Xác định quyền và nghĩa vụ đối với con khi không đăng ký kết hôn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Chúng tôi cưới nhau nhưng không đăng ký kết hôn. Sau khi con tôi 1 tuổi thì tôi bị nhà chồng xua đuổi. Sau đó, tôi phải ra đi tay trắng. Thậm chí ngay cả giấy tờ chứng minh mối quan hệ của mẹ con tôi cũng không có. Xin hỏi luật sư, tôi phải làm gì? Hoàng Thuy Thủy (Sơn La)
Luật sư Đặng Văn Sơn (Văn phòng Luật sư Đặng Sơn và Cộng sự. Số 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn (Văn phòng Luật sư Đặng Sơn và Cộng sự. Số 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn trả lời:

Bạn và chồng bạn có cưới nhau nhưng lại không thực hiện đăng ký kết hôn. Theo quy định tại Điều 9 - Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 thì việc kết hôn phải đăng ký và do cơ quan Nhà nước có thẩm thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình và pháp luật về hộ tịch. Nếu không thực hiện đúng theo quy định thì không có giá trị pháp lý. Về việc bạn bị gia đình chồng đuổi ra khỏi nhà, bạn không mang theo con hay gia đình chồng bạn không cho bạn mang theo con và hiện tại cháu đã bao tuổi, bạn đã thực hiện khai sinh cho con bạn chưa…? Đây là những yếu tố để xác định quyền và nghĩa vụ của bạn đối với con, quyền được chăm sóc con. Với trường hợp của bạn, chúng tôi xin nêu ra các hướng giải quyết như sau:

Nếu con bạn đã được thực hiện khai sinh thì khi bạn ra khỏi nhà chồng không có chứng sinh thì đã có khai sinh để chứng minh bạn là mẹ của của cháu bé. Trường hợp bạn không có giấy chứng sinh và khi con bạn chưa thực hiện khai sinh thì bạn có nhiều cách để chứng minh bạn là mẹ của cháu như: đến bệnh viện nơi bạn sinh để xin xác nhận hoặc xin sao chụp lại hồ sơ liên quan đến việc bạn sinh con tại cơ sở y tế hoặc sự xác nhận của những người xung quanh gia đình bạn mà không cần phải xác định ADN. Trường hợp con bạn dưới 36 tháng tuổi thì căn cứ khoản 3, Điều 81 - Luật Hôn nhân gia đình: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”. Nếu con từ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Giả sử sự việc của bạn mới xảy ra và con bạn còn nhỏ như nêu trên mà gia đình chồng bạn không cho bạn chăm sóc, nuôi con thì bạn nên đến chính quyền địa phương trình báo sự việc và nhờ chình quyền hoặc các tổ chức đoàn thể như: Ủy ban Chăm sóc bảo vệ trẻ em xã, phường nơi cư trú; Hội phụ nữ; Đoàn thanh niên; cấp ủy chi bộ nơi cư trú can thiệp. Khi bạn đã yêu cầu chính quyền, đoàn thể địa phương can thiệp không được thì bạn thực hiện khởi kiện đến tòa án nhân dân cấp quận, huyện nơi bạn cư trú yêu cầu giải quyết để bạn được chăm sóc, nuôi con.

Trường hợp sự việc xảy ra đã lâu và con bạn đã lớn, nay bạn muốn nhận lại con thì bạn có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 89 - Luật Hôn nhân gia đình về xác định con. Trong đó, khoản 1 của Điều luật này quy định: “Người không được nhận là cha, mẹ của một người có quyền yêu cầu tòa án xác định người đó là con mình”.