Xao xuyến Tết Việt ở Paris

ANTĐ - Tết xa nhà thường khiến con người ta mang tâm trạng buồn man mác. Nhưng ăn Tết Việt giữa Paris hoa lệ, tôi lại thấy ấm lòng nhờ những sắc màu thấm đẫm chất quê hương.

Người Việt ở Paris đón tết cổ truyền dân tộc

Giữ nếp cổ truyền

Paris những ngày giáp Tết cổ truyền Việt Nam. Tuyết bay la đà trên đường phố trung tâm quận 13. Trời lạnh. Người Việt đi lại tấp nập, những tà áo dài đầy sắc màu tha thướt. Trong các siêu thị, chợ Trung Quốc, cửa hàng Việt Nam nhộn nhịp cảnh sắm Tết, tôi tưởng như mình đang sống giữa Hà Nội. Vào các khu bán hoa quả, giữa trăm thứ hoa tây, hoa ta, tôi bỗng nhìn thấy hoa đào, hoa mai, quất vàng trĩu quả, bồn cúc đại đóa, cúc vạn thọ, loa kèn Đà Lạt… Hoa Việt Nam chở bằng máy bay sang, có loại ươm trong nhà kính ở Paris. Lại cả hồng đỏ, cam Vinh, cam Bố Hạ, dừa Thanh Hóa, xoài cát, thanh long Nam Bộ. 

Sang khu thực phẩm, thấy la liệt đồ hộp Việt Nam, từ cá thu, thịt lợn, dưa chuột bao từ, nước hoa quả đến các loại rau xanh, rau gia vị, ớt quả. Bánh chưng xanh đưa từ Việt Nam, Thái Lan sang, bánh đa nem, giò lụa, chả quế, nem chua, mộc nhĩ, nấm hương, bóng bì, mắm tôm, mắm tép, nước mắm Phan Thiết, Phú Quốc, mặt hàng gì cũng có, chỉ phải tội đắt quá. Nhưng đắt vẫn mua, bà con xếp đầy cốp ô tô chở về.

Việc nhà cửa, chợ búa, theo cổ tục, ngày 30 Tết vẫn dành thì giờ dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, đón mừng năm mới. Sáng mùng một, bà con vẫn đi làm. Tới thăm nhà bà con dù đã vào làng Tây, lấy vợ đầm, nhưng vẫn có cành mai hoặc cành đào chậu quất, có nhà treo đôi câu đối đỏ. Chiều 30 Tết, mâm cỗ cúng gia tiên có những món dân tộc: thịt gà luộc rắc lá chanh, nem rán, giò lụa, thịt đông, 4 bát bóng, mực, măng, miến và bánh chưng, xôi vò.

Đêm giao thừa, trên bàn thờ nhà nào cũng khói hương nghi ngút. Cả nhà cúng vái tổ tiên, rồi sum họp mừng xuân bên chén rượu đào thưởng thức mấy thứ bánh dân tộc. Người đứng tuổi nhớ cha mẹ, anh em ở quê hương người còn người mất, nước mắt lại tuôn rơi.

Đất trời vào xuân, chùa Trúc Lâm thiền viện, chùa Pháp Hoa nổi trống, thỉnh chuông, gõ mõ để bà con đến lễ Phật, cầu phúc, cầu lộc, cầu duyên. Gặp nhau ở đây, lạ cũng thành quen.

Tấm lòng hướng đến cội nguồn

Hội trường Tương Tế phố S.Victor Paris 5, từ lâu là nơi hội tụ, gặp gỡ truyền thống hàng năm mỗi dịp xuân sang, suốt từ chập tối đến sáng. Quên đi những vất vả trong cuộc sống đời thường, tất cả dù là thành viên của Hội người Việt Nam hay mới đến với cộng đồng, dù ở giữa Paris hay Marseille, Lyon xa xôi, đều hòa nhập vào dòng người tới các phòng trưng bày tranh ảnh, biểu diễn “Võ Việt Nam”, bán tranh sơn mài, đồ gốm sứ, quần áo từ mọi miền đất nước, đồ ẩm thực Việt Nam.

Phần chủ yếu của đêm hội là chương trình văn nghệ. Sau điệu múa “Cánh chim mặt trời” là một chùm bài hát nhớ Bác Hồ, nhớ về Pắc Bó, về mua thu lịch sử, về Hà Nội quyết tử, về Nam bộ kháng chiến. Chương trình kết thúc bằng trích đoạn cải lương “Câu thơ yên ngựa” với sự tham gia của những giọng ca có hạng được mời từ nước nhà sang, có cả sự đóng góp của Hương Thanh, Thanh Xuân, những tài năng được khẳng định ở Pháp.

Bác sĩ Lộc giới thiệu tôi với một số nhà khoa học và nhà kinh doanh có tài ở kinh đô ánh sáng, nặng lòng với quê hương, đất nước. Đó là GS.BS Trần Văn Tú, chuyên gia nổi tiếng ở Pháp về phẫu thuật tim mạch, là Chủ tịch “Hội Các bác sĩ Pháp giúp đỡ Việt Nam”. 20 năm qua, ông đã nhiều lần về nước, hỗ trợ ngành y tế mỗi năm hàng chục tấn dược phẩm và dụng cụ y tế. Hội còn tài trợ học bổng cho bác sĩ Việt Nam sang học tập và làm việc tại Pháp, tổ chức các đoàn bác sĩ Pháp về chữa bệnh và chuyển giao kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp Việt Nam. Ngành y còn có nữ bác sĩ Phan Kỹ, Tổng Thư ký Hội Y học Việt Nam tại Pháp, tích cực vận động Việt kiều, bạn bè Pháp đóng góp thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế, tài liệu khoa học, cả tài chính, tổ chức các cuộc hội thảo… giúp phát triển ngành y trong nước. 

Tôi rất vui khi gặp GS.TS Trần Thanh Vân, nhà vật lý Việt Nam nổi tiếng, từng tổ chức nhiều hội nghị khoa học quôc tế mang tên “Gặp gỡ Vật lý” ở nhiều nước. Những năm gần đây, ông lại mấy lần tổ chức ở Hà Nội hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam” (Rencontres du VietNam) đồng thời dành 900 triệu đồng làm học bổng cho sinh viên đại học, học sinh trung học, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng. Người bay về nước nhiều hơn cả là ông Lê Quang, tốt nghiệp trường Cao đẳng Thương mại Pháp, Tổng Giám đốc Tập đoàn Asia Invest, chuyên tư vấn cho các công ty Pháp muốn đầu tư vào châu Á. Về quê hương từ năm 1991, ông Quang thành lập Làng du lịch Phan Thiết, rồi mở thêm nhiều làng du lịch tại Sapa, Hội An, Cần Thơ, Châu Đốc, Bến Tre. Hợp tác với Công ty EEM của Pháp, ông thành lập Tập đoàn Quản lý và tiếp thị khách sạn Victoria tại Việt Nam. Được Chính phủ Việt Nam khuyến khích, ông lập thêm chi nhánh tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, mở chuyến tàu du lịch Hà Nội-Lào Cai, mở các tuyến du lịch sang Campuchia bằng đường bộ, đường thủy. Ngoài việc đại diện cho nhiều công ty nước ngoài trong các lĩnh vực dầu khí, viễn thông, công nghệ tin học…, ông còn thành lập Làng trẻ mồ côi Picasso ở Thủ Đức, quyên góp và tài trợ các quỹ trẻ em ở Việt Nam.

Ăn Tết dân tộc giữa Paris hoa lệ với cộng đồng người mình, nghe tiếng nói thân thương, nhìn tà áo dài tha thướt, tôi thấy lòng mình xao xuyến.

Ngoài trời, tuyết vẫn bay. Trong này, hương trầm thơm ngan ngát, ấm cúng lạ thường.