Xây dựng 2 vườn ươm mắc ca công suất 1 triệu cây/năm

ANTĐ -  Xây dựng 2 vườn ươm lớn tại tỉnh Lâm Đồng có công suất 1 triệu cây giống/năm/vườn, chuẩn bị hoàn thành 2 nhà máy chế biến... là những bước đi đầu tiên được Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Công ty CP Him Lam triển khai nhằm phát triển cây mắc ca tại Việt Nam.

Xây dựng 2 vườn ươm mắc ca công suất 1 triệu cây/năm  ảnh 1Đại diện LienVietPostBank cho biết, nhà máy chế biến mắc ca tại Quảng Trị đ đã hoàn thành 90% và dự kiến quý I-2016 sẽ đưa vào sử dụng

Báo cáo tình hình phát triển cây mắc ca sau 1 năm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên, ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank cho biết: “Công ty Cổ phần Him Lam và LienVietPostBank đã trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội mắc ca Australia. Đồng thời, 2 nhà máy chế biến mắc ca sắp hoàn thành, xây dựng 2 vườn ươm lớn tại tỉnh Lâm Đồng có công suất 1 triệu cây giống/năm/vườn và một số tỉnh Tây Nguyên đã công bố quy hoạch trồng cây mắc ca”.

Bên cạnh những kết quả trên trên, ông Nguyễn Đức Hưởng cho biết thêm: “LienVietPostBank và Công ty CP Him Lam cũng đã tích cực triển khai một loạt hoạt động nhằm phát triển cây mắc ca tại Việt Nam như xúc tiến các thủ tục thành lập Hiệp hội mắc ca Việt Nam, tổ chức các đoàn thực tế trong nước và các nước hàng đầu về công nghiệp mắc ca như Australia, Trung Quốc, Nam Phi, Mỹ.
Thuê chuyên gia nước ngoài và trong nước tư vấn lập chiến lược phát triển mắc ca, tài trợ nghiên cứu cây mắc ca, xây dựng quy định cho vay phát triển cây mắc ca...”.

Đặc biệt, qua việc phát trên 1.000 phiếu điều tra thông tin tới các hộ nông dân tỉnh Lâm Đồng cho thấy, có đến 48% sẵn sàng trồng mắc ca khi được hưởng các ưu đãi như được vay vốn lãi suất thấp, hỗ trợ kỹ thuật canh tác, chăm sóc, thu mua sản phẩm...

Với những kết quả nêu trên, ông Nguyễn Đức Hưởng đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để phát triển cây mắc ca bền vững tại Việt Nam như thay đổi quy định về hỗ trợ trồng cây mắc ca, để địa phương xác định cụ thể quy hoạch, đẩy nhanh xây dựng chương trình quốc gia về mắc ca, ban hành chủ trương ưu đãi về nguồn vốn để triển khai các sản phẩm tín dụng cho việc phát triển cây mắc ca...