Xăng dần “nóng” lên

ANTĐ - Sau gần 2 tháng kiểm tra 4 đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính vừa công bố kết quả cho thấy, “tứ trụ” này lỗ hàng nghìn tỷ đồng do họ chi vượt định mức, mà phần lớn là vì chi hoa hồng cho đại lý. Điều kỳ cục là, các doanh nghiệp này đều kêu “lỗ to, lỗ lớn”, nhưng thực chất thì trên lỗ mà dưới vẫn lãi, cũng là một “chiêu” chuyển giá như “kinh nghiệm” của một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thường sử dụng ở Việt Nam.

Chuyện kinh doanh, làm ăn lỗ lãi là hết sức bình thường, nhất là mặt hàng luôn dao động bất thường và khó lường như xăng dầu. Tuy nhiên, lỗ thật hay lỗ giả lâu nay vẫn rất “tù mù”. Dư luận xã hội, nhất là người dân không thể nào hiểu được nội tình của các “đại gia” xăng dầu kinh doanh ra sao, mà bản thân các cơ quan quản lý giá cả cũng khó biết ngọn ngành, đặc biệt là có cả một bức tường kiên cố của bộ chủ quản dựng lên. Rất may là cách đây hơn 2 tháng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chính thức “tuyên chiến” với các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối xăng dầu về chuyện lỗ - lãi.

Ngay trên diễn đàn Quốc hội, ông Bộ trưởng cũng khẳng định “nói có sách, mách có chứng” về chuyện lình xình này. Miệng nói, tay làm và làm mạnh, đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính đã lục lại “hồ sơ”, sổ sách, chứng từ của 4 đầu mối kinh doanh xăng dầu từ đầu năm đến tháng 8 vừa qua, chứng tỏ các “ông lớn” này đều có lãi, chứ không “lỗ to” như Petrolimex và Bộ Công Thương từng lớn tiếng kêu. Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, trưởng đoàn kiểm tra Petrolimex và PVOil, cho biết: “Việc trả thù lao cho đại lý của công ty mẹ Petrolimex rất bất thường, không nhất quán. Các doanh nghiệp đầu mối đều trích vượt định mức, gây lỗ lớn”.

Một Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định, một trong những nguyên nhân gây lỗ do cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp đầu mối, khi đẩy thù lao cho đại lý lên cao để giành giật thị phần. Kết quả báo cáo có những thời điểm doanh nghiệp đầu mối chi hoa hồng 100 đồng/lít cho đại lý, nhưng có thời điểm lên gần 1.000 đồng/lít. Bà Thứ trưởng đặt câu hỏi: “Tại sao chi vượt cao như vậy trong khi người tiêu dùng phải chia sẻ mức tăng giá, Chính phủ phải kiềm chế giá để chống lạm phát”. Đây không phải là một cuộc thanh tra mà là kiểm tra để làm rõ việc kinh doanh xăng dầu xem có gì bất cập, công tác quản trị doanh nghiệp ra sao để kịp thời điều chỉnh, uốn nắn cho hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chuyện hư thực lỗ lãi trong kinh doanh xăng dầu có lẽ vẫn chưa ngã ngũ. Dư luận mong đợi vào việc “phẫu thuật” xem cái gốc của sự lỗ là do doanh nghiệp hay do cơ chế.

Nói như Thứ trưởng Bộ Tài chính, thị trường xăng dầu đang do một nhóm doanh nghiệp “thống lĩnh” thị trường chi phối, nếu không khống chế sẽ có những cạnh tranh không bình đẳng. Thật khó có thể giữ niềm tin về sự trung thực của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu với nhiều “chiêu” tăng lỗ, giảm lãi. Hy vọng, sau cuộc “mổ xẻ” này, không chỉ “cái kim” trong “bọc” xăng dầu mà trong ngành điện cũng như một số ngành khác sẽ lộ ra.