Xây bức tường thành ý thức người dân để ngăn chặn dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dịch Covid-19 ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp với những ca mắc mới liên tục được công bố. Cuộc chiến với loại virus nguy hiểm này đang được đẩy mạnh mà một trong những việc trước tiên là nâng cao ý thức người dân trong công tác phòng chống dịch.
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, ý thức của mỗi người dân cũng quan trọng chẳng khác nào một loại vaccine phòng ngừa

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, ý thức của mỗi người dân cũng quan trọng chẳng khác nào một loại vaccine phòng ngừa

Những hành vi, thái độ châm ngòi cho làn sóng dịch bệnh

Quá khứ những đợt chống dịch trước đây cho thấy vai trò, ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần giúp Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia được thế giới đánh giá là có biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 tích cực và hiệu quả. Tuy nhiên, sau thời gian dài không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng, tỷ lệ lây nhiễm và tử vong không cao, cùng với đó là tâm lý xả hơi qua những đợt giãn cách đã khiến người dân ở nhiều địa phương trở nên chủ quan, buông lơi cảnh giác. Đây là việc rất nguy hiểm dù các chuyên gia thường xuyên cảnh báo những hành vi, thái độ như vậy sẽ châm ngòi cho làn sóng dịch mới.

Những gì đang diễn ra ở Ấn Độ là lời cảnh tỉnh rõ ràng nhất. Đất nước 1,37 tỷ dân này đang rung chuyển bởi làn sóng dịch Covid-19 thứ hai mà nguyên nhân chính là do sự chủ quan. Các cuộc tụ tập đông người, trong đó có lễ hội tôn giáo lớn nhất thế giới Kumbh Mela, cùng việc người tham gia không thực hiện quy định giãn cách xã hội và đeo khẩu trang đã khiến dịch lan rộng tới mức không kiểm soát được.

Với Việt Nam, những hiện tượng như người dân chưa thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, đặc biệt khi đi du lịch, di chuyển và tập trung đông người, đã không còn là điều hiếm gặp. Những trường hợp như khai báo y tế không trung thực, trốn cách ly, nhập cảnh trái phép hoặc nhập cảnh không được quản lý cách ly chặt chẽ trong thời gian gần đây đã tạo nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng. Đặc biệt, khi dịch đã bùng phát trở lại, khi các yêu cầu phòng chống dịch bệnh liên tục được nhắc nhở nhưng vẫn xảy ra những trường hợp cố tình không thực hiện.

Chẳng hạn như cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống The King (số 102-104 Lê Lai, phường Bến Thành, quận 1, TP Hồ Chí Minh) tổ chức dịch vụ ca hát cho 98 người vào tối 4-5, trong đó có một người Trung Quốc mới hoàn thành đợt cách ly tập trung tại huyện Văn Lâm (Hưng Yên) vào ngày 21-4 và đang trong thời gian cách ly tại nhà. Hay như 8 thanh niên vẫn tổ chức hát trong quán karaoke tại phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) trong tối 4-5 dù các cơ quan chức năng đã nghiêm cấm.

Đáng chú ý là sau một thời gian tạm lắng, hiện tượng phát tán thông tin vi phạm các quy định của pháp luật về tình hình dịch Covid-19 lại xuất hiện. Nổi bật nhất là các vi phạm đăng tải, chia sẻ, tán phát thông tin sai sự thật; phát tán thông tin về người bệnh, vi phạm quy định về quyền được tôn trọng bí mật riêng tư. Mới ngày 6-5 vừa rồi, Công an tỉnh Ninh Bình đã phải xử phạt một cá nhân đăng bài viết không đúng, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, mỗi sự vô ý, thiếu ý thức của bất cứ cá nhân nào, hay sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của một đơn vị cũng có thể ảnh hưởng đến nỗ lực bấy lâu nay của cả hệ thống, tệ hơn là khiến cả xã hội phải trả giá.

Trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, ý thức của mỗi cá nhân cũng quan trọng chẳng khác nào như vaccine ngừa Covid-19 (Ảnh: Lam Thanh)

Trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, ý thức của mỗi cá nhân cũng quan trọng chẳng khác nào như vaccine ngừa Covid-19 (Ảnh: Lam Thanh)

“Liều thuốc cao nhất” để nhanh chóng đẩy lùi Covid-19

Chính vì vậy, bên cạnh những nỗ lực, sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cơ quan đoàn thể, rất cần đến thái độ tích cực và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân. Kinh nghiệm cho thấy ý thức của người dân chính là “liều thuốc cao nhất” để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Hơn lúc nào hết người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác và tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch, cùng phối hợp với các cấp chính quyền làm tốt công tác phòng chống Covid-19 theo như lời kêu gọi của Thủ tướng chính phủ “Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh”.

Trong bối cảnh hiện nay, nâng cao ý thức người dân trước hết là việc chấp hành tốt các quy định phòng dịch. Mỗi người dân cần thể hiện trách nhiệm với cộng đồng thông qua những việc làm giản đơn, thiết thực. Đó là việc tự giác thực hiện khai báo y tế, thực hiện cách ly nếu thuộc diện quy định; chấp hành tốt quy định phòng, chống dịch của chính quyền các cấp; nâng cao ý thức trong việc tự bảo vệ mình với việc đeo khẩu trang khi ra đường, thường xuyên sử dụng dung dịch sát trùng, diệt khuẩn; kịp thời phản ánh những thông tin liên quan đến dịch bệnh Covid-19 qua số điện thoại đường dây nóng và các cơ quan chức năng ở địa phương…

Khi thực hiện những việc này, trước hết mỗi người đã tự bảo vệ sức khỏe của chính mình, đồng thời cũng thể hiện ý thức, trách nhiệm công dân trước mối nguy lớn từ đại dịch. Đó cũng là trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng, trách nhiệm của công dân đối với đất nước. Bởi dù nhỏ, nhưng mỗi việc làm góp sức chống dịch của từng người cũng là sự đồng lòng chung tay vì sức khỏe của cộng đồng, vì một Việt Nam an toàn, phát triển. Khi mọi người dân đều có ý thức bảo vệ bản thân mình và chung tay gìn giữ cho cả cộng đồng, việc dập dịch chỉ còn là vấn đề thời gian.

Ý thức người dân còn thể hiện ở sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ở việc chấp hành nghiêm chỉnh các chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ về phòng chống dịch bệnh Covid-19. Mới nhất là văn bản số 81/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 diễn ra sáng 26-4, trong đó quy định với cá nhân là thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang.

Ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân còn là sự tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội lên quan đến dịch bệnh. Bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, mỗi người cần có ý thức không chia sẻ, đăng lại hoặc cổ xúy cho những quan điểm sai lệch, bài viết không được kiểm chứng, hình ảnh giả mạo trên các trang mạng có thể tác động đến tâm lý, gây rối loạn xã hội. Thay vì nghi ngờ, phán xét, chê bai, chống đối… mỗi cá nhân bằng những việc làm phù hợp với khả năng, điều kiện của mình, hãy chung tay góp sức cùng xã hội trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19.

Dịch bệnh Covid-19 từ lâu đã không còn là câu chuyện “của xã hội” mà đã trở thành vấn đề “của mỗi cá nhân”. Trong cuộc chiến chống lại đại dịch này, ý thức của mỗi cá nhân cũng quan trọng chẳng khác nào như vaccine ngừa Covid-19.