Xảy sự cố ở bến xe, không có lối thoát hiểm

ANTĐ - Đó là thực trạng đáng lo đối với những bến xe khách, xe tải lớn trên địa bàn thành phố, như Giáp Bát (quận Hoàng Mai), Lương Yên (quận Hai Bà Trưng), bến xe Vận tải hàng hóa (quận Hoàng Mai)… Trong khi, hầu hết các trục đường ra vào những bến xe này đều bị bít kín mặt tiền và luôn trong tình trạng quá tải.

Ngõ 897 đường Giải Phóng - lối vào của xe khách bến Giáp Bát, tràn lan xe taxi đỗ sai phép

Mỗi nơi một tồn tại

Bến xe Giáp Bát, nếu chỉ nhìn vị trí mặt tiền rộng ngay đường Giải Phóng sẽ không thể đánh giá hết thực trạng - năng lực “thoát hiểm”, nếu xảy ra sự cố hỏa hoạn hay ngập lụt. Về lý thuyết, bến xe này có 2 lối ra vào tách biệt, và cửa phụ có thể sử dụng trong tình huống cần thiết. Ngay cả xe buýt vào bến cũng có đường riêng. Tìm hiểu thực tế, có thể ghi nhận độ an toàn đối với lối ra của bến Giáp Bát. Nhưng cổng vào lại đáng lo ngại. Xe khách vào bến Giáp Bát hiện nay theo đường Giải Phóng, rẽ vào ngõ 897. Còn ngõ này mặt cắt rộng khoảng  10 m, và 1 xe ô tô khách loại 45 chỗ có thể đi lại dễ dàng trong tình trạng xe đi… một mình một đường. Thực tế hàng ngày,  ở lối vào này, hàng quán và một điểm trông giữ xe chiếm toàn bộ hai bên vỉa hè. Khoảng đất trống đối diện cổng vào là “bến” xe taxi trái phép, đỗ và hoạt động tương ứng với giờ của xe khách trong bến Giáp Bát. Chưa kể đội quân “xe ôm” vãng lai túc trực, cạnh tranh với đội “xe ôm” được phép hoạt động trong bến. Từ 7h sáng đến cuối buổi chiều, đến ngõ 897 - lối vào bến xe này lúc nào cũng bắt gặp cảnh ùn ứ.

Xuôi theo đường Giải Phóng xuống ngã ba Đuôi Cá là bến xe Vận tải hàng hóa. Đây là bến xe duy nhất ở Hà Nội phục vụ xe tải từ các tỉnh phía Nam ra. Mỗi ngày có trên 300 lượt xe tải ra vào bến, chưa kể gần 20 kho hàng bên trong. Thế nhưng nhiều năm nay, khuôn viên rộng hơn 10.000m2 này chỉ có duy nhất 1 lối ra, “kiêm” cổng vào, ngay đầu đường Trương Định. Hơn 1 tháng trước, Báo ANTĐ có bài phản ánh, nêu lên nguy cơ không có lối thoát hiểm ở bến xe này. Ngày 11-12, Phòng CS PCCC quận Hoàng Mai, đã lập biên bản nhắc nhở và kiến nghị đơn vị quản lý bến sớm triển khai mở cửa thoát hiểm thông ra ngõ 1141 đường Giải Phóng. Tuy nhiên ngày 18-12, trao đổi với đại diện bến, thông tin PV nhận được vẫn chỉ là: “Chúng tôi đang gửi tiếp đơn kiến nghị đến UBND phường Thịnh Liệt để đề nghị giúp đỡ” (?!).

Cũng ở vị trí mặt đường như bến xe Giáp Bát, tương tự nguy cơ khó “thoát hiểm” nếu xảy ra sự cố  tại bến xe Lương Yên. Hơn 2 năm nay, do phần lớn diện tích bến bị thu hồi để… xây chung cư (dự án xây chung cư mới đây đã bị tạm dừng, theo chỉ đạo của Chính phủ), nên việc tổ chức lối ra - vào cho xe khách phần nào bị hạn chế. Khu vực quảng trường, vị trí xe ô tô trả khách, điểm đón khách ở bến xe Lương Yên, lúc nào cũng ken đặc phương tiện. Đại diện bến xe Lương Yên thừa nhận: “Chỉ có thể thoát hiểm tốt, nếu diện tích bến được mở rộng trở lại như trước kia”.

Vì diện tích quá chật nên xe khách ở bến Lương Yên phải đỗ… chênh nhau tới 4, 5 mét

Cần rà soát, chấn chỉnh tồn tại

“Đặc thù các bến xe là luôn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn, bởi số lượng xăng, dầu lớn của các xe ô tô. Chỉ một sự bất cẩn, sự cố xảy ra thì hậu quả sẽ rất khó lường”, Trung tá Đỗ Anh Quyến - Phó Trưởng phòng CS PCCC Thanh Trì nhìn nhận. Qua trao đổi với đại diện một số bến xe, một tình trạng dễ thấy là tâm lý chủ quan khi xe khách nào cũng trang bị bình bọt rồi nên nếu xảy ra sự cố có thể xử lý được. Ngoài ra, một số bến xe đã xây dựng, thực tập phương án diễn tập PCCC. Tuy nhiên, việc trang bị bình bọt là chưa đủ; cũng như phương án diễn tập, dù là cần thiết, tích cực, nhưng sẽ không thể giải quyết nổi mọi tình huống, nếu không có lối thoát hiểm cho các xe.

Nguy cơ từ sự thiếu quan tâm tổ chức lối thoát hiểm ở nhiều bến xe hiện nay, có lỗi từ phía đơn vị quản lý bến, cũng như sự quan tâm của chính quyền cơ sở. Như lối vào bến xe Giáp Bát, đặt câu hỏi với đại diện phường Thịnh Liệt về sự lộn xộn của hàng quán, điểm trông xe không phép, câu trả lời là do “giáp ranh giữa phường Thịnh Liệt với phường Giáp Bát nên khó làm”, rồi do “lực lượng mỏng nên làm không xuể”. Ở một số bến xe khác, những phần diện tích trống đa số được tận dụng để kinh doanh dịch vụ, thay vì trang bị, bố trí phương tiện cứu hộ, cứu hỏa. Thực trạng hiện nay đòi hỏi cơ quan chức năng thành phố vào cuộc khảo sát, kiểm tra việc tuân thủ những nguyên tắc chung về bố trí đảm bảo lối thoát hiểm, thoát nạn đối với các bến xe.