Xăng dầu tăng kỷ lục: Doanh nghiệp vận tải điên đầu

ANTĐ - Quyết định điều chỉnh giá xăng dầu của liên Bộ Tài chính - Công Thương vào tối 28-3 thực sự là một cú sốc cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất nói chung, vận tải nói riêng và hàng chục triệu người tiêu dùng. Lý do tăng giá cũng được mổ xẻ, thiếu thuyết phục, đẩy DN vào khó khăn trăm bề.

Cước vận tải khó mà không tăng khi xăng dầu đột ngột tăng giá

Người dân gánh hết

Giá bán lẻ xăng RON 92 hiện đã tăng lên tới mức 24.580 đồng/lít, mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Quyết định tăng giá này đã và đang gặp phải sự phản ứng khá dữ dội từ dư luận, cũng bởi những lý do tăng giá  thiếu thuyết phục của liên Bộ.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội tỏ ra bức xúc với quyết định điều chỉnh giá xăng dầu đột ngột vào ngày vừa qua. “Liên Bộ Công Thương và Tài chính cần xem xét lại quyết định tăng giá xăng dầu. Dưới góc độ người dân cũng như các DN vận tải cảm thấy có điều bất minh”. Ông Liên phân tích, hàng loạt các phương tiện thông tin đại chúng trong nước nhiều ngày nay nói về giá xăng dầu thế giới hạ. Người dân, DN vận tải đang hy vọng vào một đợt giảm giá thì lại nhận được “cú sốc” tăng vào đêm 28-3. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới hàng chục triệu người dân, bởi vậy, cơ quan Nhà nước cần giải trình minh bạch.

Thêm vào đó, giải thích của liên Bộ cho rằng, do Quỹ bình ổn xăng dầu đã cạn kiệt, nhưng đó chỉ là tuyên bố của liên Bộ mà không có sự kiểm định của bất kỳ cơ quan độc lập nào. Quỹ này cũng đã nhiều lần gây mất lòng tin của người dân ở tính thiếu minh bạch. Còn, giải thích do giá xăng dầu của nước ta thấp hơn giá xăng dầu của một số nước trong khu vực, tăng để tránh tình trạng buôn lậu lại càng bất hợp lý. “Chúng ta đã có một bộ máy đồ sộ để chống buôn lậu, họ ăn lương Nhà nước, tại sao lại tăng giá để chống buôn lậu, đổ lên đầu người tiêu dùng. Tại sao lại bắt người dân gánh chịu sự bất lực của cơ quan chức năng?” - ông Liên đặt câu hỏi. 

Đồng tình với những nhận định trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô vận tải Việt Nam cho rằng, qua theo dõi, giá xăng 30 ngày qua trên thị trường Singapore có xu hướng giảm liên tục, giá trong nước lại tăng đột ngột. “Mặc dù liên Bộ đã có giải thích, nhưng tôi thấy không rõ ràng. Đặc biệt lý do tăng để chống buôn lậu qua biên giới rất hài hước”. 

Vận tải lao đao

Khi giá xăng tăng thì bắt buộc các ngành sản xuất phải điều chỉnh để cân đối đầu vào- đầu ra. Bên cạnh những mặt hàng tăng có lý do chính đáng, thì còn vô số những mặt hàng lợi dụng “té nước theo mưa”, rất dễ khiến lạm phát trở lại. Ông Hùng nhận định: “Các doanh nghiệp sản xuất chắc chắn sẽ thêm phần khó khăn và người tiêu dùng cũng vậy. Thời điểm lựa chọn tăng giá xăng dầu như vậy là không thích hợp”.

 

Vận tải là ngành chịu tác động mạnh nhất trong việc giá xăng dầu điều chỉnh tăng, trong đó, vận tải taxi chạy bằng xăng bị ảnh hưởng lớn. Việc tăng giá xăng lần này theo phân tích của ông Hùng sẽ khiến chi phí vận tải taxi tăng từ 3-4%, buộc các DN cũng phải tính toán điều chỉnh giá cước từ 5-6%. Còn vận tải hành khách đang trong tình trạng xe thừa, khách thiếu, ở vào thế muốn tăng cũng khó mà không tăng cũng khổ. “Ngành vận tải đã khó nay lại càng khó thêm”. 

Ông Liên cho biết thêm: “Do mấy năm khó khăn liên tiếp, ngay cả khi xăng dầu chưa điều chỉnh giá thì một số DN vận tải đã khủng hoảng, rao bán xe để trả nợ vay”. Hơn nữa, dù xăng dầu chiếm đến 35-40% chi phí đầu vào của DN vận tải, nhưng không phải cứ xăng dầu tăng giá là DN có thể điều chỉnh ngay giá cước. DN muốn tăng giá cũng phải căn cứ vào thị trường, phải trải qua các thủ tục như đăng ký với các Sở Tài chính, GTVT, Hiệp hội Vận tải.

Chủ tịch HĐQT hãng taxi Thành Công Nguyễn Anh Quân, cho biết, DN rất bất ngờ với thông tin tăng giá xăng dầu của liên Bộ. “Giá xăng dầu điều chỉnh với mức độ cao, lập kỷ lục về giá xăng từ trước đến nay. Trong khi trước đó, không có dấu hiệu gì cho thấy giá xăng dầu trong nước sẽ tăng”. Trước thông tin “đột ngột” này, ngay sáng 29-3, toàn thể công ty đã phải triệu tập một cuộc họp bất thường để bàn phương án đối phó. “DN rất cân nhắc, thứ nhất, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nền kinh tế, người tiêu dùng eo hẹp. Thứ hai, đây cũng là giai đoạn thấp điểm, thêm nữa, DN sẽ trích quỹ để bù vào phần chi phí do giá xăng tăng. Bởi vậy, sẽ chưa quyết định tăng giá trong thời điểm hiện nay”. Tuy vậy, ông Quân cũng nhìn nhận, giá xăng tăng với mức cao gây ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào của bất kỳ doanh nghiệp nào. “DN tôi có khoảng 600 đầu xe taxi, vậy mức ảnh hưởng sẽ là khá lớn, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay”.

Theo ông Quân, trước mắt, DN sẽ hỗ trợ người lao động từ quỹ dự phòng của công ty. Nhưng, nếu giá xăng dầu vẫn đứng ở mức cao như hiện nay thì DN cũng chỉ gắng gượng tối đa được 60 ngày, khi đó sẽ bắt buộc phải tính phương án điều chỉnh giá cước.