Xác định trách nhiệm Tổ giám sát của ngân hàng trong vụ án Phạm Công Danh "hô biến" hơn 18.000 tỷ đồng

ANTD.VN - Cơ quan CSĐT - Bộ Công an vừa kết thúc điều tra đồng thời chuyển hồ sơ đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với 4 bị can nguyên là cán bộ Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Ngân hàng Thương mại CP xây dựng (VNCB). 
 

Phạm Công Danh bị dẫn giải đến một phiên tòa

Các bị can bị đề nghị truy tố gồm: Hà Tuấn Phước, nguyên Phó Giám đốc NHNN, Chi nhánh tỉnh Long An, nguyên Tổ trưởng Tổ giám sát VNCB; Phạm Thế Tuân, nguyên Tổ phó Tổ giám sát VNCB, thành viên Hội đồng thành viên VNCB cùng 2 thành viên Tổ giám sát NHNN là Ngô Văn Thanh, Phó phòng Kiểm tra, giám sát tuân thủ Ngân hàng thương mại CP ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Long An và Lê Văn Thanh, Chánh Thanh tra NHNN - Chi nhánh Long An.

Trước đó, tháng 7-2015, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 bị can nói trên. Kết quả điều tra thể hiện: thực hiện chương trình cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, tháng 2-2012, NHNN có Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát và đánh giá để có giải pháp cơ cấu 6 ngân hàng TMCP có tình hình hoạt động yếu kém, trong đó có Ngân hàng thương mại CP Đại Tín (TrustBank). 

Tháng 3-2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015”. Trên cơ sở đó, NHNN giao Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh Long An đặt Tổ giám sát tại TrustBank. Nhiệm vụ của Tổ giám sát là tiến hành thanh tra đột xuất và yêu cầu TrustBank thực hiện kiểm toán độc lập; triển khai phương án tái cơ cấu bằng phương án chấp thuận để nhóm các nhà đầu tư mới, đại diện là ông Phạm Công Danh, mua lại cổ phần của nhóm Phú Mỹ và tham gia tái cơ cấu ngân hàng.

Tuy nhiên, Tổ giám sát đặt tại TrustBank (sau đổi tên thành VNCB) đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao trong việc giám sát, để Phạm Công Danh rút hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó có 15.670 tỷ đồng không thể thu hồi được. Hành vi thiếu trách nhiệm của Tổ giám sát là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả xảy ra tại VNCB. 

Trong số hơn 18.000 tỷ đồng mà Phạm Công Danh và đồng phạm rút ra từ VNCB có hơn 9.000 tỷ đồng có xin ý kiến Tổ giám sát. Số tiền rút ra được VNCB mang đi gửi tại các ngân hàng thương mại, nhưng Tổ giám sát không giám sát mà để Phạm Công Danh dùng số tiền đó bảo lãnh cho các công ty “sân sau”, nhằm vay tiền ngân hàng, sử dụng tiền vay sử dụng riêng đến nay không thể thu hồi. 

Cơ quan CSĐT cũng xác định, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng là đơn vị được giao thẩm định về điều kiện bổ nhiệm nhân sự theo quy định, nhưng đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định hồ sơ, để Phạm Công Danh được tham gia tái cơ cấu và trở thành thành viên HĐQT TrustBank. Trong khi, Phạm Công Danh từng bị kết án 6 năm tù giam về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN. Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, ông Danh không được chấp thuận để trở thành thành viên HĐQT TrustBank. 

Một tình tiết bất minh khác cũng “lộ sáng” là Phạm Công Danh kê khai và trưng trong hồ sơ tấm bằng tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM hệ chính quy. Tuy nhiên khi xác minh tại trường Đại học Kinh tế TP.HCM, CQĐT nhận được phản hồi, nhà trường không cấp cho ông Danh bằng cử nhân kinh tế nào. Dấu hiệu này không hiểu vì sao cũng không bị phát hiện, trước khi Phạm Công Danh bị bắt.