Xây nhà trẻ cho con công nhân các KCN-KCX: Khó mấy cũng phải làm

ANTĐ - Sau hàng loạt vụ bạo hành trẻ xảy ra, chính quyền nhiều quận, huyện ở TP.HCM đã vào cuộc, đề xuất biện pháp xây trường mầm non cho con công nhân trong các KCN-KCX, nhưng mọi việc tiến triển rất chậm. Con công nhân vẫn phải chấp nhận học trong những trường chất lượng thấp, thậm chí phải gửi ở những nhóm trẻ gia đình không phép gây nhiều khó khăn trong quản lý giáo dục. 

Con em có nơi chăm sóc chu đáo, công nhân mới yên tâm làm việc. Anhr: Internet

Ông Nguyễn Tấn Định, Phó Trưởng BQL các KCN-KCX TP.HCM (EPZA) thông tin: Khi TP.HCM làm KCN mới chỉ nhằm thu hút đầu tư và mục đích giải quyết công ăn việc làm cho dân thành phố, nên chưa tính đến chuyện thu hút dân các tỉnh. Sau 20 năm, giờ thì yêu cầu cấp bách nhất lại chính là nhà lưu trú công nhân và nhà trẻ.

Để khắc phục, EPZA đã đề xuất UBND thành phố xin cấp đất tại các vùng cách ly cây xanh trong các KCN để xây dựng trường mầm non: KCX Tân Thuận (quận 7) 900m2; KCX Linh Trung 1 (quận Thủ Đức) 3.000m2 thuộc khu cây xanh rộng 3ha; KCX Linh Trung 2 (quận Thủ Đức) 3.200m2 đất quy hoạch cây xanh tại lô CV-2; KCN Vĩnh Lộc (quận Bình Tân) 2.500m2 thuộc dự án khu tái định cư 3,8ha; KCN Tân Tạo (quận Bình Tân) 3.246m2 thuộc quỹ đất xây chung cư công nhân và nhà thu nhập thấp; KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) dành toàn bộ tầng trệt với diện tích 800m2 của nhà lưu trú công nhân làm nơi giữ trẻ. Song đáng tiếc, đề xuất vẫn đang ở dạng… văn bản, bởi nếu xây trường, chi phí tăng thêm mà BQL lại không được hưởng những ưu đãi về thuế, quyền sử dụng đất, vay vốn đầu tư các công trình phúc lợi xã hội...

Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng ủng hộ chung sức xây dựng trường mầm non nhằm giữ công nhân ở lại tiếp tục ổn định cuộc sống và làm việc. Một số doanh nghiệp ở KCN Linh Trung, Tân Thuận còn tự xây trường, mở lớp mầm non cho công nhân công ty. Vấn đề tồn tại ở đây là cơ chế, chính sách xây dựng trường mầm non của TP.HCM sẽ thế nào? 

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Phó Trưởng ban Văn hóa xã hội  HĐND TP.HCM khẳng định: Trong khi rất nhiều giáo viên mầm non ở nội thành xin nghỉ việc vì lương quá thấp, thì tại các KCN-KCX lại thiếu trường mầm non, thiếu giáo viên, bảo mẫu. Hầu hết các trường công lập đều quá tải, “phá” chuẩn. Để giải quyết thực trạng này, các quận, huyện có KCN-KCX cần phải chủ động nhận trách nhiệm trước thành phố, tập trung xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo trong các khu lưu trú công nhân, trong đó đặc biệt chú ý tới trách nhiệm của các cơ quan tham mưu cho thành phố về việc này. Bởi theo một số Phòng GD-ĐT quận, huyện, chủ trương đã có nhưng phần triển khai còn rất chậm.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hứa Ngọc Thuận cho biết, thành phố đang tập trung nguồn vốn đầu tư vào các công trình trọng điểm nhưng sẽ dành nguồn vốn kích cầu để đầu tư cho giáo dục. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh vận động các nguồn xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức tham gia ủng hộ xây dựng các trường mầm non giúp công nhân yên tâm lao động, nhất là trong thời điểm mức lương và thu nhập của công nhân ngày càng bị thu hẹp, giá cả lại tăng cao. Lãnh đạo thành phố sẽ chỉ đạo quyết liệt vấn đề thu hồi, giải tỏa các khu đất, bằng mọi cách thúc đẩy tiến trình xây dựng nhà trẻ nhanh chóng, khó mấy cũng phải làm.  

Theo số liệu Phòng GD-ĐT quận Thủ Đức cung cấp, phường Linh Trung có khoảng 1.500 trẻ ở độ tuổi mẫu giáo song chỉ có 1 trường công, 4 trường tư thục và 21 nhóm trẻ; phường Linh Xuân có trên 1.830 trẻ cũng chỉ có 1 trường công, 3 trường tư thục và 34 nhóm trẻ; phường Bình Chiểu 2.336 trẻ với 1 trường công lập, 5 trường tư thục và 11 nhóm trẻ gia đình… đáp ứng chưa nổi 50% nhu cầu của các gia đình công nhân. Phường Tân Thuận Đông, quận 7 có 1 trường công lập, 3 trường tư, 7 lớp và 1 nhóm trẻ; phường Tân Thuận Tây có 3 trường công lập, 1 trường dân lập và 4 lớp nhưng có hơn 1.500 trẻ và cũng chỉ đáp ứng 35,3% nhu cầu gửi con của công nhân trong KCN.