ta chỉ chăm chăm xây dựng một mô hình thiên về   Hollywood quá thì có lẽ không thực sự ổn thỏa. Bạn sang châu Âu sẽ thấy, nhiều tác giả luôn dùng từ Hollywood hay kiểu Hollywood để nói tới những phim đề cao vai trò của nhà sản xuất. Còn những dòng điện ảnh độc lập lại hoàn toàn từ chối phương thức đó. Ở đây chúng ta phải đặt ra câu hỏi rằng, lựa chọn phương thức đó có phải là quyết định cho sự phát triển của điện ảnh Việt hay không? Tính quyết định đó có đem lại những tác phẩm tốt hay không, đại diện cho gương mặt điện ảnh Việt hay không? Có lẽ chúng ta cần suy nghĩ thêm và cần có phán xét công bằng.- Nếu bây giờ trao “quyền” quyết định đến sự phát triển của điện ảnh nước nhà cho nhà sản xuất, e rằng có quá vội vã?
- Hiện tại vai trò của nhà sản xuất ở nước ta chưa đủ. Một mô hình mới cần phải được xây dựng từ nền móng. Điều đầu tiên đương nhiên phải đào tạo được một hệ thống các nhà sản xuất đúng nghĩa, tức là không chỉ là việc cầm đồng tiền rồi tiêu như hiện nay. Mà vấn đề là nhà sản xuất còn phải là người tìm kiếm các dự án, tìm kiếm nguồn đầu tư. Khi họ đã có tầm nhìn và tài chính thì họ có quyền lựa chọn nhân sự, từ đạo diễn tới diễn viên tham gia. Ngoài ra, họ cũng phải biết cách tổ chức hệ thống PR để phát hành phim. Như vậy, nhà sản xuất phải làm trọn gói các khâu từ đầu tư dự án tới thu về đồng tiền cuối cùng. Đồng tiền đó, không chỉ đơn thuần là từ rạp chiếu mà còn in đĩa, bán bản quyền… Có như vậy mới đúng nghĩa là nhà sản xuất. Còn khi chúng ta chưa hiểu hết khái niệm, chưa hiểu đầy đủ mà cứ cố xây dựng mô hình đó thì cần thiết phải có đào tạo. Khi đã có một hệ thống nhân sự vững chắc thì ngôi nhà mới có thể đứng vững.
 Xây từ móng “ngôi nhà” điện ảnh ảnh 2
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân
- Trong dự thảo Chiến lược có chỉ tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có nền điện ảnh phát triển trong khu vực và châu Á. Mục tiêu này có quá cao so với tình hình thực tế hiện nay?
- Tôi cho rằng đặt ra như vậy để động viên nhau thôi. Theo tôi, dù đặt mục tiêu ra sao đi chăng nữa, cái quan trọng vẫn là phải có những bước làm thật cụ thể, và quan trọng là gắn với việc đào tạo. Tôi còn nhớ cách đây 3, 4 năm, một vị lãnh đạo cấp cao đã phát biểu trong hội nghị về điện ảnh rằng sẽ đồng ý cho ngành điện ảnh xây dựng đề án cử người đi học ở nước ngoài. Thế mà đến tận giờ, vẫn chả có gì thay đổi. Mọi thứ vẫn chỉ được thể hiện trên giấy. Ngay cả với đề án này, hiện mới đang là dự thảo, để được phê duyệt là con đường dài. Bởi vậy, tôi cho rằng, mọi thứ phải được triển khai rất cụ thể, được làm chi tiết thì may ra mới đến được một độ nào đó. Còn nếu chúng ta cứ chung chung, gói hết trong một hồ lô thì chả bao giờ đi tới được. Trong khi thời gian thì liên tục trôi đi.- Vậy điều cốt lõi để có thể hiện thực hóa đề án, vẫn từ yếu tố con người?
- Đúng vậy. Đề án có thể đặt ra mục tiêu này, mục tiêu kia nhưng hãy bổ sung thêm một phụ lục là, mỗi năm hay mỗi kì kéo dài bao lâu, cử bao nhiêu người đi đào tạo, đào tạo ở đâu và Nhà nước sẵn sàng cung cấp số tiền để họ học tập. Có khi, thời gian đó chỉ là ba năm, nhưng hãy dành ra 3 năm như vậy để có một thế hệ tương lai nòng cốt thì mới mong rằng điện ảnh của chúng ta “đứng đầu” hay có vị thế trong khu vực. Tôi đơn cử ở Hàn Quốc, cách đây 20 năm, họ đã cử một đội ngũ trên 100 người sang Hollywood học ở tất cả các ngành nghề, từ đạo diễn, quay phim, diễn viên… Sau đó, họ “mất” khoảng vài ba chục người ở lại Mỹ làm việc. Nhưng số còn lại trở về nước và họ đã làm nên diện mạo của điện ảnh Hàn như hiện nay. Vậy tại sao, chúng ta không học tập theo họ, trước khi xây dựng một đề án “to tát” với mốc thời gian gần như vậy.- Xin cảm ơn anh!