Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Rối như tơ vò

ANTĐ - Rà soát mới đây của Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho thấy tỷ lệ, trường đạt chuẩn quốc gia nhiều địa phương quá thấp, chỉ trên dưới 10%. Đáng lo ngại hơn, có những trường tuy mang danh trường chuẩn nhưng đang xuống cấp nghiêm trọng.

Học sinh học tại trường chuẩn quốc gia được tạo điều kiện phát triển toàn diện

7 năm phấn đấu vẫn không đạt chuẩn

Hà Nội là một trong những địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Một trong nguyên nhân không dễ khắc phục là hạn chế về diện tích. Đây cũng là lý do mà một hiệu trưởng trường THPT phải bức xúc vì đã 7 năm nay tập thể nhà trường phấn đấu vẫn chưa được công nhận danh hiệu chuẩn quốc gia. Bà Nguyễn Thị Hiển, trường THPT Yên Viên, huyện Gia Lâm cho biết, từ năm 2006, trường đã nằm trong danh sách 14 trường được đưa vào danh mục đầu tư, nâng cấp để đạt chuẩn quốc gia. Để đạt được danh hiệu này, Ban giám hiệu, giáo viên nhà trường rất nỗ lực, chất lượng dạy - học đều cơ bản đạt yêu cầu nhưng chỉ vì một tiêu chí là diện tích trên đầu học sinh mà trường không thể khắc phục được. 

Cả 7 xã phía bắc Đuống và 1 thị trấn chỉ có một trường THPT công lập nên quy mô nhà trường ngày càng phát triển (35 lớp với gần 1.600 học sinh). Ban giám hiệu, thầy cô giáo phải dồn phòng chức năng, nhường phòng làm việc của mình để học sinh có chỗ học. “Có lẽ hiếm nơi nào lại nhiều “phòng đa năng” đến thế. Phòng bộ môn vừa là phòng đồ dùng, vừa là phòng nghỉ trưa cho giáo viên; phòng hiệu trưởng chỉ có 12m2 song vừa là nơi làm việc, vừa để tiếp khách, cũng là phòng họp hội đồng; 3 hiệu phó chung một phòng làm việc từ chục năm nay…” – bà Nguyễn Thị Hiển trình bày.

Đây không phải là khó khăn với riêng trường THPT Yên Viên. Thực tế, Hà Nội đã đặt ra chỉ tiêu giai đoạn 2011-2015 đạt 50-55% trường công lập đạt chuẩn. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có chưa đến 10/29 quận huyện đạt tỷ lệ trên 50% trường chuẩn quốc gia. Hết năm 2012, Sở GD-ĐT Hà Nội phải thừa nhận nhiều đơn vị không thể hoàn thành kế hoạch. Tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp nhất phải kể đến là Phú Xuyên: 14,8%, Ba Vì: 16,8%. Ngoài ra, các quận nội thành đạt tỷ lệ trường chuẩn thấp nhất là Hai Bà Trưng: 23,3%; Hoàn Kiếm: 26,8%; Ba Đình: 32,7%...

Không có kinh phí duy trì

Trong khi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… không thể khắc phục vấn đề cơ sở vật chất chật hẹp để được công nhận trường chuẩn quốc gia thì tại một số địa phương, tình trạng trường đã đạt chuẩn quốc gia nhưng lại đứng trước nguy cơ tụt hạng cũng đang xảy ra.

Thực tế, nhiều trường học sau một thời gian được công nhận đạt chuẩn đang rơi vào tình trạng “nợ chuẩn”. Trường tiểu học số 2 Hồng Thủy, tỉnh Quảng Bình, sau 5 năm được công nhận đạt chuẩn quốc gia khi thẩm định lại thì thấy diện tích khuôn viên không đủ cho học sinh nên được phép “nợ” lại công trình này, nhưng phải sớm tìm biện pháp khắc phục để vẫn giữ được danh hiệu trường chuẩn. Tuy nhiên, cho đến nay, trường chẳng những không “trả” được “món nợ” đó mà ngược lại, nhiều công trình khác cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Tương tự, Trường THCS Tân Thủy, Lệ Thủy (Quảng Bình) được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2006 nhưng hiện nay vẫn còn 10/18 phòng học là phòng học cấp 4 đã xuống cấp. Trong đợt rà soát, thẩm định lại vào năm 2011, trường được Sở GD-ĐT Quảng Bình cho “nợ” tiêu chuẩn cơ sở vật chất với nhiều công trình như hệ thống phòng học, phòng chức năng và công trình vệ sinh dành cho giáo viên. 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi, không nên có chuẩn chung về cơ sở vật chất cho mọi vùng miền. Có thể thay vì quy định diện tích đất, nên quy định diện tích sàn, để phù hợp hơn với thực tế tại mỗi địa phương. Trước đây, không có cầu thang máy nên hạn chế xây cao tầng đối với trường tiểu học, nhưng hiện nay quy định này có thể thay đổi... “Tuy nhiên, các tiêu chí về đội ngũ giáo viên, sĩ số lớp học thì không thể bỏ qua, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiếp thu kiến thức của học sinh và chất lượng giáo dục” - Chủ nhiệm Đào Trọng Thi nói. 

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm học 2011 - 2012, cả nước có 7.130 trường tiểu học, 2.748 trường THCS và 378 trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT  Phạm Vũ Luận cho biết, thời gian tới sẽ cụ thể hóa, điều chỉnh các tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia thiết thực hơn, tiêu chuẩn nào không có tác dụng và tác dụng ngược thì sẵn sàng bỏ. Việc tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia nhằm tạo mặt bằng chất lượng, hạn chế tình trạng chạy vào trường điểm hàng năm vẫn diễn ra.