Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Cần thiết, nhưng vốn ở đâu?

ANTĐ - Ngày 4-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ xung quanh nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. 

Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Cần thiết, nhưng vốn ở đâu? ảnh 1ĐB Nguyễn Quốc Bình ( Hà Nội) phát biểu tại tổ chiều 4-11

Nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 

Về chủ trương tăng thuế TTĐB, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng, hiện nay, tình hình chung có nhiều biến đổi, nên việc điều chỉnh thuế TTĐB được coi như một biện pháp điều tiết thị trường, phù hợp với chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020. Trong tình hình ngân sách như hiện nay, việc điều chỉnh thuế TTĐB là một giải pháp quan trọng, làm tăng thu cho ngân sách Nhà nước. 

Trong số các mặt hàng điều chỉnh thuế TTĐB, có ý kiến cho rằng, cần phải đưa trò chơi trực tuyến (game online) vào diện chịu thuế. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, chúng ta có chủ trương khuyến khích các nhà lập trình viết phần mềm nên việc áp thuế TTĐB cho game online cần phải cân nhắc. 

Về thuế suất đối với thuốc lá, có ý kiến ĐBQH cho rằng cần ước lượng được nếu tăng như vậy thì số người hút thuốc sẽ giảm đi bao nhiêu phần trăm? “Bên cạnh việc tăng thuế, cũng cần xem lại giá thuốc lá của chúng ta so với các nước xung quanh. Ngoài ra, do buôn lậu thuốc lá nên ngân sách Nhà nước thất thu 8 nghìn tỷ đồng/năm”, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường nêu ý kiến và cho rằng cần có biện pháp cụ thể để hạn chế buôn lậu, tránh ảnh hưởng đến việc kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp nội địa. 

Đồng quan điểm với việc tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) cho rằng, thuế thuốc lá ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với thế giới nên số lượng người sử dụng thuốc lá cao. Việc tăng thuế TTĐB với thuốc lá là việc cấp thiết phải làm.

Nhiều ý kiến trái chiều 

Xung quanh chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng, việc xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết bởi thực tế, nếu xét về vị trí, khu vực Đông Á không có đối thủ cạnh tranh về hàng trung chuyển quốc tế nên việc có được vị trí xây dựng cảng ở Long Thành là vô giá. Khi đầu tư cảng Long Thành, chúng ta sẽ thay đổi cấu trúc đường hàng không của châu Á vốn đang tập trung ở Singapore. 

Đồng tình với quan điểm này, nhiều ĐB cho rằng việc đầu tư sân bay Long Thành là đầu tư cho vị thế quốc gia, do đó phải triển khai sớm. Nhưng để khả thi và phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước thì Chính phủ phải khắc phục được những điểm mà báo cáo của Ủy ban Kinh tế đã nêu. 

Trong khi đó ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) lại băn khoăn vì thấy đề án này hơi quá sức. “Chúng ta cứ nói rằng Việt Nam sau 20-30 năm nữa khi có sân bay này sẽ phát triển mạnh, nhưng đó chỉ là dự kiến trên giấy. Thực tế, vấn đề quản lý hàng không của ta rất tồi, du khách đến thì bị chặt chém, bình chọn thì đứng thấp nhất châu Á. Đặc biệt, hiện nay nợ công rất nặng nề, nếu vay tiếp để làm thì không biết sẽ lấy gì để trả”, ĐB Trịnh Ngọc Thạch bày tỏ và cho rằng cần phải cân nhắc dự án này sau 15 - 20 năm nữa, khi nhu cầu thực tế đã có và nợ nần đã trả được hết thì phát triển vẫn chưa muộn.

Theo ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh), hơn 18 tỷ USD mới chỉ là trực tiếp đầu tư cho dự án này, chưa tính các chi phí kết nối sân bay. Cảng hàng không không thể thành ốc đảo mà phải kết nối với hạ tầng khác và như vậy mức vốn sẽ tăng lên. Trong bối cảnh khó khăn về vốn hiện nay thì dự án này cần phải cân nhắc.

Cũng trong chiều 4-11, các ĐB đã thảo luận về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.