Xạ trị ung thư khi còn nhỏ làm tăng nguy cơ tiểu đường

ANTĐ - Theo một nghiên cứu mới đây thì một số người sống sót sau ung thư khi còn nhỏ nhờ vào liệu pháp xạ trị có thể tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường trong cuộc đời sau này.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu hơn 2500 người ở Pháp và Anh được điều trị ung thư khi nhỏ trong khoảng các năm từ 1946 đến 1985 và sống thêm ít nhất 20 năm sau khi điều trị ung thư.

Nghiên cứu cho thấy ở tuổi 45, 6,6% bệnh nhân phải xạ trị khi nhỏ có chẩn đoán bị tiểu đường trong khi tỷ lệ này chỉ là 2,3% ở những bệnh nhân không phải xạ trị.

Các nhà nghiên cứu đã xác định cơ chế xạ trị được dùng cho bệnh nhân ung thư và thấy rằng khả năng có chẩn đoán bệnh tiểu đường là cao hơn nhiều khi cuống tụy bị phơi nhiễm với phóng xạ. Tuy nhiên, phơi nhiễm phóng xạ với các phần khác của tụy lại không ảnh hưởng tới nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Sự khác biệt này có thể do thực tế là cuống tụy chứa một loại tế bào liên quan đến quá trình sản sinh insulin.

Nghiên cứu cũng thấy rằng người bị phơi nhiễm phóng xạ liều cao hơn với cuống tụy dễ có chẩn đoán bị bệnh tiểu đường gấp gần 13 lần trong vòng 20 năm sống thêm so với người không phải xạ trị.

Loại ung thư cũng ảnh hưởng tới nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Đến tuổi 45, bệnh tiểu đường được chẩn đoán ở gần 15% số bệnh nhân phải điều trị ung thư thận so với chỉ trung bình khoảng 3% số bệnh nhân mắc các dạng ung thư khác.

Liệu pháp xạ trị đối với ung thư thận thường tập trung vào vùng bụng, do vậy làm tăng khả năng cuống tụy bị phơi nhiễm với phóng xạ.

Nghiên cứu được đăng trực tuyến ngày 23/8 trên tạp chí The Lancet Oncology.