Xây chợ tạm để… bỏ hoang

ANTĐ - Để triển khai dự án xây dựng lại chợ Ngã Tư Sở, chợ Nghĩa Tân, từ năm 2010, 2 chợ tạm đã được hoàn thành nhằm phục vụ việc kinh doanh buôn bán của các tiểu thương. Tuy vậy, đã 2 năm trôi qua, dù được đầu tư với số vốn hàng tỷ đồng nhưng các chợ tạm này vẫn trong tình trạng bỏ không…

Chợ tạm Ngã Tư Sở: Cỏ dại mọc đầy

Chợ tạm Nghĩa Tân dù được xây dựng nhưng các ki ốt vẫn cửa khóa im ỉm

Nhằm đảm bảo cho việc xây dựng chợ Ngã Tư Sở mới, từ đầu năm 2010, UBND quận Đống Đa đã chọn khu vực từ đầu đường Nguyễn Trãi đến ngã ba cây xăng đường Láng mới, và đoạn từ cầu Mọc đến cầu Hòa Mục ven bờ sông Tô Lịch để dựng chợ tạm với gần 800 kiốt. Mỗi kiốt này có diện tích khoảng 3m2 được xây dựng kết cấu khung thép lợp bằng mái tôn. Để thuận tiện cho việc kinh doanh của các tiểu thương, mỗi kiốt được trang bị đầy đủ thiết bị điện, nước và bình cứu hỏa, hệ thống phòng chống cháy nổ. Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại tất cả các gian hàng vẫn đóng im ỉm và ngày càng xuống cấp. Ông Nguyễn Xuân Dũng - một người dân sống tại khu vực thở dài: “Từ khi dựng chợ tạm, người dân mỗi khi qua khu vực này phải đi xuống lòng đường vì vỉa hè phải nhường chỗ cho chợ. Nay chợ tạm lại bỏ không, thậm chí bị sử dụng sai mục đích, biến thành bãi đỗ xe, nơi xả rác và nước thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến chúng tôi không khỏi xót ruột... Nghịch lý ở chỗ, trái ngược với sự vắng vẻ bên trong chợ tạm là sự lộn xộn ở khu vực bên ngoài - ngay trên tuyến đường nối ra cầu Mới. Việc người dân bày bán hàng tràn lan ra lòng đường đã ảnh hưởng rất lớn tới người dân sống quanh khu vực cũng như người tham gia giao thông tại đoạn đường này”…

Được biết, từ đầu năm 2010, UBND quận Đống Đa đã có thông báo về chính sách hỗ trợ di chuyển tới các hộ dân kinh doanh tại chợ Ngã Tư Sở. Nhưng, từ đó đến nay các tiểu thương không chuyển đến chợ tạm, mà tập trung buôn bán ở lề đường. Bà Nguyễn Thị Thảo - một người bán hoa quả tại chợ cho biết: “Chúng tôi biết việc kinh doanh ở lề đường tạm bợ đã ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực nhưng nếu chuyển vào chợ tạm thì rất bất tiện vì các gian hàng khá chật chội, nóng bức. Thêm vào đó, mùi hôi thối bốc lên từ sông Tô Lịch chẳng khác nào đuổi khách đi”…

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lộn xộn nêu trên là do dự án xây dựng chợ Ngã Tư Sở chưa được triển khai. Theo một đại diện của UBND quận Đống Đa, khi dự án chuẩn bị khởi công thì phải tạm dừng do Chính phủ có chủ trương dừng các dự án cao tầng thuộc 4 quận nội thành. Chỉ đến khi dự án được phê duyệt và hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định thì chính quyền mới có thể chuyển các tiểu thương ra kinh doanh tại chợ tạm. Bên cạnh đó, đơn vị chủ đầu tư muốn khai thác chợ tạm cũng khó vì không xác định được chính xác thời gian chợ mới sẽ xây khi nào nên đành bỏ không như hiện tại.

Chợ tạm Nghĩa Tân: Cửa đóng, then cài

Còn bên trong vẫn trống không

Không giống như các khu chợ tạm Ngã Tư Sở, Phùng Hưng, chợ Mơ... khu chợ tạm Nghĩa Tân ở 131 Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy được xây dựng khá khang trang. Chợ có diện tích khá rộng với 5 dãy kết cấu khung thép, lợp tôn, hàng trăm gian hàng cùng với một số cửa hàng hướng thẳng ra mặt đường Nguyễn Phong Sắc. Hệ thống điện, nước, vệ sinh cũng được xây dựng khá hoàn chỉnh với hai cổng vào rộng rãi. Tuy vậy đến thời điểm hiện tại, các dãy nhà tạm đã bị xuống cấp, nhiều thanh thép, mái tôn, cổng chợ đã bị hoen gỉ, hệ thống thiết bị điện bị bong tróc, bể nước bị biến thành bể chứa nước rửa xe, nhà vệ sinh bốc mùi hôi thối, rác thải vứt bừa bãi, chất thành đống. Bà Vũ Thị L, một chủ kinh doanh quần áo lâu năm tại chợ Nghĩa Tân cho biết: “Chúng tôi không muốn chuyển ra chợ mới vì đang buôn bán ổn định ở đây, chẳng biết chuyển ra chợ tạm có bán được không. Mà chợ trông thì rộng rãi, thoáng mát nhưng trống hoác như thế thì an ninh, an toàn liệu có đảm bảo. Hơn nữa chợ cũng khá xa chợ cũ nên việc kinh doanh chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn vì mất khách”. 

Được biết chợ tạm Nghĩa Tân được Công ty CP Thương mại Cầu Giấy là chủ đầu tư, xây dựng để duy trì hoạt động kinh doanh của chợ Nghĩa Tân trong khi chờ chợ Nghĩa Tân được xây dựng lại. Về lý do khiến chợ tạm bị bỏ hoang trong thời gian qua, ông Nguyễn Đức Tuyên - Giám đốc Công ty CP Thương mại Cầu Giấy cho biết, “hiện hồ sơ thiết kế, bố trí chợ tạm, tái bố trí vị trí cho các tiểu thương sau khi chợ mới được xây dựng… đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt. Tuy vậy dự án vẫn chưa triển khai được do chủ đầu tư và người dân chưa tìm được tiếng nói chung. Là đơn vị chủ đầu tư, chúng tôi rất mong chính quyền địa phương nhanh chóng giải phóng mặt bằng để có thể triển khai dự án càng sớm càng tốt. Hiện tổ công tác đang trong giai đoạn thực hiện việc kê khai tài sản và lên phương án đền bù cho các hộ kinh doanh”.

Cho dù vì bất cứ nguyên nhân nào thì việc những chợ tạm được xây dựng  bị bỏ hoang trong thời gian qua đã gây lãng phí không ít về tiền của, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và môi trường sống của người dân xung quanh. Để các dự án xây dựng chợ mới sớm được triển khai, đề nghị thành phố sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị chủ đầu tư nhanh chóng ngồi lại với người dân tìm ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tránh những bức xúc không đáng có…