Xây dựng sản phẩm du lịch: Tiềm năng có, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu

ANTD.VN - Hà Nội có tới 5.922 di tích lịch sử, cùng hệ thống phố cổ, các làng nghề truyền thống, những danh lam thắng cảnh hoang sơ… Song, sự phát triển vẫn chưa tương xứng với thế mạnh cũng như kỳ vọng của xã hội.

Xây dựng sản phẩm du lịch: Tiềm năng có, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu ảnh 1Hà Nội có tiềm năng phát triển du lịch làng nghề (Ảnh tại triển lãm “Tôn vinh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên”)

Ngày 10-11, tại Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức hội nghị trao đổi về công tác quản lý Nhà nước và công tác xây dựng sản phẩm du lịch. Đây là dịp để các cán bộ quản lý về du lịch cập nhật những văn bản quy phạm pháp luật mới, nâng cao trình độ,  kiến thức cùng  kỹ năng xây dựng sản phẩm du lịch.

Xây dựng sản phẩm du lịch: Tiềm năng có, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu ảnh 2

Một trong những ý kiến ít ỏi được nêu lên trong hội nghị để mong nhận được sự đóng góp của các đại biểu tham gia hội nghị, bà Lê Thị Huyền Trang - Phó phòng Văn hóa Thông tin UBND quận Bắc Từ Liêm nói: “Đối với quận chúng tôi, việc phát triển du lịch rất mới mẻ nên còn gặp nhiều khó khăn và lúng túng trong công tác triển khai”. Bà Lê Thị Huyền Trang cụ thể: “Chúng tôi hiểu để xây dựng sản phẩm du lịch, muốn kêu gọi vốn đầu tư thì trước tiên phải biết địa phương mình có cái gì. Quận Bắc Từ Liêm có tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, bởi có các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, bên cạnh đó là khu di lịch sinh thái liên quan đến làng hoa Tây Tựu; hoặc từ đình Chèm cổ kính nằm ven đê sông Hồng, chúng tôi muốn gắn với tour du lịch sông Hồng…”. Mặc dù vậy, quận Bắc Từ Liêm chưa biết bắt đầu từ đâu để kêu gọi được đầu tư. 

Còn theo TS Trần Nữ Ngọc Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Dân tộc, tính nguyên bản là giá trị cốt lõi tạo ra giá trị của sản phẩm du lịch để thu hút, thỏa mãn nhu cầu của du khách. Tính nguyên bản tạo ra sự khác biệt cho điểm đến. Do thương mại hóa và cuộc sống hàng ngày của người dân, nhiều làng nghề tại Hà Nội hiện nay chỉ còn một số hộ gia đình duy trì được nghề truyền thống. Trong khi đó, Thủ đô Hà Nội hiện là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, với khoảng 1.350 làng có nghề, trong đó có 272 làng được công nhận là làng nghề, 198 làng nghề truyền thống. 

TS Trần Nữ Ngọc Anh gợi ý: “Phát triển du lịch làng nghề thì không khí làng nghề rất quan trọng, địa phương nên đi từ hộ gia đình đã và đang gắn bó với nghề để có sản phẩm cốt lõi. Sau đó, địa phương mới chú trọng đến thông qua các hoạt động du lịch để khai thác, phát triển thêm các hộ gia đình khác theo nghề để có hệ thống bởi “bán có phường” và rộng hơn là liên kết các điểm đến”.

Thực chất, phát triển du lịch tại các quận, huyện không nhất thiết phải có di tích, di sản mới phát triển được. Đôi khi, chỉ cần một đường hoa thật đẹp cũng hút khách nếu cơ quan quản lý và người dân địa phương đã hiểu về du lịch và biết cách làm. Một hộ gia đình có trang trại nuôi gà có thể đón khách tham quan, để nghiên cứu, học tập mô hình chăn nuôi, cung cấp gà cho các quận, huyện xung quanh hay mở nhà hàng đặc sản ngay gần đó… 

Phát triển du lịch Thủ đô cần có sự chung tay của các quận, huyện, như câu chuyện bó đũa - cùng nhau thì mới phát triển được tổng thể du lịch Hà Nội. Du lịch Hà Nội cần sự độc đáo, ấn tượng để hấp dẫn du khách quay trở lại, chứ không chỉ khiến khách tò mò tìm đến lần đầu rồi thôi.

Đầu giờ, hội nghị gần như kín chỗ, lãnh đạo, chuyên viên phòng Văn hóa và Thông tin của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đều có mặt, nhưng chưa đến cuối buổi, nhiều đại diện đã tự ý bỏ về. Điều này cho thấy, sự vào cuộc của các địa phương vẫn cứ như là “việc của người khác”.