Xăng lại tăng giá, lý do chưa thuyết phục

ANTĐ - Do giá thành phẩm xăng dầu thế giới thời gian gần đây ở mức cao nên chiều 19-6, đến kỳ điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương quyết định tăng giá xăng thêm 275 đồng/lít. Đồng thời, giảm giá bán lẻ một số loại dầu theo diễn biến giá thế giới.

Không theo giá thế giới

Bộ Công Thương cho biết, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày kể từ ngày 4-6 đến hết 18-6 là 82,426 USD/thùng xăng RON 92; 74,970 USD/thùng dầu diesel 0.05S; 74,658 USD/thùng dầu hỏa; 364,664 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S. Do giá xăng dầu thành phẩm ở mức cao nên giá cơ sở kỳ điều hành này tăng so với kỳ điều hành trước.

Xăng lại tăng giá, lý do chưa thuyết phục  ảnh 1

Giá xăng tiến đến gần 21.000 đồng/lít

 Mức chênh là 1.322 đồng/lít xăng RON 92, 1.157 đồng/lít với xăng E5. Riêng dầu diesel 0.05S thấp hơn 287 đồng/lít; Dầu hỏa thấp hơn 275 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S thấp hơn 423 đồng/kg. Sau khi chi sử dụng quỹ bình ổn 1.047 đồng/lít xăng RON 92; 882 đồng/lít đối với xăng E5, Bộ Công Thương quyết định tăng giá thêm 275 đồng/lít xăng RON 92 và xăng E5; đồng thời giảm tương ứng giá một số loại dầu. Như vậy, từ 15h ngày 19-6, giá xăng RON 92 trong nước tăng lên mức 20.711 đồng/lít; xăng E5 lên mức 20.381 đồng/lít; dầu diesel 0,05S 16.077 đồng/lít; Dầu hỏa 15.099 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S 12.730 đồng/kg.

Đáng chú ý là ở lần điều hành này, giá bán lẻ xăng trong nước tăng trong khi giá xăng thành phẩm thế giới giảm. Cách đây 3 ngày, trao đổi với phóng viên các cơ quan báo chí, đại diện Bộ Công Thương cho hay: “Tính chung từ kỳ điều hành ngày 4-6 tới 17-6, giá xăng dầu thành phẩm thế giới ở xu thế giảm nhẹ”. Tuy nhiên, với mức giảm nhẹ như vậy thì giá cơ sở xăng dầu (hình thành bởi bình quân 15 ngày giá nhập khẩu, thuế, phí…) vẫn đang cao hơn giá bán lẻ của các doanh nghiệp, có nghĩa các doanh nghiệp vẫn lỗ và đang phải bù giá từ quỹ bình ổn. Phải chăng, vì phải “cõng” nhiều thuế, phí nên giá xăng trong nước diễn biến trái chiều với giá thế giới? 

Băn khoăn với người tiêu dùng

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Cách giải thích giá thế giới ở mức cao và giá cơ sở kỳ này chênh lệch với giá cơ sở kỳ trước rất quen thuộc, nhưng tạo ra sự băn khoăn đối với người tiêu dùng. Theo thị trường thì cứ giá thế giới lên mình lên, thế giới xuống mình xuống, phải căn cứ vào đó chứ sử dụng giá cơ sở là không hợp lý, bởi giá cơ sở còn gồm nhiều thuế, phí. Cách giải thích này đôi khi cũng khiến người tiêu dùng hiểu nhầm doanh nghiệp xăng dầu không chịu đưa giá theo thị trường”.  

Theo vị chuyên gia này, hiện nay, nguồn thu từ xăng dầu vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong thu ngân sách. Khi nợ công lớn, thu ngân sách đứng trước nhiều thách thức và cả trong những điều kiện thông thường, thu từ xăng dầu vẫn là dễ nhất. “Có thể tăng thu ngân sách qua xăng dầu, nhưng đây là giải pháp hành chính và cần được nói rõ ràng là tăng thu ngân sách, thay vì căn cứ vào giá cơ sở, trong khi giá thế giới có diễn biến ngược lại” - ông Nguyễn Minh Phong nói.

Cùng chung nhận định này, một chuyên gia kinh tế khác cho rằng, việc điều hành xăng dầu được căn cứ vào Nghị định 83, nhưng xăng dầu còn độc quyền. Cơ cấu giá xăng dầu cũng có quá nhiều loại thuế, phí, cần điều chỉnh lại cho hợp lý hơn. Dẫn chứng thêm, vị chuyên gia này phân tích: “Trong nền kinh tế thị trường, không có ngành nào có lợi nhuận định mức. Nhưng giá xăng hiện đang gánh 300 đồng/lít lợi nhuận định mức. Đây là điều bất hợp lý”.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, lợi nhuận định mức chỉ có trong những lĩnh vực độc quyền.

Còn trong kinh tế thị trường, doanh nghiệp chỉ hưởng lợi nhuận bình quân. Lợi nhuận này có được thông qua cạnh tranh, trung bình khoảng 10% tùy vào thời điểm và nền kinh tế. 

Liên quan đến quỹ bình ổn xăng dầu, các chuyên gia kinh tế cho rằng nên để giá xăng dầu tự vận động theo thị trường, theo giá thế giới, bởi quỹ bình ổn “làm nhiễu” điều hành giá, gây ra sự khó hiểu với người tiêu dùng. “Vẫn là tiền của dân trích vào nên không cần thiết phải có quỹ bình ổn. Để quỹ này càng nguy hiểm khi doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích” - một chuyên gia kinh tế nói.