Xây dựng thương hiệu du lịch để Hà Giang dù có "xa" nhưng không "xôi"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Chiều 12-4 tại Hà Nội, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức Diễn đàn xúc tiến quảng bá Du lịch Hà Giang. Với chủ đề "Hà Giang - Điểm đến mới nổi hàng đầu châu Á", tỉnh Hà Giang kỳ vọng các ý kiến đóng góp sẽ giúp Hà Giang xác định được những bước đi chiến lược trong công tác quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch độc đáo và xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang trong tình hình mới.

Diễn đàn là dịp để các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp giúp tỉnh Hà Giang phát huy thế mạnh du lịch, gắn với bảo tồn văn hóa và phát triển cộng đồng bền vững.

4 mùa-mùa nào cũng có thể làm du lịch

Hà Giang là vùng đất biên cương, địa đầu Tổ quốc, có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với nhiều giá trị về địa chất, địa hình; nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc vẫn đang được giữ gìn và phát huy… là tiềm năng, lợi thế để tỉnh đẩy mạnh phát triển du lịch.

Bà Vương Ngọc Hà- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang phất biểu tại Diễn đàn

Bà Vương Ngọc Hà- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang phất biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Vương Ngọc Hà- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, những năm qua Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy du lịch phát triển và đã đạt được những kết quả quan trọng. Du lịch Hà Giang đã ngày càng thu hút được sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước, phát huy hiệu quả vị trí, tiềm năng của một tỉnh giàu tài nguyên và thế mạnh.

Hà Giang thường xuyên nằm trong danh sách các điểm đến lý tưởng do các Tạp chí du lịch uy tín trên thế giới bình chọn. The New York Times (Mỹ) đã xếp Hà Giang vào danh sách các điểm đến hấp dẫn nhất trên thế giới, được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards - WTA) vinh danh là: Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023; Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024. Năm 2024, Hà Giang đã đón trên 3,2 triệu lượt khách.

N hiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc ở Hà Giang vẫn đang được giữ gìn và phát huy

N hiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc ở Hà Giang vẫn đang được giữ gìn và phát huy

Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Nguyễn Xuân Bắc kể, anh từng đến Hà Giang rất nhiều lần, và lần nào cũng ấn tượng bởi sự đặc sắc về văn hoá các dân tộc, bề dày lịch sử cùng sự thân thiện mến khách của con người Hà Giang. Mảnh đất này đang sở hữu tất cả những thế mạnh để phát triển du lịch như: du lịch tâm linh, về nguồn-giáo dục truyền thống và lịch sử, khung cảnh thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa thơ mộng...

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Xuân Bắc, Hà Giang cần có đầu tư về giao thông tốt hơn nữa, để con đường mà du khách đến với Hà Giang dù hiện tại có xa xôi đi chăng nữa nhưng các du khách chỉ còn thấy "xa" nhưng không hề thấy thấy "xôi".

Các sản phẩm trà và nông sản, đặc sản Hà Giang luôn được giới thiệu, quảng bá tại các hoạt động xúc tiến du lịch

Các sản phẩm trà và nông sản, đặc sản Hà Giang luôn được giới thiệu, quảng bá tại các hoạt động xúc tiến du lịch

Ông Phạm Hải Quỳnh- Viện trưởng Viện phát triển du lịch châu Á cho rằng, Hà Giang dẫu có xa xôi thật đó nhưng trong mắt của rất nhiều du khách thì mảnh đất và con người nơi đây rất gần gũi, là một điểm đến có giá trị và hiện tại được sự quan tâm đồng hành của các cấp lãnh đạo cũng như sự quan tâm đồng hành của rất nhiều doanh nghiệp.

Ông Phạm Hải Quỳnh nhấn mạnh, trước đây, với Hà Giang cũng như nhiều tình thành phía Bắc, người ta vẫn chỉ "đóng đinh" với khái niệm du lịch mùa vụ. Ví dụ du lịch theo mùa hoa tam giác mạch, mùa lúa chín ruộng bậc thang Hoàng Su Phì hay phiên chợ tình ở Khau Vai ở Mèo Vạc...Nhưng hiện tại, Hà Giang đã làm nên sự khác biệt, 4 mùa-mùa nào cũng có thể làm du lịch. Đặc biệt, 56 làng du lịch cộng đồng dù chưa hẳn gắn kết bền chặt nhưng đã thành công trong câu chuyện đưa tiềm năng du lịch phát triển với những câu chuyện giá trị, đặc sắc, khác biệt về văn hoá và cộng đồng.

Chợ phiên về qua Pải Lủng (ảnh: Lê Khiếu Minh)

Chợ phiên về qua Pải Lủng (ảnh: Lê Khiếu Minh)

"Dù đã có tất cả giá trị cốt lõi hay văn hoá cùng sự ưu đãi của cảnh quan về thiên nhiên, môi trường nhưng Hà Giang cần cố gắng định hình sản phẩm văn hoá chuyên biệt và tiếp cận tốt hơn với thị trường trong nước và quốc tế"- Viện trưởng Viện phát triển du lịch châu Á kết luận.

Từ con số 0 trở thành điểm đến hàng đầu châu Á

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam bày tỏ sự ngưỡng mộ với sự phát triển của du lịch Hà Giang: "20 năm trước, lần đầu tôi lên Hà Giang, khi đó tôi thực sự bất ngờ và ngưỡng mộ khung cảnh hùng vĩ của nơi này. Trong 20 năm qua Hà Giang đã vươn mình từ con số 0 trở thành một trung tâm du lịch lớn".

Nghề chạm bạc của người Mông ở Lao Xa, Sủng Là (ảnh: Lê Khiếu Minh)
Nghề chạm bạc của người Mông ở Lao Xa, Sủng Là (ảnh: Lê Khiếu Minh)

Năm 2023, Hà Giang được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards - WTA) vinh danh là "Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á". Năm 2024 tiếp tục được vinh danh là "Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á". Việc được vinh danh này theo ông Vũ Thế Bình là vừa mừng lại vừa lo, "đụng" đến văn hoá là thách thức lớn và buộc Hà Giang phải nghĩ đến việc làm thế nào để chứng minh, để gìn giữ danh hiệu và vượt qua được thách thức đó.

Trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để đưa du lịch phát triển mạnh mẽ hơn, cụ thể là: Tăng cường kết nối hạ tầng giao thông và thu hút đầu tư vào du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch bền vững; Quản lý điểm đến và bảo vệ môi trường; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tăng cường quảng bá và xúc tiến du lịch.

"Hiệp hội Du lịch Việt Nam chúng tôi hiện có 17.000.000 hội viên- doanh nghiệp du lịch, lữ hành và chúng tôi hứa sẽ cộng tác thật chặt chẽ, xây dựng sản phẩm du lịch văn hoá cho Hà Giang"- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Vũ Thế Bình nói thêm, cần phải ngồi lại, xem xét tính toán, sẽ phải xây dựng sản phẩm văn hoá gì, lấy đặc trưng gì của Hà Giang để hấp dẫn du khách. Lấy ví dụ từ Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn ở Quang Bình, Hà Giang làm ví dụ, ông Vũ Thế Bình cho rằng, mặc dù rất đặc sắc nhưng không hề dễ để biến thành sản phẩm du lịch, bởi lẽ, lễ hội này bản chất là mang yếu tố tâm linh. Mà phàm là chuyện tâm linh thì không thể mang ra đùa được. Điều này buộc phải cân nhắc, suy nghĩ, tính toán...

Đi chợ Đồng Văn (ảnh: Lê Khiếu Minh)

Đi chợ Đồng Văn (ảnh: Lê Khiếu Minh)

"Trước mắt còn nhiều việc phải làm, phải cố gắng nhiều để có thể thành công trong lĩnh vực mới được vinh danh "Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á". Tôi nghĩ, du lịch Hà Giang phải đặt trọng tâm vào 4 yếu tố: Chính sách phù hợp; Sản phẩm độc đáo; Nguồn nhân lực và Xúc tiến"- Ông Vũ Thế Bình nói.

Tham gia Diễn đàn xúc tiến quảng bá Du lịch Hà Giang, Ngài Ali Akbar Nazari-Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Iran cho biết, khi đến với Hoàng Su Phì của Hà Giang ông bị mê hoặc bởi vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa của nơi này. Được ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang, gặp gỡ những cộng đồng địa phương ấm áp và cần cù, và khám phá những đồi trà xanh tươi là những trải nghiệm đối với ông là đặc biệt sâu sắc.

Sông Nho Quế giữa mùa hoa trẩu (ảnh: Lê Khiếu Minh)
Sông Nho Quế giữa mùa hoa trẩu (ảnh: Lê Khiếu Minh)

Đại sứ Iran nhận thấy, tiềm năng to lớn cho sự hợp tác song phương giữa hai quốc gia chúng ta để quảng bá và chia sẻ vẻ đẹp của trà shan tuyết và văn hóa Hà Giang với thị trường quốc tế Iran.Tương tự như vậy, có thể giới thiệu các sản phẩm trà truyền thống của Iran đến Việt Nam. Có thể khởi động một sáng kiến du lịch bền vững, tạo ra các chương trình chung cho những người đam mê du lịch sinh thái ở cả hai quốc gia, nêu bật vai trò của trà trong các trải nghiệm du lịch bền vững. Cũng có thể chia sẻ kiến thức và chuyên môn về canh tác trà bền vững, tận dụng lịch sử lâu đời của Iran trong lĩnh vực nông nghiệp và các hoạt động đổi mới của Việt Nam.

Ngôi nhà của người Mông ở Hà Giang (ảnh: Lê Khiếu Minh)
Ngôi nhà của người Mông ở Hà Giang (ảnh: Lê Khiếu Minh)

"Chúng ta có thể hợp tác trong các chiến dịch tiếp thị và xây dựng thương hiệu để định vị trà Shan tuyết là sản phẩm cao cấp ở Trung Đông, đặc biệt là trong các cộng đồng yêu thích trà của Iran. Bằng cách hợp tác, chúng ta có thể mở ra những cơ hội mới và củng cố mối quan hệ song phương của chúng ta... " Ngài Ali Akbar Nazari-Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Iran bày tỏ quan điểm.

Các hoạt động của "Lễ hội chợ Phong Lưu Khâu Vai năm 2025"

Trong dịp này, tỉnh Hà Giang công bố chương trình Lễ hội chợ Phong Lưu Khâu Vai năm 2025. Chợ Phong lưu Khâu Vai, hay còn gọi là Chợ tình Khâu Vai năm nay có chủ đề “Khâu Vai ngày trở lại” diễn ra trong 2 ngày (từ 14h00 ngày 22-4 đến 11h30 ngày 24-4).

Lễ hội có nhiều hoạt động phong phú: Lễ khai mạc, giải Việt dã - Du lịch xanh; các trò chơi dân gian tại Mê cung đá Khâu Vai; trình diễn nghệ thuật truyền thống; hội thi trình diễn trang phục dân tộc. Trong khuôn khổ lễ hội, du khách có thể tham quan và trải nghiệm không gian văn hóa tại làng văn hóa dân tộc Lô Lô (thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc) và dân tộc Mông (thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi) với các hoạt động như múa trống đồng, điệu nhảy trên cây, thêu dệt thổ cẩm, chế tác khèn, trò chơi dân gian và ẩm thực truyền thống…

Ngoài ra, các hoạt động như: Chợ đêm Mèo Vạc, không gian văn hóa chợ vùng cao; các chương trình nghệ thuật tại Tượng đài Thanh niên xung phong, quán cà phê Vườn Đào; các tour tham quan Mê cung đá, cầu tình yêu, Vách đá trắng Mã Pì Lèng, đi thuyền ngắm hẻm vực Tu Sản… góp phần mang lại trải nghiệm phong phú cho du khách.