Xây dựng “pháo đài” phòng cháy tại chỗ ở quận Hoàn Kiếm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Người chữa cháy hiệu quả nhất là người phát hiện đám cháy sớm nhất. Và để lửa không cháy lan, cháy lớn trước hết cần phải có con người, phương tiện và đòi hỏi kỹ năng, kinh nghiệm, xử lý đám cháy an toàn”- chỉ huy Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ.
UBND quận Hoàn Kiếm cấp bình chữa cháy miễn phí cho người dân để phát huy phương châm 4 tại chỗ

UBND quận Hoàn Kiếm cấp bình chữa cháy miễn phí cho người dân để phát huy phương châm 4 tại chỗ

Phát huy tinh thần mỗi người dân là chiến sỹ cứu hỏa

Sự đan xen ngõ, ngách nhỏ hẹp của phố cổ Hà Nội đã trở nên khó khăn cho công tác an toàn PCCC. Nhịp sống 36 phố phường của quận Hoàn Kiếm với đặc trưng quanh năm thắp đèn ở phía sau, những mặt tiền hào nhoáng đã như thách thức đối với nhiệm vụ an toàn PCCC và chính nó là mối nguy cơ, tiềm ẩn cháy, nổ xảy ra bất cứ lúc nào.

Ở mỗi con phố như thế, không phải điểm nào xe chữa cháy, xe thang của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cũng có thể tiếp cận một cách dễ dàng được khi không may xảy ra sự cố hỏa hoạn. Cản trở này là mối đe dọa, có thể là nguyên nhân dẫn đến thương vong, thiệt hại lớn về người và tài sản.

Địa hình khó khăn, trong khi hạ tầng phía trong những con ngõ nhỏ, phố nhỏ đã xuống cấp bởi công trình nhà ở đã xây dựng từ lâu với 1 số nhà có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm hộ sinh sống. Từ nhu cầu sinh hoạt cải tạo thiếu đồng bộ và do nhu cầu phát triển cần thêm diện tích ở, nên các gia đình bằng mọi cách tận dụng không gian, càng làm tăng nguy cơ hỏa hoạn và khi có hỏa hoạn là không biết sẽ chạy thoát nạn đi đâu.

Nhiệm vụ cấp thiết đặt ra đối với lãnh đạo quận Hoàn Kiếm là phải đảm bảo an toàn cho người dân, nhưng không bị xáo trộn nơi ở của những người dân phố cổ.

Với vai trò nòng cốt, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàn Kiếm đã rà soát, nghiên cứu tình hình thực tế tham mưu Chủ tịch UBND kế hoạch chủ động an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, thoát nạn. Trong đó nội dung trọng tâm là xây dựng mô hình “Hộ gia đình an toàn PCCC và CNCH theo phương châm 4 tại chỗ”.

Để nhiệm vụ này phát huy hiệu quả trước tiên cần làm gì và làm như thế nào, đó là đề bài lãnh đạo quận Hoàn Kiếm yêu cầu lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàn Kiếm phải “bảo vệ đề tài” thuyết phục, hiệu quả.

Bắt tay ngay vào nhiệm vụ được giao, với tinh thần trách nhiệm cao, lực lượng Cảnh sát PCCC đã phối hợp chặt chẽ với các phường trên địa bàn, tổ chức rà soát từng hộ gia đình, đặc thù từng khu vực dân cư để đưa ra các chuyên đề sát thực.

Sau khi nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân, các lực lượng từ quận đến phường chung tay tuyên truyền, hướng dẫn sâu rộng đến người dân tự bảo vệ mình khi có cháy xảy ra.

Việc đầu tiên cần làm, từng CBCS phối hợp Công an phường, Cảnh sát khu vực và đặc biệt vai trò quan trọng của UBND phường cũng như các lực lượng chức năng thuộc phường cùng chung tay để phát huy sức mạnh tổng hợp với mục đích mang lại sự an toàn cho người dân, nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy và có kỹ năng tự cứu mình khi có sự cố cháy xảy ra.

Để người dân tự cứu được chính mình thì cần phải có phương tiện và kỹ năng thoát nạn, an toàn hiệu quả. Đây chính là phương châm 4 tại chỗ trong công tác PCCC và CNCH.

CAQ Hoàn Kiếm phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân phố cổ mở lối thoát nạn tại gia đình

CAQ Hoàn Kiếm phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân phố cổ mở lối thoát nạn tại gia đình

Đủ phương tiện, có kỹ năng sẽ không bị động lúng túng khi có cháy

Trước những thách thức về nguy cơ hỏa hoạn tại phố cổ Hà Nội, với tinh thần trách nhiệm vì sự an toàn của người dân đặt ra, do đó lãnh đạo các UBND phường như thấy bị “đốt lửa trong lòng”, nên đã nhanh chóng lan tỏa mô hình “Hộ gia đình an toàn PCCC và CNCH theo phương châm 4 tại chỗ”. Các địa bàn phường đã tạo được pháo đài phòng cháy ở khu dân cư, tổ dân phố thông qua sự hỗ trợ đắc lực và thiết thực như trang bị miễn phí bình chữa cháy cho người dân. Mô hình “Lắp đặt các điểm chữa cháy công cộng tại các ngõ sâu” trong khu dân cư. Chỉ trong thời gian ngắn, đi bất cứ con ngõ, khu dân cư nào ở địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng thấy “điểm đỏ” dễ nhìn treo trên tường và đó là vật dụng, phương tiện phòng cháy, chữa cháy.

Chị Hà Thanh Tú, công dân khu nhà gỗ Vọng Hà, quận Hoàn Kiếm bày tỏ: “Tôi được tặng bình cứu hỏa, mặt nạn phòng độc và được các anh Công an tận tình hướng dẫn cách sử dụng cùng với những kỹ năng để thoát nạn, đó là điều hết sức ý nghĩa. Tôi rất cảm ơn lực lượng Công an và chính quyền quận Hoàn Kiếm”.

Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Đánh giá được tầm quan trọng về con người và phương tiện chữa cháy tại chỗ với đặc thù của quận, UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức thực hiện việc lắp đặt các điểm chữa cháy công cộng tại các ngõ sâu, đồng thời tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng dân phòng, tự quản, Công an phường và chính người dân sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy ban đầu, đề ra các tình huống xử lý khi có cháy, nổ xảy ra”.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo An ninh Thủ đô, đến thời điểm hiện tại quận Hoàn Kiếm đã trang bị được 1.013 điểm phương tiện chữa cháy công cộng cho 875 ngõ sâu, với 2.026 bình chữa cháy và đã bàn giao đến từng tổ dân phố, nhân dân tự bảo quản và sử dụng khi cần thiết (nguồn kinh phí của chính quyền và xã hội hóa).

Để mỗi người dân là chiến sý cứu hỏa, UBND các phường đã chủ động thiết lập các phương án an toàn PCCC cho địa bàn mình. Điển hình là phường Đồng Xuân có đặc điểm mật độ dân cư đông, chợ Đồng Xuân và các cơ sở kinh doanh hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Nhận thức rõ tầm quan trọng, lãnh đạo phường đã trú trọng xây dựng đội ngũ PCCC tại cơ sở, lực lượng chữa cháy tại khu dân cư, tổ dân phố để phát huy phương châm 4 tại chỗ, kịp thời ứng phó sự cố cháy, nổ xảy ra.

Ông Trần Nguyên Hiệp, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Xuân cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND quận Hoàn Kiếm về đảm bảo công tác PCCC, UBND phường đã xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, rà soát các hộ dân có lắp đặt các chuồng cọp, nhà ở kết hợp cơ sở kinh doanh, dịch vụ, kho bãi trên địa bàn. Qua đó tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân tự tháo bỏ chuồng cọp hoặc mở lối thoát nạn và có phương án thoát nạn cụ thể cho gia đình”.

Được biết, hiệu quả từ việc quyết liệt, bắt tay chỉ việc của chính quyền phường, các hộ gia đình đã tự tháo bỏ lồng sắt, nâng cao ý thức PCCC, hạn chế tối đa cháy và thiệt hại do cháy gây ra. Không chỉ thế, lực lượng chữa cháy tại khu dân cư còn là cánh tay nối dài của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, hỗ trợ đắc lực dập lửa ban đầu trong một số vụ cháy xảy ra trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Trước nguy cơ tiềm ẩn cháy tại các khu dân cư, để đảm bảo an toàn cho người dân, chúng tôi luôn phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàn Kiếm tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng thoát nạn cho người dân, để mỗi người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, chấp hành nghiêm quy định về an toàn PCCC”.

Phát huy sức mạnh đoàn kết, tổng hợp các lực lượng Công an phường, UBND phường luôn chủ động tham mưu cho Đảng, chính quyền quận Hoàn Kiếm và làm tốt công tác đảm bảo an toàn PCCC tại địa bàn. UBND phường có vai trò nòng cốt trong công tác phối hợp các đơn vị, bộ phận chuyên môn, các tổ chức chính trị, xã hội và tổ dân phố triển khai thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về PCCC theo quy định. Qua tuyên truyền sâu rộng, nhận thức, ý thức của nhân dân về PCCC trong đời sống đã có sự chuyển biến rõ rệt, mỗi người dân đã tự chủ động trang bị những kiến thức, kỹ năng trong công tác PCCC và đặc biệt chấp hành, tham gia cùng chính quyền trong hoạt động, phong trào toàn dân PCCC gắn với thực hiện chuyên đề “Hộ tự phòng - Số nhà tự quản” và “Hộ dân an toàn PCCC và CNCH.

Quận Hoàn Kiếm bằng nguồn xã hội hóa đã trao tặng và trang bị được 1.013 điểm phương tiện chữa cháy công cộng cho 875 ngõ sâu với 2.026 bình chữa cháy và đã bàn giao đến từng tổ dân phố, nhân dân tự bảo quản và sử dụng khi cần thiết

Quận Hoàn Kiếm bằng nguồn xã hội hóa đã trao tặng và trang bị được 1.013 điểm phương tiện chữa cháy công cộng cho 875 ngõ sâu với 2.026 bình chữa cháy và đã bàn giao đến từng tổ dân phố, nhân dân tự bảo quản và sử dụng khi cần thiết

Quyết liệt triển khai các biện pháp an toàn PCCC, qua kiểm tra, rà soát, các lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm phát hiện sơ hở, thiếu sót, hạn chế để kịp thời khắc phục, trang bị đầu tư bổ sung các điều kiện PCCC và có giải pháp, biện pháp phù hợp với tình hình thực tế và đặc thù của phường trong khu vực Phố Cổ.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bồ, đa số người dân chấp hành quy định an toàn PCCC và tự ý thức bảo vệ mình bằng cách trang bị thiết bị PCCC cũng như tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao kỹ năng thoát nạn. Tuy nhiên, vẫn còn có một bộ phận người dân lơ là, chủ quan nên đã có hiệu quả. Điển hình là thời gian qua đã xảy ra 1 vụ cháy nhỏ do chập điện tại số 5 phố Lò Rèn. Rất may lực lượng tại chỗ xử lý kịp thời, không gây hậu quả và thiệt hại về người, thiệt hại tài sản không đáng kể.

Với tinh thần trách nhiệm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, quận Hoàn Kiếm đang nhân rộng, lan tỏa và phát huy vai trò lực lượng cơ sở để thực hiện hiệu quả phương châm 4 tại chỗ, đồng thời Cảnh sát PCCC và CNCH vẫn đang tiếp tục nỗ lực làm tốt công tác quản lý Nhà nước về công tác PCCC tại địa bàn, để xây dựng pháo đài an toàn PCCC trên sức mạnh tổng hợp được phát huy, hạn chế cháy và thiệt hại do cháy xảy ra trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.