Xả lũ gây thiệt hại phải bồi thường

ANTĐ - Ngày 10-11, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo An ninh Thủ đô, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang khẳng định, nếu thủy điện xả lũ gây thiệt hại cho dân sẽ phải bồi thường.

Quy trình xả lũ của công trình thủy điện nhiều khi làm lũ trầm trọng thêm. (Ảnh minh họa)

- PV: Thủy điện “mọc” tràn lan, một số công trình xả lũ gây thiệt hại cho dân như ở Quảng Nam, Phú Yên liệu có phải do mất kiểm soát?

- Ông Nguyễn Minh Quang: Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận đã làm rõ thêm trách nhiệm quản lý các hồ chứa. Tuy nhiên, để hạn chế mặt trái của thủy điện thì cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ thêm để điều chỉnh quy định pháp luật. Về quản lý xả nước hồ chứa là rất khó khăn vì có tính hai mặt như lượng nước chứa trong hồ để phục vụ sản xuất điện và xả lũ đón đầu và cái gì chúng ta cũng muốn là không thể. Hiện quy trình xả lũ ở nhiều hồ chứa đã có, vấn đề là làm đúng và kiểm soát chặt tình hình. Tất nhiên trong thực tế, có nơi này nơi khác nảy sinh một số vấn đề bất cập nên các địa phương và ngành chức năng phải theo sát chủ đầu tư và liên tục kiểm tra, đặc biệt vào mùa mưa.

- Quy trình yêu cầu chủ đầu tư thủy điện thông báo việc xả lũ trước 48 giờ là thời gian quá ngắn để di chuyển dân sơ tán, thưa ông?

- Vấn đề này cũng liên quan đến nhiều bộ, ngành, trong đó có trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước nên Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp thu và xem xét, nghiên cứu để có đề nghị chỉnh sửa những mặt bất hợp lý.

- Tình trạng thủy điện dày đặc trên các lưu vực sông, quan điểm của ông về việc có nên tạm dừng xây mới thủy điện?

- Một số thủy điện có báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng không đạt yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường dứt khoát bác bỏ yêu cầu làm lại như thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Các bộ, ngành sẽ tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này. Cá nhân tôi cho rằng vừa qua chúng ta quá ưu tiên cho thủy điện nên đã mở ra mà chưa đặt nặng các hệ lụy có thể xảy ra.

- Dự thảo Luật Tài nguyên nước không có điều nào quy rõ trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân làm trầm trọng thêm lũ lụt ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Quan điểm của Bộ trưởng?

- Phải xem lại nội dung đó đã được điều chỉnh trong luật khác hay chưa. Tuy nhiên, là cơ quan được giao xây dựng nội dung dự thảo luật, tôi tiếp thu ý kiến này để bàn tiếp.

- Bộ trưởng có cho rằng, chủ đầu tư dự án phải bồi thường nếu xác định đúng lý do chủ quan làm lũ nghiêm trọng thêm?

- Cái đó là đương nhiên, chúng ta phải quy định điều này và đây là việc cần thiết để ngăn chặn lũ lụt do nhân tai.

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng Trần Ngọc Vinh cho rằng, phải luật hóa các quy định về vận hành hồ chứa, xả lũ, xử lý vi phạm của chủ các hồ chứa và các bên liên quan khi làm lũ trầm trọng thêm. Ông Trần Ngọc Vinh kiến nghị, phải sớm rà soát toàn bộ hệ thống thủy điện trên toàn quốc để có cái nhìn tổng thể. Dự án thủy điện nào chưa xây dựng nhưng có vấn đề về báo cáo đánh giá tác động môi trường, chiếm dụng rừng đặc dụng, công suất nhỏ quá, chủ đầu tư năng lực tài chính nào có hạn… thì yêu cầu dừng. Ông nói: “Thủy điện nào chỉ đáp ứng lợi ích của một đơn vị hay địa phương nhưng gây hại cho cả vạn người dân là không ổn...”.