Hàng Trung Quốc - những ẩn họa khó lường

(ANTĐ) - Những vách núi đá cheo leo dựng đứng, bên này là Việt Nam, bên kia là Trung Quốc, nhiều người đi đã thành lối mòn. Cỏ cây trơ trụi bởi những bao tải hàng lậu đủ loại thả từ đỉnh núi xuống nơi tập kết. Từng đội quân “cửu vạn” bằng xe Minxk lao đi với tốc độ kinh hồn, xẻ rừng cắt núi, xé lẻ hàng đưa sâu vào nội địa...

Hàng Trung Quốc - những ẩn họa khó lường

Bài 1: Thâm nhập qua biên giới

(ANTĐ) - Những vách núi đá cheo leo dựng đứng, bên này là Việt Nam, bên kia là Trung Quốc, nhiều người đi đã thành lối mòn. Cỏ cây trơ trụi bởi những bao tải hàng lậu đủ loại thả từ đỉnh núi xuống nơi tập kết. Từng đội quân “cửu vạn” bằng xe Minxk lao đi với tốc độ kinh hồn, xẻ rừng cắt núi, xé lẻ hàng đưa sâu vào nội địa...

Chào bán loại thuốc khớp có...2 hướng dẫn sử dụng!
Chào bán loại thuốc khớp có...2 hướng dẫn sử dụng!

Tại Lạng Sơn, có hàng trăm lối mòn, hàng nghìn điểm tập kết, hàng vạn xe Minxk như thế, để hàng ngày, hàng giờ đưa không biết bao nhiêu tấn hàng lậu, trong đó không ít loại độc hại và nguy hiểm từ bên kia biên giới thâm nhập vào Việt Nam.

Hàng nào cũng làm nhái!

Từ khi cửa khẩu Tân Thanh hình thành khu kinh tế mở, một khu chợ mới mang tên Hữu Nghị thuộc Trung tâm thương mại Sài Gòn – Tân Thanh đã ra đời, với diện tích áng chừng nhỉnh hơn đôi chút so với chợ Đồng Xuân.

 Khu chợ cũ được nâng cấp lại và mang một cái tên mới khá kêu: Trung tâm thương mại Hồng Công. Sát bên kia cửa khẩu, một khu trung tâm thương mại khổng lồ của Trung Quốc cao gần hai chục tầng cũng đang được gấp rút hoàn thiện, như để khẳng định thế thượng phong trong hoạt động xuất nhập khẩu vốn đã rất mất cân đối cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch ở thị trường biên giới này.

“Ở đây chỉ có đồ Tàu” – Chủ một sạp hàng đồ điện tử khẳng định như đinh đóng cột “để khách hàng yên tâm”, khi chúng tôi ngắm nghía những chiếc tivi, đầu VCD, DVD mang đủ các nhãn hiệu nổi tiếng như Sony, Samsung, Phillips... “Các anh thích cái nào thì chọn, mua xong muốn mác gì thì gắn mác đó”. Bà chủ “dễ dãi” ném lên bàn một bó nhãn hàng điện tử.

“Chiều” theo thị hiếu của khách hàng, các thương lái Trung Quốc từ lâu đã bỏ ngỏ phần nhãn hàng hóa của nhiều loại sản phẩm, để khách tùy ý dán nhãn. Những chiếc máy khoan tay được đóng thành từng kiện lớn không hề có nhãn hiệu. Vào đến Việt Nam, chúng nghiễm nhiên trở thành những sản phẩm của Bosch. Nếu khách hàng yêu cầu, những người bán hàng sẽ biến những chiếc loa hiệu Koda của Trung Quốc trở thành hàng xịn Bose chỉ trong vài phút.

Đối với một số loại hàng tiêu dùng khác, các nhà sản xuất Trung Quốc thản nhiên gắn sẵn các nhãn hiệu vốn được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng như xà phòng, kem đánh răng Unilever, mỹ phẩm Shiseido. Nếu là mì chính, sẽ là Ajinomoto. Nếu là áo sơ mi, sẽ gắn mác May 10, một thương hiệu của Việt Nam! Thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn còn thu giữ được những lô hàng linh kiện xe máy là hàng nhái; thậm chí là cả những chiếc máy tổng thành mang nhãn hiệu Honda cũng được làm giả để đưa vào thị trường Việt Nam.

Thuốc chữa bệnh: Đông Tây y thứ gì cũng có

Bên cạnh những can xì dầu Trung Quốc không nhãn mác là các loại thuốc chữa bệnh... có nhãn mác rất đẹp! ở cái chợ biên giới này, thuốc tây y, đông y, bắc y gì gì đi nữa thì cũng chỉ được coi như một loại hàng hóa thông thường.

Người bán hàng có thể vừa quảng cáo rằng loại xì dầu Trung Quốc đóng chai ngon hơn đóng can ra sao cho người này xong đã có thể thao thao bất tuyệt về những công dụng đáng kinh ngạc của một loại thuốc chữa bệnh khớp hay ngứa ghẻ cho người khác.

“Năm mươi nghìn một lọ, cứ về đọc hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt trong đó, uống vài lọ khỏi ngay”. Chúng tôi mặc cả và mua lọ thuốc chữa bệnh khớp được quảng cáo là đầy công hiệu với giá 20.000 đồng.

 Quả là trong lọ thuốc toàn tiếng Trung Quốc này có thêm tờ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. “Ngự dụng tứ đằng tố” – loại thuốc tễ được ghi xuất xứ là Công ty TNHH dược nghiệp Nam Phong – Đài Châu, thành phần từ 20 thứ thuốc bắc, chủ trị phong thấp, thần kinh tọa, tê toàn thân, tay chân không có sức và các chứng đau bởi phong hàn, nhất là đau xương khớp.

Phần cách dùng được ghi rất đơn giản: “Bệnh nhẹ mỗi lần 3 viên, nặng mỗi lần 6 viên, mỗi ngày 2 lần”. Thú vị hơn là trong lọ thuốc này, chúng tôi còn tìm thấy một tờ hướng dẫn sử dụng... khác cũng bằng tiếng Việt của loại thuốc có tên Thông huyết hoàn, trị các chứng gan thận yếu, đầu gối co quắp, đau gân, nhức xương.

Chìa cho bà chủ 2 tờ hướng dẫn sử dụng trong một lọ thuốc, bà chủ ngơ ngác rồi cười hề hề: “Có lẽ tôi cho vào... thừa!”. Như để chuộc lỗi, bà chủ giới thiệu thêm hàng loạt thứ thuốc khác như thuốc trị nấm, thuốc chữa dạ dày, dầu tứ quý, dầu gấu... “Các chú mua thêm đi, tôi không tính lãi”.

Đại lý "đồ dùng tình dục" chào hàng

“Anh thích mua “đồ chơi”, thuốc uống, thuốc bôi, thuốc câu con gái...  thứ gì cũng có”. Ba thanh niên, một nam hai nữ xán đến chúng tôi chào hàng. “Bọn em là đại lý cho bên Trung Quốc” – Vừa nói, cậu thanh niên vừa chìa cho chúng tôi xem tấm card được ép plastic cẩn thận, giới thiệu cái gọi là “đại lý đồ dùng tình dục”, bán buôn bán lẻ, có trụ sở tại số 43 nhà B Pò Chài, thị xã Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, với đầy đủ số điện thoại, email, và tên một người đàn ông nếu cần liên hệ là ông Tô.

Cô gái móc từ cạp quần ra đưa cho chúng tôi một hộp thuốc bằng sắt in hình một cô gái lõa lồ với vỉ thuốc chứa những viên nhỏ màu xanh: “15.000 đồng một viên, nếu lấy nhiều thì 10.000 đồng một viên. Đồ chơi thì 400.000 đồng một cái”. Trong lúc đó, anh con trai cũng liến thoắng về loại thuốc được gọi là “câu con gái”: “Chỉ cần 1 viên, pha vào cốc nước, không có màu, không mùi vị. Con gái uống vào, chỉ 10 phút sau là...” Cậu ta bỏ lửng câu nói kèm theo cái nháy mắt lọc lõi.

Minh Hoàng

Kỳ sau: Tràn về các đô thị lớn

Ông Bùi Gia Tuấn- Phó Giám đốc sở Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn

Hàng Trung Quốc chủ yếu chỉ đi qua Lạng Sơn để vào sâu nội địa

- PV: Thưa ông, là cơ quan quản lý nhà nước, Sở có nắm được tình trạng hàng nhái, hàng lậu từ Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam?

- Ông Bùi Gia Tuấn: Cơ quan trực tiếp kiểm soát các loại hàng hóa nhập khẩu là hải quan. Sở TM&DL với chức năng quản lý Nhà nước thường xuyên phối hợp, ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên, hàng hóa nhập lậu vào Lạng Sơn qua rất nhiều con đường, phần lớn trong số đó đều không qua nhập khẩu chính ngạch hay tiểu ngạch mà được vận chuyển lậu bằng các đường mòn qua biên giới.

- PV: Thưa ông, vậy còn hoạt động của cơ quan quản lý thị trường, trực thuộc Sở TM&DL?

- Ông Bùi Gia Tuấn: Chi cục QLTT cũng tích cực kiểm tra và phát hiện hàng lậu, tất cả các loại hàng hóa vi phạm Quy chế nhãn mác đều bị tịch thu và tiêu hủy. Có rất nhiều loại hàng nhái do Trung Quốc sản xuất đã bị tịch thu và tiêu hủy như mỹ phẩm nhái hãng Unilever, Shiseido, mũ bảo hiểm, phụ tùng xe máy nhái Honda, mì chính nhái Ajinomoto... Trên thực tế, để xác định hàng nhái cũng không đơn giản, vì có rất nhiều loại hàng nhái, hàng giả làm giống y như hàng thật. Trong nhiều trường hợp chúng tôi phải cử chuyên gia giám định kỹ lưỡng mới xác định được hàng nhái, hàng giả. Cũng phải nói thêm rằng, công tác chống hàng giả, gian lận thương mại ở một địa bàn biên giới phức tạp như thế này là không dễ dàng. Thậm chí trong nhiều trường hợp, nếu không có được sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng bộ đội biên phòng, công an... thì cơ quan QLTT cũng rất khó thực hiện được nhiệm vụ.

- PV: Ông có thể ước lượng tỷ lệ các loại hàng Trung Quốc được nhập qua đường biên giới Lạng Sơn tiêu thụ trực tiếp trong địa bàn tỉnh?

- Ông Bùi Gia Tuấn: Tôi thấy rằng, những người dân ở Lạng Sơn có thu nhập khá một chút bây giờ cũng rất ít dùng đồ Trung Quốc, điều này cũng giống như những người dân ở các đô thị lớn trong cả nước. Hàng Trung Quốc phần lớn chỉ đi qua địa bàn Lạng Sơn để vào sâu trong nội địa, sau đó được tiêu thụ chủ yếu tại các vùng nông thôn, đời sống còn khó khăn và thông tin vẫn còn hạn chế.

Phương Anh (Thực hiện)