Xác lập nền tảng công dân số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc xây dựng thành công Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đã góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại, là một bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đồng thời là dấu mốc quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Lực lượng công an khẩn trương không quản ngại ngày cũng như đêm và cả ngày nghỉ lễ để làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp cho người dân

Lực lượng công an khẩn trương không quản ngại ngày cũng như đêm và cả ngày nghỉ lễ để làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp cho người dân

Triển khai quyết liệt, hoàn thành trong thời gian ngắn

Cùng với sự Đổi mới và phát triển toàn diện của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Trong đó, Nghị quyết số 36 năm 2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế đã xác định: “Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân…”.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và triển khai thực hiện Luật Căn cước công dân năm 2014 của Quốc hội, trên cơ sở nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Công an đã nỗ lực, huy động, phát huy trí tuệ và sức mạnh trong và ngoài ngành; triển khai quyết liệt, tích cực, sáng tạo, hiệu quả dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Trong đó, lãnh đạo Bộ Công an mà trực tiếp là Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo rất quyết liệt, sâu sát cùng sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương; sự đồng hành, tham gia tích cực của các doanh nghiệp công nghệ thông tin và sự ủng hộ tích cực của nhân dân cả nước để triển khai hai dự án công nghệ thông tin lớn nhất nước ta từ trước tới nay với phạm vi triển khai rộng từ các cơ quan Trung ương đến 63 tỉnh, thành phố.

Theo đó, Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2015 nhằm thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân, tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các bộ, ngành và chính quyền các cấp. Qua đó, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về dân cư (số liệu, cơ cấu, phân bổ và các biến động...) phục vụ quản lý nhà nước, hoạch định chính sách. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng là căn cứ để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân; hướng tới bỏ quản lý sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang quản lý cư trú điện tử...

Dự án Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân được Thủ tướng phê duyệt đầu tháng 9-2020 gồm các hạng mục xây dựng trung tâm sản xuất thu nhận dữ liệu, sản xuất thẻ căn cước gắn chíp điện tử; hệ thống hạ tầng, thiết bị cho công an trên toàn quốc. Thẻ gắn chíp có nhiều điểm mới so với căn cước cũ, gồm việc bổ sung chíp điện tử, mã QR code phục vụ tích hợp các thông tin dữ liệu cá nhân, ngân hàng, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe...

Sau khi được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, chỉ trong thời gian ngắn với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, trải qua 3 giai đoạn với từng bước đi cụ thể, Bộ Công an đã xây dựng thành công hai dự án do Bộ trưởng Tô Lâm trực tiếp là Trưởng ban. Trong đó, xác định việc thực hiện hai dự án là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, là “chiến dịch” của toàn lực lượng trong năm 2020 và 2021, đồng thời đã xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể kèm theo các mốc thời gian tính theo từng ngày, với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng” nhằm có thể hoàn thành hai cả dự án, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ 1-7-2021.

Khẳng định nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia

Bộ Công an đã hết sức nỗ lực bố trí đủ nguồn nhân lực thực hiện hai dự án từ Trung ương tới cơ sở, gắn với điều chỉnh, bố trí lực lượng tại 4 cấp công an theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, đặc biệt là đã bố trí công an xã chính quy tại 100% xã, thị trấn với gần 45.000 cán bộ, chiến sĩ (bảo đảm trung bình mỗi xã 5 người), đây là nguồn nhân lực quan trọng bảo đảm thu thập, cập nhật thông tin dân cư hằng ngày. Thời gian qua, có thể thấy cán bộ, chiến sĩ công an làm việc không quản ngày lễ, ngày nghĩ, ngày hay đêm với tinh thần trách nhiệm cao nhất thực hiện nhiệm vụ được đất nước và người dân kỳ vọng.

Mặc dù là 2 dự án độc lập, nhưng Bộ Công an đã chủ động chỉ đạo lồng ghép tối đa 2 dự án để bảo đảm đồng bộ tránh lãng phí, qua đó giảm được mức dự toán so với ban đầu hơn 1.000 tỷ đồng. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành xây dựng hệ thống Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Đồng thời cũng đã hoàn thành thu thập, bổ sung thông tin dân cư trên cả nước, tiến hành “làm sạch” dữ liệu, đồng bộ vào hệ thống và cấp mã số định danh cho công dân trong toàn quốc. Đã thu thập và đồng bộ vào hệ thống hơn 98 triệu nhân khẩu, qua đó đã đồng loạt tiến hành cấp mã số định danh cho công dân trên toàn quốc vào ngày 18-6-2021, đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Lực lượng công an cũng đã hoàn thành việc thiết kế và sản xuất thẻ căn cước công dân mới có gắn chíp điện tử; đồng thời trong thời gian ngắn hoàn thành triển khai chiến dịch nhận hồ sơ để cấp gần 54 triệu thẻ cho công dân để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp. Nhờ có sự lồng ghép giữa hai dự án, nên thủ tục cấp thẻ đã được cải cách tối đa, góp phần tiết kiệm thời gian, công sức rất lớn (hiện thời gian trung bình thực hiện thủ tục cấp căn cước đối với 1 người dân là khoảng từ 3-5 phút).

Đến nay, Bộ Công an đã chạy thử nghiệm kết nối tích hợp dịch vụ chia sẻ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, UBND các địa phương Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thừa Thiên- Huế; phối hợp với Văn phòng Chính phủ thử nghiệm kết nối các dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng đã triển khai thử nghiệm kết nối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, kết nối với 33 tỉnh, thành để xác thực thông tin công dân phục vụ giải quyết 236 thủ tục hành chính.

Đánh giá về việc xây dựng thành công hai dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước tới nay vừa được hoàn thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân chính thức đi vào hoạt động là điểm nhấn quan trọng, là một bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực. Đây là sự kiện quan trọng góp phần khẳng định những nỗ lực trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.

Theo người đứng đầu Chính phủ, những kết quả đạt được của hai dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dịch vụ công trực tuyến, đồng thời góp phần đổi mới công tác quản lý con người, quản lý Nhà nước về an ninh trật tự theo hướng hiện đại, hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, vì sự bình yên, an toàn, an dân.