Xây dựng rào chắn đường sắt không thể chậm hơn!

ANTĐ - “Chúng tôi ở bên đường mỗi khi thấy tàu đến thường tìm cách hô to để người qua đường biết mà tránh nhưng cũng chỉ hạn chế được phần nào. Đặc biệt là những người ngồi trong ô tô thì cho dù bên ngoài có hò hét hết cỡ cũng không nghe được. chúng tôi tha thiết mong các cơ quan chức năng cho lắp đặt rào chắn tự động tại khu vực này càng sớm càng tốt” - Một người dân ở Thường Tín kiến nghị như vậy. Và chúng tôi nghĩ rằng việc này không thể chậm hơn được nữa bởi đã có quá nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Xây dựng rào chắn đường sắt không thể chậm hơn! ảnh 1

Chết người, hại của

Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Thường Tín (TP Hà Nội), từ cuối tháng 12-2015 đến 15-2-2016 đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông đường sắt (TNGTĐS) nghiêm trọng. Ngày 24-12-2015 tại Km 28+800 thuộc địa phận xã Văn Tự, khi đang điều khiển xe ô tô tải từ QL1A qua đường sắt vào xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, anh Bùi Văn T do không chú ý quan sát đã va chạm với tàu khách NA2. Vụ tai nạn đã khiến anh T bị thương, xe ô tô bị hư hỏng nặng, đầu máy của tàu khách bị văng ra khỏi đường ray làm ngừng trệ hoạt động lưu thông của tuyến đường sắt Bắc - Nam tới 12 giờ đồng hồ.

Tiếp đó, ngày 20-1-2016 tại km22+860 thuộc xã Thắng Lợi, anh Phạm Văn S khi điều khiển xe máy qua đường sắt do chủ quan đã va chạm với tàu khách SE8 hướng TP.HCM - Hà Nội. Hậu quả là anh S đã chết trên đường đi cấp cứu. Đặc biệt, vào ngày 15-2 vừa qua, tại xã Minh Cường đã xảy ra vụ TNGT rất nghiêm trọng. Chị Phạm Thị Q (đang có thai) đi xe máy chở mẹ chồng đến điểm giao cắt với đường sắt tại Km30+570 đã va chạm với tàu khách hướng Hà Nội - Hà Nam khiến cả 2 mẹ con tử vong.

Được biết, tuyến đường sắt đi qua huyện Thường Tín có chiều dài khoảng 17 km chạy song song với Quốc lộ 1A. Trong năm 2015, trên toàn tuyến đã xảy ra 21 vụ TNGT khiến 16 người chết, 5 người bị thương trong đó, tai nạn xảy ra tại đường ngang có tín hiệu nhưng không có rào chắn là 11 vụ, tại đường ngang tự phát không rào chắn, không tín hiệu là 10 vụ. Trên địa bàn huyện hiện có tổng số 167 đường ngang, nhưng chỉ có 25 đường ngang hợp pháp, 142 đường ngang không phép (39 đường ngang có biển báo hiệu nguy hiểm, 103 đường ngang dân tự mở vào nhà), không có đường gom dân sinh, không có người gác, tín hiệu đèn và chuông cảnh báo.

Khảo sát tuyến đường sắt chạy qua các địa bàn như quận Hai Bà Trưng, huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên… chúng tôi thấy, đường ngang dân sinh tự phát không rào chắn, không đèn báo hiệu vẫn xuất hiện khá phổ biến. Khá nhiều người dân khi đi qua các khu vực này còn chủ quan, không quan sát kỹ, không giảm tốc độ, thậm chí còn cố tình lao qua đường ngay cả khi các đoàn tàu đã kéo còi. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Cốc ở thôn Khôn Thôn - xã Minh Cường, huyện Thường Tín chia sẻ, do sống ở sát điểm giao cắt với đường sắt tại Km30+570 (nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông thảm khốc ngày 15-2 vừa qua khiến 2 người chết) nên ông luôn có cảm giác lo sợ mỗi khi có các chuyến tàu đi qua. Bởi, khu vực này mật độ người và phương tiện qua lại hàng ngày rất đông song không có rào chắn, không đèn tín hiệu và hệ thống cảnh báo. Điều này khiến người tham gia giao thông, đặc biệt là những người từ nơi khác đến thường lơ là, không chú ý quan sát nên rất dễ xảy ra tai nạn. 

Kiến nghị nhiều nhưng...

Theo thông tin từ Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 6 tuyến đường sắt đi qua với tổng chiều dài 160 km cùng 403 lối đi dân sinh. Năm 2015 đã xảy ra 65 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 28 người, bị thương 51 người. Tuyến Hà Nội-TP. HCM đi qua Hà Nội có 35 đoạn đường bộ và đường sắt song song liền kề nhưng có tới 6 đoạn  chưa có hệ thống hàng rào ngăn cách đảm bảo an toàn nên có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông cao; tuyến Bắc Hồng - Văn Điển còn 5/7 đoạn chưa có hàng rào ngăn cách.

Về nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGTĐS xảy ra trên địa bàn, theo Thượng tá Nguyễn Xuân Thọ - Phó Trưởng CAH Thường Tín, lý do chủ yếu là sự chủ quan của người tham gia giao thông, không chấp hành các quy tắc an toàn khi đi qua đường sắt. Bên cạnh đó, công tác tổ chức giao thông đường sắt còn nhiều điểm chưa hợp lý, vẫn còn hiện tượng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt để kinh doanh buôn bán, tại một số điểm giao cắt chưa được lắp đặt đầy đủ hệ thống rào chắn, đèn tín hiệu, cảnh báo tự động, có điểm tuy có người gác nhưng chỉ trong khung giờ từ 5h sáng đến 21h đêm. Ngoài ra, kết quả phân tích từ các vụ tai nạn cho thấy, việc để tồn tại các điểm đường ngang dân sinh tự mở là hết sức nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.

Trước tình hình này, CAH Thường Tín đã nhiều lần kiến nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Sở GTVT Hà Nội, UBND huyện  Thường Tín đề nghị bổ sung biển báo, cơ sở hạ tầng, lắp đặt hệ thống cảnh báo, gác chắn tự động, bố trí người gác chắn, xóa bỏ các đường ngang tự mở có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông đường sắt bằng cách làm đường gom dân sinh và hàng rào cứng, tổ chức gác chắn 24/24h tại những đường ngang trọng yếu… song đến thời điểm hiện tại tình hình vẫn chưa được cải thiện. Do đó nguy cơ tai nạn vẫn hiện hữu, từng ngày, từng giờ khiến người dân bức xúc. “Điều này thể hiện sự  thiếu trách nhiệm của các cơ quan liên quan đối với tính mạng và tài sản của nhân dân” - Thượng tá Nguyễn Xuân Thọ nhấn mạnh!

Cần các biện pháp cấp bách

Nhằm giảm thiểu TNGTĐS trên địa bàn Hà Nội, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp như chỉ đạo các đơn vị đường sắt cùng UBND các quận huyện tổ chức kiểm đếm, rà soát lại toàn bộ các đường ngang, đường dân sinh, lối đi dân sinh hiện có và lập hồ sơ quản lý. Trên cơ sở đó ký cam kết về trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông, tuyệt đối không để phát sinh lối dân sinh mới, tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ cho người tham gia cảnh giới, chốt gác, giải tỏa tầm nhìn các đường ngang bị che khuất. 

Năm 2015, ngành đường sắt đã lắp đặt thử nghiệm cần chắn tự động, cần chắn và dàn chắn bán tự động tại 6 đường ngang trong thành phố. Năm 2016 sẽ tiếp tục rà soát, đầu tư sửa chữa nâng cấp và triển khai lắp đặt cần chắn điện tự động tại nhiều điểm khác, tổ chức sửa chữa mặt lát, vuốt dốc, đảm bảo êm thuận tại 30 đường ngang  trong đó nâng cấp 2 đường ngang từ cần bán tự động lên có người gác, đóng 1 đường ngang tại km6+763 là điểm đen về an toàn giao thông. Bên cạnh đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã triển khai các biện pháp giảm ùn tắc tại các đường ngang Đại Từ, Định Công...

Về dự án xây dựng hệ thống đường gom và hàng rào cách ly, trong giai đoạn 2014-2016 sẽ thực hiện 4,2km/72km. Khối lượng này đã được Bộ GTVT cho phép lập dự án xây dựng hàng rào, đường gom theo Quyết định 1856. Hiện Tổng Công ty đang lập dự án đầu tư, báo cáo các Bộ ngành bố trí vốn. Trong giai đoạn 2016-2017 dự kiến thực hiện 5,4km/320km đường gom, rào cách ly. Khi các dự án này hoàn thành sẽ cơ bản đóng toàn bộ lối đi dân sinh.

Ông Tạ Mạnh Thắng - Trưởng Ban An toàn giao thông đường sắt - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến TNGTĐS là người dân khi đi qua điểm giao cắt không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ hoặc chủ quan, không quan sát. Bên cạnh đó, hiện còn có 4305 đường ngang dân mở tự phát từ những năm trước. Ngoài ra, hiện trên địa bàn TP.Hà Nội có 52 đường ngang (có phép) cần cải tạo, sửa chữa, nâng cấp. Năm 2015, Tổng Công ty đã nâng cấp được 30/52 đường ngang. Dự kiến trong năm nay sẽ tiếp tục thực hiện tại 22 đường ngang còn lại, tổ chức xây dựng cầu vượt đường sắt để xóa bỏ các đường ngang có người gác với mật độ lớn thường xuyên ùn tắc.