Xây dựng ASEAN vững mạnh, đoàn kết

ANTD.VN - Việt Nam chính thức đảm nhận trọng trách “kép” Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc trong bối cảnh thế giới cũng như khu vực đứng trước những thách thức lớn mà muốn vượt qua cần phải tìm được tiếng nói chung để phát huy sức mạnh đoàn kết.

Xây dựng ASEAN vững mạnh, đoàn kết ảnh 1Việt Nam đề cao sự gắn kết tạo sức mạnh đoàn kết của ASEAN để vượt qua thách thức lớn mà cả hiệp hội đang phải đối mặt

Tại cuộc Tọa đàm với chủ đề “Đưa ASEAN phát triển xa hơn: Từ nhiệm kỳ Chủ tịch của Thái Lan 2019 đến ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam 2020” diễn ra ngày 23-12 tại Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Puangketkaew đánh giá cao và cho rằng chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” của Năm Chủ tịch ASEAN Việt Nam 2020 là hai nhiệm vụ giao thoa và bổ trợ chặt chẽ cho nhau, đồng thời góp phần duy trì sự bền vững, hòa bình của các quốc gia khu vực. Ông Sihasak Puangketkaew bày tỏ hy vọng, với cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam có thể tiếp tục đưa những nội dung đàm phán còn dang dở từ Năm ASEAN 2019 đi đến thành công, đặc biệt là với Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). 

Cuộc tọa đàm diễn ra vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là bước sang năm mới 2020, năm Việt Nam vinh dự đảm nhận, đồng thời là hai trọng trách nặng nề Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Cũng như Thái Lan, nước Chủ tịch ASEAN 2019, Việt Nam nhận trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh hiệp hội cũng như cả hiệp hội đang phải đối mặt với những thách thức lớn cả về kinh tế, hòa bình, an ninh và ổn định. 

Về kinh tế, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch cùng căng thẳng thương mại giữa các cường quốc kinh tế và trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới đã tác động lớn tới tăng trưởng của các thành viên ASEAN. Ngoại trừ Việt Nam “ngược dòng” đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất khoảng 7%, các thành viên ASEAN còn lại đều ít nhiều bị cuốn vào vòng xoáy bất ổn kinh tế-thương mại của khu vực và thế giới.

Song thách thức lớn nhất với ASEAN là về hòa bình và an ninh khi Biển Đông có ý nghĩa sống còn với cả khu vực luôn dậy sóng bởi những căng thẳng do Trung Quốc gây ra từ hoạt động quân sự hóa, xâm phạm chủ quyền hợp pháp của các thành viên hiệp hội, vi phạm luật pháp quốc tế ở vùng biển này. Không có hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông, ASEAN khó có được môi trường thuận lợi để hợp tác, phát triển chưa kể tác động trực tiếp tới hoạt động giao thông và đầu tư nước ngoài vào các quốc gia thành viên.

Để trở thành một tổ chức hiệp hội được xem thành công bậc nhất thế giới như ngày hôm nay, ASEAN cũng từng phải đối mặt với không ít thách thức lớn. Thách thức mỗi giai đoạn, thời điểm là khác nhau và cách thức để ASEAN vượt qua cũng khác nhau, song có một điểm chung để vượt qua sóng gió chính là tìm tiếng nói chung để duy trì đoàn kết, thống nhất trong cả hiệp hội. Để thích ứng nhanh cũng như vượt qua những thách thức đang phải đối mặt, đòi hỏi ASEAN phải tiếp tục củng cố, phát huy giá trị cốt lõi, nền tảng làm nên thành công của tổ chức khu vực thời gian dài qua; cùng đồng tâm hiệp lực, đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng phát huy sức mạnh. 

Với chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam mong muốn xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ và đứng vững trước các tác động của tình hình khu vực và thế giới. “Gắn kết” và “thích ứng” là hai thành tố có tính giao thoa bổ trợ chặt chẽ. Một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển mới có thể chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, chủ động thích ứng hiệu quả để giúp ASEAN trở thành một khối gắn kết chặt chẽ.

Việt Nam cũng nỗ lực gắn kết để thực hiện đồng thời hai trọng trách Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong năm 2020. Làm tốt trách nhiệm “kép” này, Việt Nam sẽ đồng thời chia sẻ kinh nghiệm giữa quốc tế và khu vực, qua đó góp phần thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định và phát triển khu vực; thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, xây dựng cấu trúc khu vực ASEAN dựa trên luật pháp quốc tế.