"Xây dựng kinh tế là chức năng rất quan trọng của Quân đội"

ANTD.VN - "Nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế đã, đang và sẽ luôn là chức năng rất quan trọng của Quân đội, cần được quy định trong luật", Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh khi giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội.

Vấn đề quân đội làm kinh tế nhận được sự quan tâm đặc biệt và nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận Luật Quốc phòng (sửa đổi), sáng 24-11.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (đoàn TP.HCM) đánh giá dự thảo luật đã khắc phục được hai khiếm khuyết của Luật Quốc phòng hiện nay là chưa thể hiện rõ sức mạnh quân sự, chưa quy định đầy đủ chức năng nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời dự thảo luật đã luật hóa được vai trò, chức năng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới. 

Theo đại biểu Nguyễn Minh Hoàng, kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, Quân đội làm kinh tế mục đích đầu tiên là gia tăng sức mạnh quân sự, quốc phòng, từ đó gia tăng sức mạnh quốc gia. “Quân đội làm kinh tế chính là gánh vác nhiệm vụ chính trị xã hội”, ông Hoàng nêu quan điểm. 

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quân đội không sử dụng đất sai mục đích

Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) cho biết hiện nay, Quân đội đã có những đơn vị, tập đoàn làm kinh tế rất thành công, nộp ngân sách nhà nước rất nhiều. Theo ông Trí, hoạt động kinh tế của Quân đội nên ưu tiên các nội dung thuộc về lợi thế của Quân đội, kịp thời điều chỉnh ngay những gì chưa rạch ròi, chưa phù hợp để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật, đồng thuận của dư luận xã hội.

"Tôi tin nhân dân sẽ ủng hộ Quân đội như bao lâu nay vẫn vậy”, ông Trí nói.

Tuy nhiên, vị đại biểu đoàn TP Hà Nội cũng đề nghị Quân đội không sử dụng đất đai sai mục đích. Dẫn lại việc vừa qua dư luận xôn xao việc lấy sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) làm sân golf, đại biểu Trí hoan nghênh quân đội đã kịp thời có ý kiến.

Cơ bản đồng tình với các quy định về kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, tuy nhiên đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) cho rằng so với Luật Quốc phòng năm 2005, dự thảo luật sửa đổi lần này lại chưa thấy rõ vai trò Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. 

"Theo tôi nên kế thừa và có sự bổ sung những nội dung cần thiết, khẳng định Nhà nước là chủ thể chịu trách nhiệm chung còn Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành, địa phương là các cơ quan chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành, chịu trách nhiệm", ông Tiến kiến nghị.

Đại biểu Lê Minh Nguyệt cho rằng địa bàn Quân đội làm kinh tế phải đảm bảo ổn định an ninh, an toàn và giúp dân phát triển kinh tế

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng Quân đội cần xác định rất rõ về chức năng nhiệm vụ tham gia sản xuất xây dựng kinh tế, làm sao để địa bàn Quân đội làm kinh tế phải ổn định an ninh, an toàn để công tác quốc phòng mạnh lên, gắn bó với dân, giúp dân phát triển kinh tế vì "dân mạnh thì quốc phòng mới mạnh". 

"Cần có nội dung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Quân đội nhân dân ở cấp độ Luật Quốc phòng. Như vậy mới có cơ sở để các đơn vị triển khai hoặc phối hợp với các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng", đại biểu Lê Thị Nguyệt nói.

Giải trình về vấn đề Quân đội làm kinh tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho rằng hơn 70 năm qua, quy định Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và cụ thể hóa Điều 68 – Hiến pháp 2013.  

Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, dự thảo luật chỉ quy định khung những chính sách lớn và giao Chính phủ quy định chi tiết theo thẩm quyền để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với từng lĩnh vực kinh tế xã hội, từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Năm 2017, Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng đã thực hiện đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp Quân đội, từ 88 doanh nghiệp về 17 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ quốc phòng, số còn lại thoái vốn, cổ phần hóa sau khi sắp xếp, sáp nhập. Các đoàn kinh tế quốc phòng, doanh nghiệp Quân đội còn là đơn vị dự bị động viên, sẵn sàng mở rộng thành các binh đoàn chủ lực, tác chiến khi đất nước có chiến tranh.

“Vì vậy nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế đã, đang và sẽ luôn là chức năng rất quan trọng của Quân đội, cần được quy định trong luật”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) gồm 7 chương, 46 điều, quy định chính sách quốc phòng, nguyên tắc, hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng.