Xách hàng chục cân vàng như mớ rau

ANTĐ - Cách đây không lâu, đội Chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm- Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CATP Hà Nội lập và phá chuyên án buôn lậu 10 kg vàng từ nước ngoài về Nghệ An rồi mang ra Hà Nội tìm cách tiêu thụ. Số vàng 9999 ấy được định giá khoảng 270 tỷ đồng, và nếu trót lọt, đầu nậu vàng ăn lãi nhẹ nhàng 300 triệu đồng. Thế nhưng so với mấy vụ vận chuyển vàng bị phát hiện hồi cuối tháng 2 vừa qua, tại sân bay Nội Bài, thì 10 kg vàng ấy chưa thấm vào đâu.
Xách hàng chục cân vàng như mớ rau  ảnh 1

Tiền tỷ đi máy bay… hụt

Đầu tiên là vụ Vũ Văn Duy, 20 tuổi, nhà ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội; 21h30 ngày 24- 2, theo kế hoạch, Duy sẽ bay chuyến Hà Nội- TP Hồ Chí Minh. Vé đặt mua rồi, hành lý sẵn sàng, nhưng khi đang làm thủ tục bay thì Duy bị “ách” lại. Bộ phận kiểm soát của sân bay- qua máy soi- phát hiện trong hành lý của Duy có chứa nhiều miếng kim loại và tiền nước ngoài, có biểu hiện nghi vấn. Thông tin được báo đến đồn Công an sân bay Nội Bài. Trước sự chứng kiến của lực lượng chức năng, túi hành lý của Duy được mở ra, bên trong có 24,2 kg vàng cùng số lượng khá lớn ngoại tệ trị giá hàng trăm triệu VND. Không xuất trình đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, Duy khai cầm hộ vàng vào TP. Hồ Chí Minh cho một người họ hàng.

Chiều hôm sau, tình huống tương tự bị phát hiện tại bộ phận kiểm soát của sân bay Nội Bài. Đương sự trong vụ việc này là Đặng Nam Trung, 40 tuổi, trú ở quận Long Biên. Trung xách theo 32,1 kg vàng cùng 300.000 Đài tệ, không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc. “Tôi mang vàng vào TP Hồ Chí Minh để đầu tư bất động sản, và đi du lịch”, Trung tường trình tại cơ quan chức năng. Vụ vận chuyển số lượng vàng lên đến hàng trăm tỷ đồng thứ ba bị phát hiện 14h ngày 28- 2, với số lượng lên đến 40 kg. Máy soi của sân bay Nội Bài phát hiện trong hành lý của hành khách Chu Thế Cường (32 tuổi, nhà ở huyện Từ Liêm), số vàng trên, và Cường tường trình được ông chủ là chủ một cửa hàng vàng lớn ở Hà Nội cử mang vào TP Hồ Chí Minh, đến một công ty cũng chuyên doanh vàng để gia công. Nâng tổng trọng lượng số vàng bị phát hiện lên con số gần 1,5 tạ chỉ trong tuần cuối cùng của tháng 2 vừa qua, là vụ vận chuyển 48,2 kg vàng của nhân viên một công ty vàng bạc lớn tại TP Hồ Chí Minh, chi nhánh Hà Nội. Đương sự trong vụ việc này tường trình được phân công mang vàng vào công ty “mẹ ở” TP Hồ Chí Minh để gia công. Tuy nhiên, số vàng ấy lại chưa trọn vẹn về giấy tờ.

Khó “xử” như… vàng

Ngoài 5 vụ vận chuyển vàng, trong đó một vụ rõ dấu hiệu nhập lậu như đã nêu trên, hiện nay, cơ quan chức năng của Hà Nội cũng đang thụ lý vụ vận chuyển hơn 10 kg vàng từ Lào Cai về Hà Nội. Điều này cho thấy, ngoài những giao dịch phổ biến ở các cửa hàng kinh doanh vàng bạc, một lượng vàng cực lớn đã và đang hàng ngày dịch chuyển giữa các tỉnh thành trong cả nước, với phương thức vận chuyển được đơn giản hóa đến mức... đáng lo ngại. Trên những chuyến xe khách, tàu hỏa, thậm chí cả máy bay, việc hàng chục kilôgram vàng được xách đi xách lại là hết sức bình thường. Ngoại trừ việc lên máy bay, người mang vàng phải làm thủ tục khai báo và xuất trình đủ giấy tờ hợp lệ, các phương tiện còn lại, người ta mang theo thứ kim loại quý này, có lẽ, chả khác… mớ rau.

Tâm lý chủ quan đang hiện hữu ở những người sở hữu hàng trăm tỷ đồng ấy. Xe khách, tàu hỏa, rồi hành trình vận chuyển vàng trước và sau khi lên, xuống máy bay… luôn tiềm ẩn nguy cơ bị cướp, bị trộm đối với người vận chuyển. Việc chưa bị cướp, vẫn “an toàn” đến thời điểm này, chẳng qua, là tội phạm chưa “ngó” đến, chưa phát hiện thấy. “Đối với vàng có nguồn gốc rõ ràng, nhất định phải được áp dụng quy định vận chuyển chặt chẽ, chứ không thể tự ý, dễ dãi như hiện nay”, một cán bộ Chi cục QLTT Hà Nội nhìn nhận.

Bên cạnh nguy cơ tiềm ẩn từ những chuyến vận chuyển vàng đầy bất cẩn, vấn đề quan trọng khác đặt ra, là hướng xử lý tang vật thu giữ. Sẽ có hai tình huống xảy ra; một, nếu xác định được là vàng nhập lậu, đương nhiên toàn bộ số vàng ấy sẽ bị tịch thu. Chủ số vàng và người vận chuyển sẽ bị xem xét xử lý hình sự. Tình huống thứ hai, phổ biến hiện nay, là cơ quan chức năng chưa chứng minh được yếu tố “nhập lậu”. Khi ấy, công tác xử lý sẽ không đơn giản. “Nếu là hàng hóa trị giá thấp như quần áo, giày dép, ngay cả khi bị xác định mua bán trong nước nhưng không đủ giấy tờ hợp lệ, vẫn sẽ bị tịch thu. Nhưng vàng lại không thể xử lý dễ như thế được. Bản chất có thể giống nhau; một bên (quần áo, giày dép…) mua trong nước, một bên (vàng) mua thu gom trôi nổi trên thị trường trong nước; nhưng chưa thấy trường hợp nào vận chuyển vàng cơ quan chức năng không chứng minh được là nhập lậu bị tịch thu”, vẫn cán bộ QLTT nêu trên cho biết. Điều “khó xử” trong công tác xử lý vàng không đủ giấy tờ, có lẽ cũng khiến tình trạng vận chuyển vàng trở nên dễ dãi, sơ hở như hiện nay.