Xây công xưởng từ móng

ANTĐ - Việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới chỉ đạt được 50%. Lợi ích TPP mang lại sẽ không đến ngay lập tức mà phải sau một thời gian, khi thuế nhập khẩu được xóa bỏ hoàn toàn. Theo cam kết của TPP, cần từ 1 năm rưỡi đến 2 năm để thông qua. Tuy nhiên, quỹ thời gian này cũng không quá dư dả nếu nhìn vào thực lực và thực trạng nền kinh tế để thực hiện khát vọng biến Việt Nam trở thành trung tâm chế tạo mới của thế giới.

Đã có nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, diễn đàn đặt TPP lên bàn để “giải phẫu” để làm rõ những cơ hội cũng như thách thức mang lại cho nền kinh tế và giới doanh nghiệp Việt Nam. Có ý kiến quá lạc quan cho rằng, “phần bánh” TPP dành cho nước ta rất lớn, chỉ sợ “ăn” không hết. “Chúng ta cần có cái nhìn bình tĩnh về TPP”, mọi cơ hội và thách thức đang được xây dựng dựa trên các giả định. Song ý tưởng, kỳ vọng xây dựng Việt Nam thành trung tâm chế tạo mới của thế giới khi bước vào TPP đương nhiên có thể thành hiện thực chứ không dựa trên giả định.

Vậy nền móng của “công xưởng thế giới mới” đó là gì? Độ vững chắc đến đâu và còn những yếu kém, lỗ hổng nào cần bắt tay ngay từ bây giờ để khắc phục? Điều dễ nhận thấy nhất là nguồn lực lao động của nước ta đang ở giai đoạn “độ tuổi vàng”  18-45. Đây chính là nhân lực “vàng” có thể tận dụng tối đa khi xây công xưởng của thế giới. Hơn thế, sau 30 năm mở cửa kinh tế, hàng vạn các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thu hút hàng trăm nghìn lao động là môi trường thuận lợi để nâng cao tay nghề, tác phong công nghiệp.

Đội ngũ lao động trong các ngành dệt may, da giày, điện tử... hoàn toàn có thể đứng chân vững chắc trong công xưởng trong tương lai. Bên cạnh đó, một số công ty của Việt Nam đã bứt phá, có kinh nghiệm xuất khẩu một số mặt hàng thuộc lĩnh vực công nghệ cao  ... Đây có thể là những mũi nhọn đủ mạnh và có sức đột phá để Việt Nam có thể trở thành một trong những trung tâm chế tạo mới của thế giới, nơi hội tụ và phát sáng trí tuệ, chất xám Việt Nam.

Nhìn vào nền tảng của kỳ vọng xây dựng công xưởng, trung tâm chế tạo của thế giới, chúng ta không thể phủ nhận những điểm yếu đáng lo ngại. Năng suất lao động của ta hiện chỉ bằng 1/5 của Malaysia, 2/5 Thái Lan và 1/15 Singapore. Trong khi đó, tình trạng “tụ đọng” quá lớn lao động ở nông thôn cũng gây nhiều lo lắng. Nước ta có thể tăng tốc, sớm thu hẹp khoảng cách năng suất lao động nếu kịp thời đổi mới chương trình đào tạo đại học, giáo dục nghề nghiệp theo hướng gắn chặt với nhu cầu của thị trường lao động.

Mặt khác, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu sáng tạo để đẩy nhanh năng suất lao động; đồng thời, phải lấp dần khoảng trống trong công nghiệp phụ trợ. Xây nhà từ móng, xây công xưởng càng cần nền móng vững chắc, kiên cố.