Xây dựng, lựa chọn đội ngũ cán bộ: Việc hệ trọng của Đảng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (Kỳ 3): Nói trời, nói biển mà không làm được việc thì đừng vào cấp ủy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những tháng cuối năm 2024 là giai đoạn cao điểm trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Trong đó, công tác chuẩn bị nhân sự cho khóa tới đang đi dần vào những khâu cuối. Các địa phương, đơn vị trên toàn thành phố đang dồn hết tâm sức để lựa chọn ra những người ưu tú nhất giới thiệu vào cấp ủy khóa tới, đủ sức đáp ứng nhu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới của đất nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Thước đo nào đánh giá chính xác cán bộ?

Chỉ ra nhiều yếu tố đặc thù riêng biệt của Thanh Trì - huyện giáp ranh nội thành ở cửa ngõ phía Nam Thủ đô, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Trì Vũ Anh Tú chia sẻ, công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy cho nhiệm kỳ 2025 - 2030 được Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Trì đặc biệt quan tâm. Thanh Trì vốn là huyện ven đô, tốc độ phát triển đô thị rất nhanh trong vài năm trở lại đây kéo theo hàng loạt vấn đề phức tạp về kinh tế, xã hội, đô thị, đất đai, dân số… nên công tác cán bộ ngày càng đứng trước yêu cầu khắt khe.

Đại hội chi bộ thôn Tựu Liệt (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) nhiệm kỳ 2025 - 2027

Đại hội chi bộ thôn Tựu Liệt (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) nhiệm kỳ 2025 - 2027

Ngoài việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định chung về công tác cán bộ theo chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Trì cho rằng, điều quan trọng nhất đối với lựa chọn người vào cấp ủy khóa tới là hiệu quả triển khai công việc trên thực tế theo lĩnh vực, nhiệm vụ được phân công, kể cả về công tác Đảng hay chính quyền.

“Phải nhìn vào hiệu quả công việc được giao để có được đánh giá sát thực nhất. Công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý ngày càng nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi năng lực của cán bộ phải đáp ứng được thực tiễn. Nói trời, nói biển nhưng cuối cùng không giải quyết được công việc thực tế diễn ra hàng ngày thì đừng nghĩ tới chuyện quy hoạch, bổ nhiệm. Chắc chắn những người như vậy cũng sẽ không được đưa vào cấp ủy khóa tới. Cán bộ, người dân theo dõi từng ngày đấy, giấu làm sao được” - đồng chí Vũ Anh Tú nói thẳng.

Tại Mê Linh, công tác chỉnh đốn tổ chức Đảng, phát triển cơ sở Đảng được chú trọng trong nhiệm kỳ này, làm tiền đề để bước vào nhiệm kỳ tới. Đặc biệt, theo đồng chí Nguyễn Minh Hải, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mê Linh, Ban Thường vụ Huyện ủy đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đặc biệt, Huyện ủy đã chỉ đạo thành lập, duy trì thường xuyên đường dây nóng tiếp nhận kịp thời thông tin phản ánh của người dân về vi phạm đất đai, trật tự xây dựng. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, đường dây nóng này đã ghi nhận 126 lượt kiến nghị, phản ánh của công dân. Đây là nội dung mới, sáng tạo và duy nhất trên địa bàn Hà Nội (với cấp huyện).

Theo đồng chí Nguyễn Minh Hải, cách thức tiếp cận, tiếp nhận phản ánh của công dân qua đường dây nóng của Huyện ủy là hết sức thiết thực, hiệu quả; được nhân dân đồng tình và tin tưởng. Đây cũng là kênh thông tin giúp đánh giá sát hơn tính hiệu quả cũng như năng lực làm việc của lãnh đạo cơ sở. “Đánh giá chất lượng cán bộ không gì thiết thực hơn là qua hiệu quả công việc, sự ghi nhận của nhân dân và các cấp ủy Đảng” - đồng chí Nguyễn Minh Hải nói.

Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm làm việc với Đảng ủy xã Văn Khê về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030

Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm làm việc với Đảng ủy xã Văn Khê về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030

Tìm kiếm phương án nhân sự hài hòa, hiệu quả nhất

Bám sát những đòi hỏi cấp thiết từ cuộc sống, bên cạnh “định lượng” năng lực của cán bộ, để có được đội ngũ nhân sự tốt cho khóa tới, Huyện ủy Thanh Trì còn đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận từ nhiều năm nay. Liên tục các lớp đào tạo ở nhiều cấp độ được tổ chức. Dù vậy, để chọn “đúng”, “trúng” nhân sự cấp ủy cho Đại hội khóa tới trên địa bàn, huyện cũng gặp không ít khó khăn.

Để công tác cán bộ đảm bảo chặt chẽ, chính xác, đồng chí Vũ Anh Tú cho biết, Ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Trì cùng Phòng Nội vụ đã phối hợp rà soát toàn bộ đội ngũ hiện hữu. Do đặc thù của Thanh Trì là huyện sắp lên quận nên công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2025 - 2030 có một số điểm khó. Bởi, trong tương lai gần, sau khi lên quận, Thanh Trì sẽ có 4 đơn vị hành chính cấp xã phải sáp nhập (Yên Mỹ sáp nhập với Tứ Hiệp; Đông Mỹ sáp nhập với Duyên Hà). Ngoài ra, sau khi lên quận, Thanh Trì sẽ có 12 xã đủ điều kiện lên phường, theo quy định, sẽ bỏ tổ chức HĐND phường. “Anh em cũng bày tỏ băn khoăn, tâm tư, không biết mai này xã lên phường sẽ được sắp xếp đi đâu, về đâu, làm công việc gì…” - đồng chí Vũ Anh Tú nói. “Vì có nhiều yếu tố riêng biệt như thế nên chúng tôi phải có hướng làm riêng về chuẩn bị nhân sự khóa tới. Bài toán sắp xếp về công việc, về con người sẽ phải cân nhắc nhiều hơn, xa hơn; vừa hướng tới sẽ bỏ HĐND cấp phường, vừa tính toán trước việc sẽ sáp nhập đơn vị hành chính. Công việc áp lực lớn hơn, nhiều khó khăn, phức tạp hơn, thậm chí cũng không tránh khỏi những lời trách móc. Tuy nhiên, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xác định rõ phương án giải quyết khoa học, hài hòa, hiệu quả nhất” - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Trì chia sẻ.

Còn đối với nhân sự cấp huyện, đến tháng 11-2024, Huyện ủy đã cơ bản hoàn thành việc rà soát. Đối với cấp ủy các cơ quan, đơn vị, huyện đã kiện toàn được 39/41 vị trí, cùng với đó, các chức danh chính quyền cũng khớp luôn. Thường vụ Huyện ủy cũng đã kiện toàn 11/13 đồng chí, đang chờ xin chủ trương của thành phố để kiện toàn xong trong tháng 12-2024. Toàn bộ đội ngũ lãnh đạo diện Huyện ủy quản lý đảm bảo không có đồng chí nào quá 2 nhiệm kỳ. Vị trí nào nếu sắp đến kỳ luân chuyển công tác thì làm luôn, tránh tình trạng đại hội vừa xong lại chuyển vị trí, gây xáo trộn.

Tuy vậy, để đáp ứng yêu cầu tỷ lệ cán bộ trẻ từ 10% trở lên, Thanh Trì cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn Hà Nội gặp khó khăn. Bởi cùng với lộ trình giảm biên chế, tuổi nghỉ hưu cũng đã được quy định tăng lên với cả nam và nữ. Thêm vào đó, Hà Nội là nơi tinh hoa hội tụ, nhiều cán bộ, công chức ở các nơi khác có mong muốn về làm việc, cống hiến chứ hiếm khi có người từ Hà Nội chuyển đi. “Để đạt được tỷ lệ cán bộ trẻ ngay từ đầu là khó khăn. Trong giai đoạn 2025 - 2030, Thanh Trì sẽ cố gắng phấn đấu đạt được con số này tính cho cả nhiệm kỳ” - đồng chí Vũ Anh Tú cho hay. Tương tự, yêu cầu “phấn đấu đổi mới không dưới 1/3 tổng số cấp ủy viên trong mỗi nhiệm kỳ” cũng không dễ thực hiện ở một số chi bộ, đảng bộ cơ sở. “Nhiều nơi có 100% cán bộ cấp ủy đều đủ tuổi, điều kiện, tiêu chuẩn để tái cử nên muốn đổi mới 1/3 cấp ủy viên rất khó” - đồng chí Vũ Anh Tú giải thích.

Quy hoạch “có vào, có ra”

Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Minh Hải cho biết, xác định 2024 là năm bản lề đối với chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới nên ngay từ đầu năm, Ban Tổ chức Huyện ủy đã chủ động làm việc với Thường trực Đảng ủy của 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, các đồng chí thuộc diện tái cử và không tái cử để chủ động tham mưu cho Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy phương án nhân sự phù hợp.

Nhiệm kỳ tới đây, huyện Mê Linh có 19 lãnh đạo chủ chốt các xã không tái cử gồm cả Chủ tịch, Bí thư và Chủ tịch HĐND… Đối với các đồng chí này, Ban tổ chức đã hướng dẫn, bố trí phù hợp để đảm bảo tối đa chế độ cho cán bộ, không để ai phải chịu thiệt thòi. Theo quy hoạch ở thời điểm tháng 11-2024, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa mới có 47 đồng chí; Ban Thường vụ Huyện ủy 16 đồng chí, trong đó, cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ đều đảm bảo theo quy định.

Với cấp cơ sở, đã quy hoạch 288 đồng chí tham gia cấp ủy khóa mới, Ban Thường vụ 108 đồng chí, Bí thư 46, Phó Bí thư 76 đồng chí. Đến thời điểm này, Mê Linh đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị nhân sự khóa mới theo quy định, đảm bảo nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ tới, đồng thời bám sát tinh thần chỉ đạo từ Trung ương đến Thành ủy Hà Nội là cán bộ “có vào, có ra”.

Cùng với công tác quy hoạch, Mê Linh cũng rất chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Năm 2024, huyện Mê Linh đã cử 7 đồng chí đi học Cao cấp lý luận chính trị, 7 đồng chí đi học Trung cấp lý luận chính trị. Ngoài ra, Thành ủy đã cho phép huyện Mê Linh tổ chức lớp Trung cấp chính trị cho 69 đồng chí tại Trung tâm chính trị của huyện. Huyện ủy đã tổ chức được 3 lớp đào tạo cho 398 đảng viên được quy hoạch vào các vị trí cán bộ nguồn.

Với tinh thần mọi thành công phải xuất phát từ cơ sở, vừa qua, trực tiếp các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy Mê Linh đã làm việc với 18 tổ chức Đảng các xã, thị trấn; lắng nghe Bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố trình bày tâm tư nguyện vọng. Qua đó cho thấy, có không ít tâm tư từ cơ sở về một số quy định như Bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố lần đầu hoặc tái cử không quá 65 tuổi, phải tốt nghiệp THPT… Thực tế, nhiều chi bộ thôn không đạt các tiêu chí này. Cùng đó là một số ý kiến về chuẩn bị văn kiện; công tác nhân sự; công tác an ninh… Tất cả các thắc mắc này đều đã được Thường trực Huyện ủy ghi nhận, giải đáp và hướng dẫn tháo gỡ.

Dù vậy, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mê Linh cũng thẳng thắn nhìn nhận, thực tế, mỗi kỳ Đại hội, nhất là trong công tác bầu cử, đâu đó vẫn có thể phát sinh những việc ngoài mong muốn, ngoài dự kiến nên nếu cấp ủy Đảng càng sâu sát, nắm bắt kịp thời tâm tư của đội ngũ cán bộ ở cơ sở, sẽ càng hạn chế được sai sót, nhầm lẫn trong quá trình triển khai thực hiện sau này.

Theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mê Linh, trong chuẩn bị nhân sự cho khóa tới, để sàng lọc, chọn lựa cán bộ đưa vào cấp ủy, đầu tiên là xem xét diện cán bộ tái cử (nhiệm kỳ này huyện có 37 đồng chí). Trong số này, nhiệm kỳ này phải phấn đấu đổi mới 1/3 con số trên, tức khoảng 12 người. Số đồng chí tái cử còn lại phải qua bỏ phiếu kín 2 vòng (vòng Ban Thường vụ và vòng Ban Chấp hành Đảng bộ huyện), nếu đạt trên 50% mới được tái cử. Thứ hai, với ứng viên tham gia cấp ủy lần đầu, phải thực hiện theo quy trình 5 bước. Sau mỗi bước, số dư sẽ giảm dần, chẳng hạn bước đầu số dư là 35%, thì tới bước 5, số dư chỉ còn 13-15%. Riêng với nhân sự dự kiến vào Ủy ban Kiểm tra, phải thực hiện theo quy trình 7 bước, rất chặt chẽ.

Luân chuyển cán bộ để phá “điểm nghẽn”

Cùng với công tác quy hoạch, việc luân chuyển cán bộ, coi đây là khâu quan trọng để đánh giá năng lực của cán bộ, hướng đến bố trí, sắp xếp nhân sự trong khóa mới, cũng rất được các địa phương quan tâm. Thực tế, ở nhiều địa phương như Mê Linh, Thanh Trì, đây được xem như bước đột phá mới trong công tác nhân sự, tạo nhiều dấu ấn mới, tháo gỡ “điểm nghẽn” - những “cục máu đông” - đã tồn tại nhiều năm ở cơ sở.

Tại huyện Thanh Trì, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Vũ Anh Tú cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục tham mưu Thường vụ Huyện ủy mở rộng luân chuyển sang các chức danh khác (ngoài Bí thư, Chủ tịch xã) không phải người địa phương để tránh tình trạng “níu vào thắt lưng nhau rồi không làm được việc”. “Dự án mở rộng quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn Thanh Trì 14 năm nay không giải phóng mặt bằng được. Nhưng với việc luân chuyển, đưa lãnh đạo mới về các xã thì trong tháng 11-2024 đã giải quyết xong, bàn giao đất cho cơ quan thành phố để hoàn thiện dự án” - đồng chí Vũ Anh Tú chia sẻ.

Tính đến tháng 11-2024, Mê Linh là đơn vị cấp huyện đứng đầu về chỉ tiêu Bí thư cấp xã không phải người địa phương với 16/18 người. Tới đây, huyện sẽ tiếp tục kiện toàn 2 xã còn lại để đạt 100% xã, thị trấn có người đứng đầu cấp ủy không phải người địa phương. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Minh Hải cho biết, nhiều đồng chí Bí thư, Chủ tịch xã công tác hàng chục năm ở quê hương mình đã tạo ra một sức ỳ ghê gớm trong công việc, chưa kể còn sự nể nang vì họ hàng, làng xóm. “Khi đưa cán bộ ở huyện về cơ sở hoặc luân chuyển từ nơi khác tới, nhiều đồng chí làm rất tốt, có việc tồn đọng hàng chục năm nhưng lãnh đạo mới về giải quyết băng băng, nhân dân rất phấn khởi” - đồng chí Nguyễn Minh Hải chia sẻ.

Điển hình, trên địa bàn Mê Linh, sau khi được luân chuyển, tân Bí thư Đảng ủy xã Quang Minh đã bắt tay ngay vào chỉ đạo thu hồi được đất khu vực chợ Quang Minh đưa vào quản lý trong khi hàng chục năm qua để lỏng lẻo. Hay ở xã Tiến Thắng, Bí thư Đảng ủy xã là người nơi khác về cũng đã xử lý dứt điểm 34 trường hợp vi phạm đất đai kéo dài; tại xã Tráng Việt, sau khi kỷ luật Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã và đưa người ở nơi khác về thay, đã xử lý được vụ việc kéo dài 20 năm nay… Dù vậy, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mê Linh cũng thừa nhận, trong công tác cán bộ, không phải lúc nào cũng thành công. Trong nhiệm kỳ này, Huyện ủy Mê Linh cũng đã phải kỷ luật một số đồng chí có vi phạm. Quan trọng là từ thất bại đó, Mê Linh đã nghiêm túc rà soát, đánh giá lại để rút ra bài học kinh nghiệm cho công tác bố trí, chọn lựa cán bộ...

Thẩm tra hồ sơ ứng viên chặt chẽ, thận trọng

Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, Bí thư Đảng ủy phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, đồng chí Hoàng Quang Khải cho biết: “Năm 2024 là năm “nước rút” thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội và Nghị quyết Đại hội XXVIII của Đảng bộ quận Đống Đa, cùng với các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn Thủ đô, Đảng ủy phường Láng Thượng đã tập trung các nội dung, công việc chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp theo đúng hướng dẫn của Trung ương, Thành ủy Hà Nội.

Để đại hội Đảng bộ phường diễn ra thành công, tốt đẹp, Đảng ủy phường Láng Thượng đã thành lập các tiểu ban giúp việc. Hiện nay, các tiểu ban đã và đang khẩn trương thực hiện các phần việc, nhiệm vụ theo quyết định phân công. Bên cạnh đó, đến hết tháng 10-2024, các đơn vị đã hoàn thành việc tổ chức các hội nghị quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nhằm thống nhất về chủ trương, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai cụ thể hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 bảo đảm chất lượng, hiệu quả thiết thực, đúng quy định.

Theo kế hoạch của Đảng ủy phường Láng Thượng, đại hội chi bộ điểm sẽ thực hiện trong tháng 12-2024 và trong tháng 1-2025 các chi bộ khác sẽ hoàn thành. Như vậy, thời gian từ nay đến khi tiến hành Đại hội đại biểu Đảng bộ phường không còn nhiều, chúng tôi đã yêu cầu cấp ủy đảng từ phường tới các chi bộ chuẩn bị kỹ nguồn nhân sự để bầu cử cấp uỷ trên cơ sở đảm bảo các nội dung tiêu chuẩn về cơ cấu, độ tuổi, số lượng… theo quy định.

Để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội, bám sát chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, định kỳ hàng năm cấp ủy cơ sở đều thực hiện quy trình rà soát, bổ sung quy hoạch. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục không phải đến đại hội mới làm, ngay từ năm 2017, Quận ủy Đống Đa đã yêu cầu Đảng ủy các phường và tổ chức Đảng trực thuộc chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ 2020 - 2025 và 2025 - 2030 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Được sự chỉ đạo sát sao của Quận ủy Đống Đa và hướng dẫn cụ thể chi tiết của Ban tổ chức Quận ủy, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, công tác cán bộ được Đảng ủy phường thực hiện nghiêm túc, khoa học. Với phương châm không bỏ sót người có đức, có tài; kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín suy giảm, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… trước khi thực hiện các quy trình giới thiệu nhân sự, công tác thẩm tra hồ sơ của các ứng viên được thực hiện chặt chẽ, thận trọng đúng quy định đảm bảo sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ phường”.

Không cho phép để lọt những trường hợp không trung thực

Tại quận Nam Từ Liêm, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Lâm Quang Thao cho biết, ngoài tiêu chuẩn chung, Quận ủy ưu tiên lựa chọn cán bộ năng động, dám nghĩ dám làm, không ngại va chạm, đặc biệt trong một số lĩnh vực quan trọng như quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đô thị, quản lý dự án… Cũng như Thanh Trì và Mê Linh, Quận ủy Nam Từ Liêm đề cao đánh giá cán bộ qua kết quả công việc thực tế. “Chúng tôi đánh giá cán bộ qua kết quả công việc hàng tháng, hàng năm, để từ đó đưa ra lựa chọn. Anh muốn vào cấp ủy khóa mới thì phải chứng minh bằng hiệu quả công việc, không thể có chuyện người lúc nào cũng đủng đỉnh, công việc chây ỳ, kém hiệu quả lại được quy hoạch, bổ nhiệm” - đồng chí Lâm Quang Thao khẳng định.

Về giải pháp ngăn ngừa, đề phòng các trường hợp không trung thực, gian dối trong quá trình làm quy trình nhân sự, Quận ủy Nam Từ Liêm cho biết, chắc chắn sẽ thẩm tra rất kỹ hồ sơ của các ứng viên. Tất cả các cấp ủy Đảng cơ sở trên địa bàn quận đều phải làm việc này một cách thận trọng. “Nhiệm vụ của các cấp ủy là phải thẩm định kỹ hồ sơ qua nhiều khâu, nhiều bước, từ bằng cấp, tiêu chuẩn chính trị, cố gắng công khai tối đa, không cho phép để lọt những trường hợp không trung thực. Ngay từ khi quy hoạch cán bộ, hàng năm, chúng tôi đều tiến hành rà soát, bổ sung hồ sơ, để ngăn ngừa phát sinh những vấn đề ngoài tầm kiểm soát sau này”.

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội tại Kế hoạch 285-KH/TU, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Trì cho biết: “Huyện ủy đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức, cơ sở Đảng trên địa bàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Trong đó, về công tác nhân sự, yêu cầu có cơ chế, tiêu chí sàng lọc hiệu quả để không bỏ sót người thực sự có đức, có tài; đồng thời không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật kém, mất đoàn kết; né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tư duy nhiệm kỳ, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, cục bộ, “lợi ích nhóm”, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến", “tự chuyển hóa”...”.

(Còn nữa)