Xăng tăng giá mạnh, bà nội trợ lo giá hàng hóa "té nước theo mưa"

ANTD.VN - Giá xăng tăng tổng cộng hơn 1.300 đồng/lít trong 1,5 tháng qua đã khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng giá hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ "té nước theo mưa".

Xăng tăng giá mạnh, bà nội trợ lo giá hàng hóa "té nước theo mưa" ảnh 1

Thực phẩm, rau xanh liệu có tăng theo giá xăng?

Lo hàng hóa "té nước theo mưa"

Là một nhân viên văn phòng tại công ty tư nhân với mức lương cố định là 8 triệu đồng/tháng, ngay sau tin giá xăng tăng lần thứ ba liên tiếp, chị Phạm Phương Hoa (Nguyễn Công Trứ- Hai Bà Trưng) không khỏi lo lắng.

"Thu nhập của hai vợ chồng tôi được 20 triệu đồng/tháng, 2 con đang tuổi ăn học nên chi phí rất tốn kém. Giá xăng tăng thế này, liệu giá thịt cá, rau xanh cũng tăng theo?"- chị Phương Hoa chia sẻ.

Theo bà nội trợ này, bên cạnh những mặt hàng thực phẩm phải tiêu dùng hàng ngày, các loại hóa mỹ phẩm dùng cho gia đình cũng tăng đáng kể.

Xà phòng, nước xả vải, dầu gội, nước rửa bát, giấy vệ sinh... mặc dù ít bị than thở nhưng trên thực tế giá lại tăng không ít, đặc biệt sau mỗi lần nhà sản xuất tung ra sản phẩm mới, tính năng mới. 

"Chẳng hạn, một lốc giấy vệ sinh dùng cho gia đình, trước mua loại khá tốt chỉ khoảng 45.000 đồng/lốc, nay giá phổ biến của các loại giấy này từ 65.000-80.000 đồng/lốc. Nếu mua loại rẻ hơn thì chất lượng giấy rất tệ, cuộn giấy cũng lỏng lẻo, không được bao nhiêu"- chị Phương Hoa nói.

Cùng chung nỗi lo lắng này, chị Trần Thùy Dương (Pháo Đài Láng- Đống Đa) cho hay: "Tôi vừa mới ra trường, công việc chưa ổn định, lương còn thấp. Tôi cùng bạn thuê nhà ở, giờ giá xăng tăng, chỉ sợ giá sinh hoạt sớm tăng theo, ra trường đi làm rồi vẫn không đủ chi tiêu".

Theo anh Lê Văn Hải (lái xe khách Hà Nội- Lạng Sơn), chắc chắn giá xăng đã tăng thì vé xe sẽ tăng. "Lúc trước tăng ít một thì nhà xe chịu. Giờ tăng liên tục trong gần 2 tháng thì buộc các nhà xe phải tăng giá vé thôi. Nhà xe không bù lỗ được. Nhưng tăng bao nhiêu thì chúng tôi còn tính toán. Giá theo thị trường, không làm khác được"- anh Lê Văn Hải nói. 

Một điểm đáng chú ý là giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và chi phí vận tải nói là theo thị trường, song thực tế lại chỉ có tăng hoặc giữ ổn định, chứ không giảm. Vì vậy, mỗi đợt tăng giá là một mặt bằng giá mới lại được thiết lập, người tiêu dùng không có lựa chọn khác.

Mua hàng giá tốt bằng cách nào?

Để đối phó với nguy cơ giá cả hàng hóa tăng, nhiều bà nội trợ truyền tai nhau thông tin khuyến mại để có cơ hội mua hàng giá tốt. Chị Phạm Phương Hoa cho hay: "Tôi đã có kinh nghiệm, không phải hàng khuyến mại nào cũng mua mà nên cân nhắc những món hàng cần thiết thực sự cho gia đình. Địa chỉ mua hàng khuyến mại phải uy tín, chẳng hạn như các siêu thị lớn: Big C, Fivimart, Vinmart...

Để biết chương trình khuyến mại thì rất dễ, mình đã tìm kiếm thì họ có thông tin, sau tự gửi cho mình. Hoặc đến mỗi dịp nào đó, họ thường tổ chức chương trình khuyến mại. Ví dụ, một số siêu thị vừa gửi thông tin khuyến mại nhiều mặt hàng hóa mỹ phẩm nhân dịp 20-10, mình tìm hiểu là có thể mua được mặt hàng có giá tốt, phù hợp nhu cầu".

Theo dự báo của một chuyên gia về thị trường, giá xăng dầu tăng mạnh chắc chắn tác động đến giá cả hàng hóa, do chi phí đầu vào tăng.

"Tuy nhiên, thời điểm này, thực phẩm, rau xanh... cũng chưa tăng giá vùn vụt ngay được do thời gian vừa rồi, giá các mặt hàng này đã đứng ở mức cao, giờ mới tạm ổn định, nguồn cung cũng dồi dào nên không thể tăng giá ngay, sẽ tác động đến cầu.

Về lâu dài, người tiêu dùng vẫn nên thích ứng với các biến động của thị trường, tìm cách chi tiêu hợp lý"- vị chuyên gia nói.