Xây dựng thương hiệu sâm Việt Nam vươn tầm thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việt Nam phải có tinh thần dân tộc, tinh thần đất nước, cùng nhau xây dựng sản phẩm, thương hiệu sâm quốc gia mang biểu tượng của đất nước...
Sản phẩm sâm Ngọc Linh

Sản phẩm sâm Ngọc Linh

Theo Cục Lâm nghiệp, sâm Việt Nam có tên khoa học Panax Vietnamensis là loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu có công dụng và giá trị cao.

Hiện nay, ở một số địa phương đã và đang nuôi trồng phát triển sâm và đã có một số mô hình thành công.

Phát triển giống sâm Việt Nam hiện tập trung theo hai hình thức là nhân giống từ hạt và nhân giống vô tính.

Nhằm xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 theo chuỗi sản phẩm.

Đưa thương hiệu sâm Việt Nam ra thế giới

Mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2030, bảo tồn nguồn gen sâm Việt Nam ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng.

Phấn đấu diện tích trồng sâm Việt Nam đạt khoảng 21.000 ha vào năm 2030, 100% diện tích trồng sâm Việt Nam được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.

Sản lượng khai thác sâm Việt Nam từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 1.000 ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP - WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) hoặc tương đương.

Định hướng đến năm 2045 phát triển sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới.

Trong chương trình toạ đàm mới đây do Bộ Nông nghiệp tổ chức, ông Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Minh (Lai Châu) cho rằng, từ bài học của Hàn Quốc, Việt Nam phải thực hiện thâm canh đối với cây sâm mới có thể cho năng suất cao. Bên cạnh đó là xây dựng thương hiệu duy nhất là sâm Việt Nam.

Đồng quan điểm trên, ông Ngô Tân Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội sâm tỉnh Lai Châu, Việt Nam cho hay, Việt Nam phải sớm định hình và thống nhất truyền thông về thương hiệu sâm Việt Nam mới có thể xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm sâm vươn được ra thế giới như sâm Hàn Quốc.

Hiện nay, các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển Sâm Việt Nam, gồm các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên.

Trong đó, phát triển vùng nguyên liệu Sâm Việt Nam quy mô hàng hóa tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu.

Để đạt được định hướng để ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam phải có tinh thần dân tộc, tinh thần đất nước, cùng nhau xây dựng sản phẩm, thương hiệu quốc gia mang biểu tượng của đất nước.

“Chúng ta phải tiếp cận cây sâm theo chuỗi ngành hàng. Thống nhất gọi tên sản phẩm, thương hiệu là sâm Việt Nam. Sau đó mới truy xuất nguồn gốc về sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu, đưa ra thị trường để khách hàng lựa chọn mua, tiêu dùng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.