Xây dựng niềm tin, không nóng vội tăng trưởng

ANTĐ - Hôm qua, 31-10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Bên cạnh việc ghi nhận những kết quả khả quan đạt được, các ĐBQH cũng làm rõ những mặt tồn tại, yếu kém và nêu các giải pháp cụ thể để tìm hướng khắc phục.

Xây dựng niềm tin, không nóng vội tăng trưởng ảnh 1
Những chính sách đồng bộ của Chính phủ đã phần nào giúp doanh nghiệp
tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất 
(Trong ảnh: Sản xuất các thiết bị phụ trợ công nghiệp
tại khu công nghiệp Kim Chung - Lai Xá, Hà Nội)


Niềm tin chưa phục hồi

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, các ĐBQH ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ trong điều hành với những thành tựu cơ bản đạt được trong bối cảnh rất nhiều khó khăn của năm 2013. ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) phân tích: “Điểm nổi bật nhất của năm 2013 là đã tăng cường được những nhân tố ổn định vĩ mô. Cụ thể, lạm phát đã được kiểm soát, thị trường tiền tệ từng bước ổn định. Kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi...”.

Dù vậy, nhiều ĐBQH phân vân trước con số thâm hụt ngân sách và nợ phải trả bị “dồn toa” do nhiều năm gần đây vay trung hạn. Các ĐBQH nhận định, đây là những yếu tố tiêu cực dễ gây bất ổn vĩ mô. ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, lĩnh vực ngân hàng có tiến bộ nhưng vẫn đáng ngại. Nợ xấu vẫn còn và đang tăng. Công ty quản lý tài sản VAMC (xử lý nợ xấu) đã thành lập nhưng được ví như bác sĩ có quá đông bệnh nhân! Thêm nữa, “bác sĩ” này mới đề cập đầu vào (mua nợ xấu) còn chưa rõ đầu ra (bán nợ xấu) như thế nào... ĐB     Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) yêu cầu rà soát, đánh giá lại sức khỏe của các tổ chức tín dụng một lần nữa. “ngân hàng lớn chưa chắc đồng nghĩa với khỏe. Trong khi đó, ĐB Trần Du Lịch phản ánh: “Niềm tin của thị trường chưa được phục hồi. Lãi suất chỉ 5-6% nhưng nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà vay để mở rộng sản xuất. Đa số chỉ làm ăn cầm chừng và trông ngóng.”

Đánh giá tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang “ì ạch nhất”, các ĐBQH cảnh báo, đây có thể là điểm nghẽn làm mục tiêu tái cơ cấu nên kinh tế không thành công. ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) hiến kế: “Phải tổng kiểm tra sức khỏe toàn bộ doanh nghiệp để đưa ra đơn thuốc đặc trị phù hợp cho từng loại bệnh của mỗi đơn vị. Cùng với đó, phải ưu tiên các doanh nghiệp có triển vọng được vay vốn phát triển sản xuất và thực hiện các chương trình phát triển thị trường.” 

Dè chừng lạm phát

Bàn về giải pháp, ĐB Trần Du Lịch nói: “Không thể nóng vội thúc đẩy tăng trưởng để gây ra lạm phát không cần thiết. Chúng ta cần xem chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và lộ trình điều chỉnh các dịch vụ công như giá điện... như một phương trình 3 ẩn số để giải đồng bộ, tránh gia tăng lạm phát”. Các ĐBQH cho rằng, vấn đề không phải là tăng trưởng bao nhiêu trong năm 2014 mà quan trọng nhất là phải tạo một sự ổn định vĩ mô, tạo niềm tin về sự phát triển trong giai đoạn sắp tới.

Đa số các ĐBQH cơ bản đồng thuận với việc tăng bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3% và phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để đầu tư, bổ sung cho các dự án cần thiết. Dù vậy, ĐB Phạm Quang Khải (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị Chính phủ cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách, khắc phục bội chi trong những năm tiếp theo, nhất là khắc phục đầu tư dàn trải. Bài học thực tế trong việc lập quy hoạch, thẩm định, rồi lại loại bỏ các dự án thủy điện vừa qua, gây lãng phí lớn nguồn lực là ví dụ điển hình.

Vấn đề kỷ luật kỷ cương hành chính cũng khiến nhiều ĐBQH lo lắng. ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) lên tiếng: “Đó là thước đo tính nghiêm minh của quyền lực Nhà nước. Kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến những tồn tại hạn chế, yếu kém kéo dài trong nhiều năm. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương để tạo được niềm tin của người dân...”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Đang tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Xây dựng niềm tin, không nóng vội tăng trưởng ảnh 2

“Nông nghiệp đúng là còn nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng có chậm lại ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống người nông dân. Những nguồn lực cơ bản của nông nghiệp (như đất đai) đã suy giảm. Số lượng lao động cũng giảm. Đầu tư của Nhà nước và xã hội cho nông nghiệp tăng chậm... Nhu cầu tiêu dùng nông sản, thủy sản tăng chậm, làm giảm giá hàng hóa... Chúng ta phải tìm mọi cách thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp. Bộ đã có đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đang tích cực điều chỉnh chính sách, tổ chức lại sản xuất, chấn chỉnh quản lý Nhà nước, bổ sung nguồn lực cho ngành... Vấn đề chính là phải tạo sự quyết tâm, đồng lòng trong xã hội”.

ĐB Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang) - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Báo động tình trạng nông dân bỏ ruộng

Xây dựng niềm tin, không nóng vội tăng trưởng ảnh 3

“Thu nhập của một nông dân chỉ hơn 4 triệu đồng/năm, tức là khoảng 200 USD. Nông nghiệp và nông thôn có vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế, trong đó nông dân là chủ thể của nông thôn. Nhưng mới đây, ở một số nơi xuất hiện tình trạng nông dân bỏ ruộng không làm. Có tỉnh, diện tích bị bỏ hoang lên tới hàng nghìn hecta. Đó là điều bất bình thường. Nông dân làm ruộng là truyền thống, cha truyền con nối, vậy tại sao họ lại bỏ ruộng? Nguyên nhân chính là sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, đặc biệt trồng lúa. Nếu được mùa, tốt giá, 1 sào trồng lúa, cả một vụ chỉ lãi khoảng 100-200 nghìn đồng, còn lại đa phần hòa hoặc lỗ. Chính phủ cần có ngay những giải pháp tích cực để chặn suy giảm trong lĩnh vực nông nghiệp”.