Xăng dầu giảm giá, cước vận tải tăng

ANTĐ - Xăng dầu đã hai lần giảm giá liên tiếp, song trái ngược, giá cước vận tải lại đồng loạt tăng trên nhiều tuyến đường. Cá biệt, có tuyến đường tăng đến 50%. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giá cước vận tải lại tăng trái quy luật thị trường khiến người dân thêm khó khăn.

Xăng dầu giảm giá, cước vận tải tăng  ảnh 1
Xăng dầu giảm giá nhưng vận tải vẫn đua nhau tăng cước

Mức tăng tối đa đến 50%

Ông Lý Trường Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư, Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết, đến chiều 23-4 đã có 18 đơn vị vận tải thông báo tăng giá, trên 37 tuyến xe khách liên tỉnh trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tới. Đặc biệt, có tuyến đường tăng cao nhất lên tới 50% trong dịp này. Theo ông Sơn, các đơn vị vận tải tăng giá vé chủ yếu tập trung ở các tuyến có cự ly ngắn và xen kẽ một số nhà xe có hành trình đi các tỉnh Nghệ An, Lai Châu, Hà Giang.

Trong số các doanh nghiệp (DN) vận tải thông báo tăng giá cước, thì chiếm phần lớn là DN hoạt động tại bến xe Mỹ Đình với 12 đơn vị, hoạt động trên 33 tuyến. Mức tăng cao nhất cũng thuộc về các DN ở đây, phổ biến từ  7 – 50%. Cụ thể, tuyến xe Mỹ Đình về Sơn La của Công ty Vận tải Hưng Thành có mức tăng từ 180.000 - 220.000 đồng (tăng 22%); Công ty Vận tải ô tô Ninh Bình chạy hành trình Mỹ Đình về Kim Sơn đã điều chỉnh vé từ 75.000 - 90.000 đồng (tăng 20%). Cá biệt, một doanh nghiệp đã chính thức “áp” mức tăng giá vé dịp 30-4 lên 50%. Cụ thể, từ bến xe Mỹ Đình về Trực Ninh (Nam Định) của Công ty Vận tải Nam Trực trước kia có giá 40.000 đồng thì hiện tại tăng thành 60.000 đồng.

Lý giải cho việc tăng giá vé trong đợt này, đa số các đơn vị vận tải cho rằng, giá xăng dầu giảm qua 2 lần cũng chỉ gần 1.000 đồng và chưa bằng mức tăng 1.400 đồng/lít vào ngày 28-3. Hơn nữa, các đợt tăng giá xăng vừa qua, các nhà xe chưa điều chỉnh giá vé. Vì vậy, để không phải bù lỗ, các DN vận tải buộc phải tăng giá vé.

Quá sức chịu lỗ?

Trước việc hàng loạt DN vận tải ồ ạt tăng cước vào dịp nghỉ lễ sắp tới, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đánh giá, mặc dù DN tăng giá vào các kỳ nghỉ lễ là không “hay”, nhưng họ cũng không còn chịu được nữa: “Suốt một thời gian dài giá xăng dầu tăng nhưng DN vận tải do ít khách nên không tăng giá vé, chịu thua lỗ. Nay tăng giá vé để bù lỗ thời gian vừa qua”.

Còn ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó giám đốc bến xe Mỹ Đình cho hay, việc tăng giá vé thêm 50%, lên mức 60.000 đồng/lượt tại tuyến Hà Nội - Trực Ninh là bình thường. Vì, so về cự ly các tuyến từ Hà Nội đi Nghĩa Hưng hay Nam Trực là tương đương cả về giá và quãng đường. Lý do DN tăng đến 50% vì nhiều lần trước đây, dù xăng dầu tăng giá nhưng DN không tăng cước trên tuyến đường này, nay tăng một thể. Mức tăng cao, nhưng giá vé lại không cao so với các đơn vị khác. “Qua khảo sát, việc tăng 50%  giá vé tuyến Hà Nội - Trực Ninh trong đợt này là không có gì bất thường, hoàn toàn hợp lý”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, để góp phần bình ổn giá cước vận tải, bến xe Mỹ Đình đã khuyến cáo các DN vận tải tạm ngừng điều chỉnh giá vé. Theo đó, hết ngày 20-4, bến xe đã không chấp nhận thêm trường hợp nào thông báo tăng cước. Lý giải về việc nhiều đơn vị tăng giá vé trong khi giá xăng dầu đã hai lần giảm liên tiếp, ông Tuấn cho rằng, giá cước vận tải không thể điều chỉnh lên xuống chóng mặt như giá xăng dầu. DN vận tải muốn tăng giá cước thì thủ tục cũng mất khá nhiều thời gian và ngược lại, khi muốn giảm giá cũng vậy, bao giờ cũng có độ trễ so với thị trường xăng dầu. Tuy nhiên, cũng theo ông Tuấn, sau đợt tăng giá này, có thể giá cước vận tải sẽ giảm vì hết kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 là thời điểm vắng khách đi lại, các DN sẽ phải cân nhắc. 

Dù sau mỗi lần tăng, giảm giá xăng dầu, ngành Tài chính đều có yêu cầu các đơn vị, sở, ngành phải bình ổn giá, không để hiện tượng tăng giá bất thường, song, cho đến nay chưa có đơn vị nào bị xử phạt vì tăng giá bất thường. Chỉ đạo kiểm soát, bình ổn giá cả của ngành Tài chính dường như chưa đi vào cuộc sống khi mỗi kỳ nghỉ lễ, tết, người dân lại phải è lưng gánh chịu sự tăng giá vô lý, trong đó có cước vận tải.