- Tư duy & hành động trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (1): Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng tạo động lực cho giai đoạn cách mạng mới
- Ban Cán sự đảng UBND tỉnh bị đề nghị kỷ luật vì vi phạm trong dự án liên quan AIC
Giữa tháng 6-2024, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, với nhiều chỉ đạo mới về công tác chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ 2025 - 2030. Hiện nay, tại Hà Nội, các địa phương, cơ quan, đơn vị đang gấp rút triển khai công tác nhân sự khóa mới, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đây là quá trình đặc biệt quan trọng, sẽ định hình đội ngũ cán bộ chủ chốt của thành phố trong 5 năm tới và các giai đoạn tiếp theo.
Các địa phương, cơ quan, đơn vị tại Hà Nội đang gấp rút triển khai công tác nhân sự khóa mới (Trong ảnh: Bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XII) |
Tầm quan trọng chiến lược của công tác cán bộ
Nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ trong kỷ nguyên mới, PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật cho biết, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”. Công tác cán bộ là khâu “then chốt của then chốt”, vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả.
Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững nhằm đạt mục tiêu tổng quát: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.
Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng xác định rõ tầm quan trọng chiến lược của công tác cán bộ trong tình hình mới là: Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy hiệu quả trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; Hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ; Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; Thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền.
Cùng đó, phải xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu; Coi trọng và làm tốt công tác bảo vệ cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ; Kiên quyết phòng, chống các biểu hiện bè phái, “lợi ích nhóm” và lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng để xuyên tạc sự thật, kích động, gây rối, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ…
Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ chính trị nội bộ được quan tâm thực hiện có hiệu quả hơn; kỷ cương, kỷ luật được tăng cường. Việc xử lý kịp thời, nghiêm minh một số tổ chức, cá nhân vi phạm đã góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và ngăn chặn tiêu cực, làm trong sạch một bước đội ngũ cán bộ, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Đảng ta luôn khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng” (Trong ảnh: Hội nghị Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XIII diễn ra tại Hà Nội ngày 25-11-2024) |
Những bài học kinh nghiệm đắt giá
Tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng - một trong những việc hệ trọng nhất của công tác chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp là lựa chọn nhân sự để bầu vào cấp ủy khóa mới. Do đó, làm thế nào chuẩn bị được đội ngũ cán bộ để bầu vào cấp ủy khóa mới, nhất là bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Ban chấp hành Đảng bộ các tỉnh, thành phố, Ban Cán sự Đảng các bộ, ngành… khóa mới thực sự xứng đáng, tiêu biểu cho toàn Đảng; đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đưa nước ta tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm.
Thực tế vừa qua cho thấy, hoạt động trong môi trường phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, đội ngũ cán bộ chủ chốt phải đảm nhiệm nhiều trọng trách, thường xuyên đối mặt với những cám dỗ vật chất, quyền lực, lợi ích cá nhân. Nếu đội ngũ cán bộ này không tích cực học tập, kiên trì rèn luyện thì rất dễ bị thoái hóa, biến chất. Lựa chọn, bố trí sai cán bộ lãnh đạo càng hết sức nguy hiểm, có thể dẫn tới hệ lụy khôn lường. Điều này càng khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ cấp chiến lược khi họ sẽ lãnh đạo, chỉ đạo công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại hội đảng các cấp thời gian tới.
“Ngoài quy trình chặt chẽ, trong công tác chuẩn bị cấp ủy khóa mới, nhất là nhân sự để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV, cần áp dụng ngay Quy định 144-QĐ/TW với những tiêu chuẩn, tiêu chí đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong việc xem xét, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ để Đại hội bầu vào cấp ủy khóa mới”.
PGS.TS Vũ Văn Phúc (Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản)
PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đánh giá, thực tiễn vừa qua đã chứng minh, dù quy trình nhân sự làm đúng nhưng có nơi, có chỗ vẫn chọn sai cán bộ dẫn đến hậu quả là nhiều vị trí không đáp ứng được nhiệm vụ, thậm chí nhiều cán bộ chủ chốt còn bị xử lý hình sự. Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, trước Đại hội XIII của Đảng, chúng ta cho rằng, quy trình 5 bước về công tác cán bộ là chặt chẽ, không thể lọt người không đủ năng lực, phẩm chất vào cấp ủy các cấp và bộ máy lãnh đạo. Thế nhưng, từ sau Đại hội XIII đến nay, không ít cán bộ kể cả cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước cũng vi phạm những quy định của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước đến mức phải kỷ luật. “Có trường hợp mới làm Ủy viên Trung ương Đảng hơn 1 năm nhưng không vượt qua được cám dỗ, đã sa ngã, vi phạm đến mức phải truy tố… Đáng chú ý, những vi phạm đó đã diễn ra từ giai đoạn công tác trước khi được giao giữ trọng trách. Điều đó cho thấy, quy trình 5 bước cũng chưa phải đã thật chặt chẽ hoặc nhiều khi là quy trình đúng nhưng chọn cán bộ sai” - PGS.TS Vũ Văn Phúc nêu ví dụ.
Nhìn thẳng vào thực tế, PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật cho rằng, về tổng thể, đội ngũ cán bộ hiện nay đông nhưng chưa mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi; sự liên thông giữa các cấp, các ngành còn hạn chế. Tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số chưa đạt mục tiêu đề ra. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém; nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế.
“Một bộ phận không nhỏ cán bộ, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thiếu thẳng thắn trong tự phê bình và phê bình, vẫn còn nể nang, né tránh, sợ va chạm, trù dập; trách nhiệm của người đứng đầu còn hạn chế, còn biểu hiện “lạm quyền”, “lộng quyền”, tư tưởng tham vọng quyền lực, tư duy nhiệm kỳ, “một người làm quan, cả họ được nhờ”, hay “cả họ làm quan”, lấn át tập thể” - PGS.TS Vũ Trọng Lâm nêu rõ.
Cũng theo PGS, TS. Vũ Trọng Lâm, cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm trong công tác cán bộ còn chưa cụ thể, hiệu quả thực thi thấp. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Cùng với đó, một số khâu trong công tác cán bộ chậm được đổi mới, một số quy trình chưa hoàn thiện, còn lỗ hổng, bị lợi dụng. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến.
Quy hoạch cán bộ thiếu tính tổng thể, liên thông giữa các cấp, các ngành, các địa phương; còn dàn trải, khép kín, chưa bảo đảm phương châm “động” và “mở”. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chậm đổi mới, chưa kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, chưa gắn với quy hoạch và theo chức danh. Luân chuyển cán bộ và thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh không là người địa phương, trong đó có bí thư cấp ủy còn chưa đạt yêu cầu. “Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội” - PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật nói thẳng.
Trong khi đó, công tác bảo vệ chính trị nội bộ còn bị động, chưa theo kịp tình hình, tổ chức bộ máy thiếu ổn định. Đầu tư xây dựng đội ngũ làm công tác tổ chức, cán bộ chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ; tổ chức bộ máy cơ quan tham mưu còn nhiều đầu mối, chức năng, nhiệm vụ chưa thật sự hợp lý; phẩm chất, năng lực và uy tín của không ít cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu…
Các đại biểu bỏ lá phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XII |
Phải đổi mới toàn diện công tác cán bộ
Đánh giá chung về công tác cán bộ thời gian qua, PGS.TS Vũ Trọng Lâm nhận định, có thể nói, sự trưởng thành, lớn mạnh và phát triển của đội ngũ cán bộ là nhân tố then chốt, quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Song, những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận không nhỏ cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng, từ đó làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. PGS.TS Vũ Trọng Lâm cho rằng, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đòi hỏi công tác cán bộ phải tiếp tục điều chỉnh và đổi mới toàn diện nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Đồng tình quan điểm phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về công tác cán bộ, PGS.TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương đề nghị, cần sớm hoàn thiện quy định lựa chọn, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ của các cấp ủy, tổ chức đảng theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện quy định. Phải tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị; thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung... “Cần khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ” - PGS.TS Nguyễn Viết Thông nêu quan điểm.
Sàng lọc, loại bỏ những trường hợp đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến quán triệt triển khai các văn bản mới về công tác tổ chức xây dựng Đảng và giao ban công tác quý III-2024, đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu: Tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng công tác nhân sự theo Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW ngày 26-8-2024 của Ban Tổ chức Trung ương.
Theo đó, công tác nhân sự phải làm chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao trong cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Việc lựa chọn nhân sự cấp ủy khóa mới cần có cơ cấu hợp lý, hài hòa, có sự kế thừa và phát triển, bảo đảm số lượng và nâng cao chất lượng, lựa chọn được cán bộ tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, có năng lực, kinh nghiệm, kinh qua thực tiễn, có sản phẩm công tác cụ thể, đặc biệt quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số.
Đồng chí Lê Minh Hưng nhấn mạnh: “Vừa qua, một số cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật do vi phạm khuyết điểm cho thấy, công tác đánh giá, lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ còn hạn chế, bất cập, đòi hỏi khi tiến hành công tác nhân sự đại hội, các cấp ủy cần đánh giá khách quan toàn diện, đa chiều, thực chất, đúng quy định, thẩm quyền, lấy phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, chất lượng sản phẩm cụ thể và uy tín cán bộ làm thước đo cơ bản để đánh giá. Cần sàng lọc, loại bỏ những trường hợp bản lĩnh chính trị thiếu vững vàng, không kiên định chủ trương, đường lối của Đảng, phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín giảm sút, mất đoàn kết, có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa…”.
Người như thế nào sẽ được vào cấp ủy khóa mới?
Về phẩm chất, yêu cầu đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong giai đoạn cách mạng mới, TS.Trần Thị Minh, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết. Trước hết, có bản lĩnh, quyết tâm cao, sẵn sàng dấn thân, hy sinh lợi ích cá nhân; dám đi đầu, đổi mới, loại bỏ cái cũ, cái lạc hậu; khơi thông điểm nghẽn, giải quyết vướng mắc, ách tắc trong thực tiễn, mang lại hiệu quả cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; giải quyết những vấn đề sai sót tồn đọng, kéo dài hoặc đột phá đối với những vấn đề mới chưa có quy định hoặc quy định chồng chéo, thiếu thống nhất, khó thực hiện; có năng lực cụ thể, tổ chức thực hiện, đưa chủ trương chiến lược của Đảng vào thực tiễn từng bộ, ban, ngành, địa phương…”. Hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý trong kỷ nguyên mới, TS. Trần Thị Minh cho biết, theo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, cần tập trung vào 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, cần đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được.
Thứ hai, tăng cường tự đào tạo, tự bồi dưỡng, nhất là đối với yêu cầu của chuyển đổi số.
Thứ ba, xây dựng cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trên cơ sở phân định rõ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung với người phiêu lưu, liều lĩnh, viển vông, không thực tế; bảo vệ đối với những trường hợp nguy cơ rủi ro, sai sót từ sớm, ngay khi có kế hoạch, không để nhụt chí.
Thứ tư, sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.
Thứ năm, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thử thách đối với các đồng chí là nhân sự được quy hoạch tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp, bảo đảm lựa chọn ra được cấp ủy, nhất là người đứng đầu có năng lực lãnh đạo, có sức chiến đấu cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung, có năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống trên từng lĩnh vực, địa bàn.
Không “bỏ sót” người tài đức; không “để lọt” người cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực
Tại Hà Nội, Thành ủy đã ban hành Kế hoạch 258 - KH/TU về tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Theo đó, liên quan tới chuẩn bị nhân sự khóa mới, Thành ủy Hà Nội yêu cầu: Công tác nhân sự phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, cấp ủy các cấp và đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu theo quy định; Bảo đảm sự kế thừa, đổi mới và phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ.
Cấp ủy khóa mới phải tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, trí tuệ, phẩm chất, đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín; thật sự là trung tâm đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí và hành động; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tầm nhìn, tư duy đổi mới, gắn bó mật thiết với nhân dân; có năng lực lãnh đạo, cầm quyền, có sức chiến đấu cao…
Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử phải thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm đồng bộ, tổng thể, liên thông, chặt chẽ, dân chủ, khoa học, khách quan, công tâm, minh bạch, trách nhiệm giải trình; bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao; làm thận trọng từng bước, “làm đến đâu chắc đến đó”… Phải chủ động rà soát, thẩm tra, thẩm định chặt chẽ, kỹ lưỡng tiêu chuẩn, điều kiện, kê khai tài sản, thu nhập, thông tin, trách nhiệm của nhân sự liên quan đến các kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán hoặc vụ án, vụ việc của các cơ quan chức năng đã xem xét, kết luận và kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo…
Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội yêu cầu: Có cơ chế, tiêu chí sàng lọc hiệu quả để không “bỏ sót” những người thật sự có đức, có tài; đồng thời, kiên quyết không “để lọt” vào cấp ủy khóa mới những người: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật kém, mất đoàn kết; né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tư duy nhiệm kỳ, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, cục bộ, “lợi ích nhóm”, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vi phạm tiêu chuẩn chính trị, những điều đảng viên không được làm và quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều tài sản mà không giải trình rõ được nguồn gốc; vi phạm trách nhiệm nêu gương, để bản thân hoặc vợ (chồng), con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức, quyền để thu lợi bất chính; để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc xảy ra tham nhũng, thất thoát lớn, vụ việc tiêu cực ảnh hưởng xấu ở địa phương, cơ quan, đơn vị trong thời gian phụ trách. Nhân sự không trúng cử cấp ủy cấp dưới, thì không giới thiệu để bầu cấp ủy cấp trên.
(Còn nữa)