Xăng dầu xuống sâu, vận tải giảm nhỏ giọt

ANTĐ - Xăng dầu đã 9 lần giảm giá từ đầu năm tới nay, song cước vận tải gần như vẫn án binh bất động. Vì đâu cước vận tải lại có độ trễ quá lớn so với sự biến động của giá xăng dầu, phải chăng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này  đang bị bỏ ngỏ?

Xăng dầu xuống sâu, vận tải giảm nhỏ giọt ảnh 1Một số hãng taxi đã rục rịch giảm cước nhưng mức giảm không đáng kể

Cước vận tải đường bộ do doanh nghiệp quyết

Thông tin từ Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay, từ đầu năm 2014 đến nay, giá xăng dầu đã 9 lần giảm, trong đó giá xăng đã giảm 12,1%, giá dầu giảm giảm 16% so với tháng 1-2014, nhưng giá cước vận tải gần như vẫn đứng yên. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay, mặc dù mức giá vận tải của Việt Nam không cao, ở mức 0,148 USD/tấn/km, tại Hàn Quốc là 0,766 USD/tấn/km nhưng cước vận tải tính trên đầu người của Hàn Quốc chỉ ở mức 0,4% còn Việt Nam là 1,2%. Chi phí vận tải Việt Nam chiếm 11,8% GDP, trong khi Mỹ dưới 4,5%,  Singapore khoảng 4,8%... 

Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), bà Phan Thị Thu Hiền cho biết, hiện nay, giá cước vận tải đường bộ  do các doanh nghiệp tự ấn định  theo cơ chế thị trường. Bộ Tài chính chỉ ban hành khung giá và mức trần để các hãng tự kê khai. Có lẽ, cũng bởi vậy, “nóng” nhất vẫn luôn là cước vận tải đường bộ. Bởi, mỗi lần giá xăng dầu điều chỉnh tăng thì vận tải đường bộ là lĩnh vực đầu tiên tăng giá theo. Tuy nhiên, đến nay, đã 9 lần giảm giá xăng dầu mà cước vận tải vẫn không có động thái gì.

Vì sao tăng nhanh giảm chậm?

Trước sức ép của các bộ, ngành và dư luận, những ngày vừa qua, một số doanh nghiệp vận tải đã rục rịch công bố giảm giá cước, như taxi Thành Công (Hà Nội) đã giảm 500 đồng/km, taxi Thanh Nga giảm 700 đồng/km, Group taxi giảm 300 đồng/km… Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM cho hay, một số doanh nghiệp vận tải đã giảm giá cước từ 5-10%. Song, mức giảm này được cho là không tương xứng với mức giảm giá của xăng dầu hiện nay.

Lý giải về độ trễ giảm giá cước vận tải so với biến động xăng dầu, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ, nhiều doanh nghiệp lo ngại sự tăng giá trở lại của xăng dầu hoặc còn “nhìn nhau” nên chưa đưa ra quyết định giảm giá. Hơn nữa, mỗi lần giảm giá thì doanh nghiệp lại phải kê khai giá cước, in ấn lại vé, đối với taxi thì phải dừng hoạt động để chỉnh sửa lại đồng hồ... Theo tính toán, tổng chi phí cho một lần thay đổi giá cước hết khoảng 180.000-200.000 đồng/xe nên việc điều chỉnh không thể thực hiện ngay được. “Không ít doanh nghiệp đã bày tỏ lo ngại, nhỡ hôm nay giảm cước vận tải, vài hôm nữa giá xăng dầu lại tăng thì làm thế nào. Giá xăng dầu không ổn định nên vận tải cũng khó chạy theo được”, ông Thanh cho hay.

Tuy vậy, với đà giảm sâu từ đầu tháng 11 vừa qua của xăng dầu, ông Thanh cũng cho rằng, các doanh nghiệp vận tải cần tính toán lại giá thành và thực hiện giảm giá cước. “Tôi khẳng định, không có sự bắt tay giữa Hiệp hội và các doanh nghiệp vận tải để kìm giá cước. Tôi kêu gọi người dân và các chủ hàng tẩy chay những doanh nghiệp vận tải không giảm giá” - ông Thanh nói.

Hiện các doanh nghiệp được trao toàn quyền chủ động về giá cước vận tải đường bộ, muốn tăng hay giảm giá, doanh nghiệp chỉ việc kê khai với các sở, ngành. Chính do sự quản lý, giám sát của các cơ quan Nhà nước còn thiếu chặt chẽ, thiếu chế tài để xử lý nên các doanh nghiệp rất chậm hoặc cố tình không giảm giá theo cơ chế thị trường.