Xây dựng hành lang pháp lý, chấn chỉnh việc lợi dụng tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ để trục lợi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng nay, 7.12, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội thảo "Đánh giá hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (giai đoạn 2017-2022).

Theo đánh giá hiệu quả thực hiện “Chương trình hành động giai đoạn 2017-2022” của Cục Di sản Văn hóa, trong những năm qua, các tỉnh, thành phố có di sản đã nhanh chóng xây dựng, triển khai các nhiệm vụ, đề án, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Thế nhưng, công tác quản ý nhà nước về di sản này còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Trong đó, nhận thức của công chúng, cộng đồng và một bộ phận cán bộ về di sản phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” còn hạn chế. Hành lang pháp lý nhằm hướng dẫn, điều chỉnh hoạt động thực hành di sản còn thiếu và chưa cụ thể.

Đặc biệt phải kể đến là việc thực hành không đúng nguyên tắc (trang phục, bài bản và các yếu tố khác có liên quan); thực hành không đúng không gian; danh hiệu; các hoạt động giao lưu trình diễn tín ngưỡng ồ ạt, tuỳ tiện.

Cục Di sản Văn hóa khẳng định, các hoạt động tiêu cực, không đúng nguyên tắc thực hành di sản dẫn tới những nguy cơ như làm giảm tính thiêng, trần tục hóa tín ngưỡng, gây ra tiêu cực xã hội, xung đột giữa các bản hội và cá nhân người thực hành di sản.

Hầu Đức Thánh Trần (ảnh: Ngữ Thiên)

Hầu Đức Thánh Trần (ảnh: Ngữ Thiên)

Trong thời gian tới, các giải pháp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản được Cục Di sản Văn hóa đưa ra là: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn hoạt động quản lý, thực hành di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hành di sản; ngăn chặn và kiên quyết xử lý vi phạm đối với các hành vi lợi dụng Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu để trục lợi, kiếm tiền; cố tình thay đổi hình thức diễn xướng và các yếu tố liên quan; lợi dụng niềm tin vào Tín ngưỡng Thờ Mẫu của người dân để tuyên truyền và cổ súy cho những hoạt động gây chia rẽ các thủ nhang, đồng đền, bản hội và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng tín đồ của Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ và của toàn xã hội.

Tiếp tục nghiên cứu, nhận diện, kiểm kê di sản để có những định hướng phát huy đúng đắn, kiên quyết bài trừ những biểu hiện mê tín dị đoan, lệch lạc, thương mại hóa trong quá trình thực hiện tín ngưỡng.

Cùng với đó, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực về công tác quản lý nhà nước đối với di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu cho cán bộ làm văn hóa các cấp; hướng dẫn về cách thức quản lý Nhà nước đối với Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu; quy định trách nhiệm của người đại diện cơ sở thờ Mẫu và tổ chức thực hành nghi lễ thờ Mẫu; tổ chức các lớp truyền dạy, thực hành di sản.

Đặc biệt, tuyên truyền, quảng bá để chính các thầy đồng hiểu được những giá trị đúng đắn của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.

Năm 2016, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại.

Năm 2016, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho biết, việc đánh giá hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (giai đoạn 2017 - 2022) để từ đó tiếp tục xác định phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt theo cam kết tại hồ sơ đề cử với UNESCO (giai đoạn 2023-2028).