Xà xẻo các quỹ hỗ trợ xã hội

ANTĐ - Có cái lạ là bây giờ nhiều người giàu có, lành lặn lại tìm mọi cách để được chứng nhận là đói, là nghèo, là nhiễm chất độc da cam, là thương tật vì chiến tranh, bom đạn, là thần kinh rồ dại… 

Nhưng mà chả lạ, người ta đang làm tất cả để được hưởng những khoản trợ cấp xã hội. Miếng bánh an sinh xã hội đang bị những kẻ hám lợi xâu xé trong khi nhiều người đáng được hưởng những khoản trợ cấp này không bao giờ được hưởng vì không vượt qua được bức tường mang tên thủ tục. Năm 2013 dẫu thu ngân sách không đạt kế hoạch, Chính phủ vẫn chi hàng chục nghìn tỷ đồng cho các chính sách an sinh xã hội. Các khoản chi này có thực sự đến được nơi cần đến hay không vẫn là một câu hỏi?

Chế độ “chạy” được

Trong một lần đi công tác, tôi tình cờ biết được câu chuyện của sinh viên Lê Văn Thế trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, con bệnh binh, là đối tượng được miễn học phí. Các học kỳ trước em vẫn đóng học phí đầy đủ và được nhận lại số tiền này tại Phòng LĐ -TBXH huyện Hà Trung - Thanh Hóa, tuy nhiên năm học 2012-2013 đã trôi qua nhưng em vẫn chưa nhận được tiền mà không hiểu lý do dù đã làm lại giấy nộp học phí tại trường theo yêu cầu của cán bộ Phòng LĐ - TBXH huyện Hà Trung cho phù hợp với quy định. Không riêng Thế, em còn cho biết nhiều sinh viên được hưởng chế độ như em tại địa bàn xã Hà Yên - Hà Trung - Thanh Hóa cũng chưa được nhận lại tiền miễn học phí. Đến khi về địa phương tìm hiểu, chúng tôi mới biết việc chi trả tiền học phí bị chậm là do Bộ LĐ-TB và XH đang thanh tra tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện các chế độ an sinh xã hội. Mới đây, ngày 4-9, các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Thanh Hóa còn quyết định khởi tố vụ án lập hồ sơ giả để hưởng các chính sách an sinh xã hội, khởi tố 6 bị can làm giả hồ sơ tài liệu của cơ quan tổ chức Nhà nước. Mới chỉ ở một tỉnh thôi, mà câu chuyện chế độ an sinh xã hội đã có nhiều vấn đề, thế mới hay chế độ không phải lúc nào cũng đến đúng địa chỉ của nó.

Những năm gần đây, “chạy” chế độ để hưởng an sinh xã hội  ở các làng quê đã trở nên phổ biến. Nhiều nơi chỉ vì tranh phần hộ nghèo để được hưởng trợ cấp tiền điện 30.000đ/tháng mà hàng xóm không thèm nhìn mặt nhau. Người ta rỉ tai nhau đường dây này đường dây nọ, chi phí bao nhiêu để được hưởng lương hàng tháng, dẫu mỗi tháng chỉ có vài ba trăm nghìn.

Có người đào ngũ bỗng chốc trở thành bệnh binh để được hưởng trợ cấp. Ông chủ tịch xã nọ có đứa cháu vợ bỏ học từ lớp lớp hai, khỏe mạnh nhưng dốt nát, không biết chữ, bỗng nhiên cũng được nhận tiền trợ cấp cho người bệnh tâm thần… Thậm chí có người chết vì bệnh tật người nhà cũng được nhận tiền trợ cấp thân nhân liệt sĩ như trường hợp ông Trần Văn Cục (SN 1932, quê Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) có con trai là Trần Văn Thái (SN 1956) chết trong khi đi chăn bò nhưng ông Cục lại làm đơn khai và được chứng nhận là Trần Văn Thái là du kích của xã Hàm Trí hy sinh khi mang thư và lệnh chống càn xuống thôn Dân Thái bị địch phục bắn chết để được nhận chế độ trợ cấp cho thân nhân liệt sĩ. Những vụ việc này đã được thanh tra xác nhận và xử lý thu hồi các khoản đã chi sai.

Không chỉ “chạy chế độ có công với cách mạng, từ khi có quy định những người bị bệnh tâm thần được hưởng phụ cấp 270.000đ/tháng, số bệnh nhân tâm thần cả nước tăng vọt. Chỉ riêng một huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa tính đến năm 2012 đã có trên 2.000 bệnh nhân tâm thần hưởng chế độ trợ cấp này. Theo chính các cán bộ Phòng LĐ-TB và XH huyện Triệu Sơn có rất nhiều bệnh nhân tâm thần… không bị tâm thần trong số 2.000 người bệnh này. 

Lừa “chạy” chế độ

Dường như “chạy” đã trở thành một dịch vụ. Nhiều người hám lợi nên nếu “may mắn” thì bỗng chốc lành lặn trở thành thương binh, bệnh binh thậm chí là thần kinh, rồ dại… còn rủi thì mất hàng chục triệu cho phí “dịch vụ” không bảo hành này. Nhắc lại câu chuyện “chạy chế độ”, người dân Tĩnh Gia, Thanh Hóa vẫn còn chua xót cho nhiều nạn nhân bị Nguyễn Văn Tân (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) khoe có quan hệ với người ở Bộ LĐ-TB và XH có thể “chạy chế độ” chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng của các nạn nhân.

Câu chuyện tại Nam Định là một câu chuyện bi hài. Ông Vũ Đức Thanh (trú tại xóm Nam Hải, xã Bạch Long, huyện Giao Thủy) biết được Nhà nước có đợt làm chế độ cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và nhận thấy mình đủ điều kiện đã làm hồ sơ gửi lên Ban Thương binh xã để làm chế độ. Tuy nhiên, khi nhận hồ sơ, ông Lê Thanh Cánh (Trưởng ban Thương binh xã) bắt ông nộp 15.000.000 đồng để làm lệ phí xét duyệt hồ sơ. Đến nay đã 8 năm sau ngày nộp tiền ông vẫn không được hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam.

Cũng với hy vọng được hưởng trợ cấp cho người có công với cách mạng, nhiều cựu chiến binh đã tham gia kháng chiến ở Hải Dương đã bị Phạm Văn Điển (SN 1978, ở Hồng Quang, Thanh Miện, Hải Dương) lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Với cái mác là Kỹ thuật viên Bệnh viện đa khoa TP Hải Dương, Điển đã tạo được lòng tin ở nhiều người rằng hắn có thể làm hồ sơ cho những người đã từng tham gia kháng chiến trước 30-4-1975 ở những vùng bị rải chất độc da cam được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước theo Nghị định số 54 năm 2006 của Chính phủ. Rất nhiều người đã nhẹ dạ cả tin trao tiền cho Điển mà không biết hắn đang thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Tất cả những người bị lừa này đến nay chỉ mong lấy lại được tiền đã trót bị lừa, không ai trông mong được hưởng chế độ trợ cấp xã hội nữa, mặc dù trong số đó nhiều người xứng đáng được hưởng.

Và lừa đảo để được hưởng trợ cấp xã hội

Tháng 5-2013 khi rà soát những người được hưởng chế độ thương binh Sở LĐ-TB và XH tỉnh Hà Giang phát hiện hàng trăm bộ hồ sơ thương binh giả do cấp xã trình với đầy đủ các tiêu chuẩn nhưng khi kiểm tra thì hoàn toàn không đúng. Đây là các đối tượng làm giả hồ sơ lừa đảo các cơ quan chức năng để  được hưởng chế độ có công với cách mạng. Mới đây nhất, ngày 5-9, TAND tỉnh Đắk Nông mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Phạm Văn Khúc (SN 1965, ở tại thôn Thuận Nam, xã Thuận An, huyện Đắk Mil) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mặc dù biết mình không thuộc đối tượng để nhận tiền chế độ thương binh của Nhà nước, nhưng do tham lam, tư lợi cá nhân nên vào khoảng tháng 2-2008, Khúc đã liên hệ với Hoàng Văn Mưng (trú tại xã Mỹ Hưng, Mỹ Lộc, Nam Định) nhờ làm giả cho mình một bộ hồ sơ thương binh để hưởng trái phép 114 triệu đồng.

Không chỉ khai khống để được nhận tiền hỗ trợ đối với người có công với cách mạng mà còn có trường hợp lợi dụng họ tên của mình để nhận tiền của người khác. Đó là trường hợp người thân của bà Võ Thị Mãi (SN 1943, thôn Long Sơn, xã Tam Đại, Phú Ninh, Quảng Nam), người không có công với cách mạng nhưng lợi dụng người thân của mình trùng tên với bà Võ Thị Mãi (SN 1927, nguyên quán xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, nay trú tại phường An Sơn, TP.Tam Kỳ) để nhận tiền trợ cấp của bà Mãi (SN 1927), mặc dù 2 người này sống ở 2 xã khác nhau nhưng cán bộ xã vẫn để xảy ra tình trạng nhầm lẫn này cho đến khi bà Mãi (SN 1927) phát hiện ra tiền trợ cấp của mình đã bị người khác lấy mất… Đã có những trường hợp đối tượng được hưởng chế độ liệt sĩ, thân nhân cũng hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ nhiều năm, đến khi phát hiện, không thu hồi được tiền mà còn phải đục tên đối tượng trên bia Tổ quốc ghi công trong Nghĩa trang liệt sĩ xã như ở Quảng Nam. Lợi dụng cuộc chiến bảo vệ đất nước kéo dài nhiều năm, rất nhiều tài liệu, người làm chứng đã thất lạc nhiều đối tượng làm giả hồ sơ, tự nhận công lao cho mình và thân nhân. Đây là hành vi không chỉ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước mà còn làm ảnh hưởng danh dự của những cán bộ chiến sĩ đã đổ mồ hôi, xương máu trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. 

Vĩ thanh

Tình trạng xà xẻo các quỹ trợ cấp xã hội đang ở mức báo động. Theo đúng các quy định hiện hành, tất cả các hồ sơ đề nghị hưởng chế độ trợ cấp xã hội đều phải do cán bộ cơ sở từ cấp thôn, xã kiểm tra xác nhận. Cán bộ cơ sở là những người gần dân nhất, hiểu rõ nhất tình trạng của các hộ dân trên địa bàn. Chính họ phải chịu trách nhiệm về các hồ sơ “giả” này. Dư luận về việc “chạy” chế độ là hoàn toàn có cơ sở. Trong đợt thanh tra cả nước về thực hiện chế độ trợ cấp xã hội của Bộ LĐ-TB và XH, chắc chắn nhiều vụ sẽ được đưa ra xử lý trước pháp luật. Tuy nhiên về lâu dài, ở cấp cơ sở cần có những cán bộ có chuyên môn cao về các tiêu chuẩn và chế độ trợ cấp xã hội, đồng thời phải rà soát các quy trình đề nghị, xét duyệt các hồ sơ xin hưởng chế độ trợ cấp xã hội theo hướng phải có cá nhân chịu trách nhiệm về hồ sơ của các đối tượng. Phải sớm bỏ những quy định trách nhiệm tập thể để cá nhân phải chịu trách nhiệm trước những hồ sơ giả, hồ sơ lừa như hiện nay.