Xã hội lên án mạnh mẽ thói hành xử lệch chuẩn và xu hướng bạo lực

ANTD.VN - Có lẽ chưa bao giờ xu hướng sử dụng bạo lực trong các ứng xử xã hội, đặc biệt là ở nơi công cộng lại đáng báo động như hiện nay. Dường như người ta đang có một cái nhìn lệch lạc rằng, cách giải quyết khúc mắc bằng thỏa hiệp hay thương lượng là kém cỏi hoặc không hiệu quả…

Những cử chỉ, hành động đẹp trong giao tiếp ứng xử cần được nhân lên trong cuộc sống

Hai câu chuyện gần nhất mới xảy ra thu hút sự chú ý của dư luận trong những ngày qua là việc nhóm phóng viên của VTV bị đối tượng Trần Văn Hạnh (ở Phù Lỗ, Sóc Sơn) cố tình dùng ô tô đâm hỏng phương tiện tác nghiệp và Phạm Bích Diệp (trú tại phố Hàng Muối, quận Hoàn Kiếm) hành hung chị Trần Thị Thanh - công nhân môi trường đô thị tới ngất xỉu chỉ vì bị nhắc nhở bỏ rác vào nơi quy định. Dĩ nhiên sau đó, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật này. Tuy nhiên, về mặt đạo đức xã hội thì cần xem xét kỹ hơn…

Hành vi ứng xử giữa con người với con người ở nơi công cộng thể hiện văn hóa và hiểu biết của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, người ta thường lấy nhiều lý do để biện minh cho những ứng xử phản văn hóa vốn vẫn gặp nhan nhản ngoài đường như chen lấn, xô đẩy, dọa nạt hay bất tuân thủ quy định, luật lệ… Đây chính là tiền đề tạo ra sự bất ổn cho xã hội và gieo mầm cho những quan niệm tiêu cực trong đời sống. 

Phân tích những ứng xử lệch chuẩn này, PGS. TS Trịnh Hòa Bình - nhà Tâm lý học, Phó Tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam cho rằng: “Ở hai câu chuyện trên chúng ta có thể thấy điểm chung của những người vi phạm pháp luật là ngay từ đầu, với nhận thức hạn hẹp và thiển cận, họ đã nhìn những nạn nhân của mình với con mắt của kẻ… “trên cơ”.

Ví dụ như Phạm Bích Diệp chỉ là một chủ quán nước mía, nhưng tâm lý chị ta nghĩ rằng mình có vị thế cao hơn người công nhân môi trường đô thị. Do vậy, khi bị chị Thanh nhắc nhở - dù là nhắc đúng - nhưng trong đầu chị ta hình thành suy nghĩ tự ti rằng: Không thể có chuyện một người quét rác lại dám lên mặt với mình. Quan niệm đó đưa đến việc Diệp thấy cần phải “trả thù” cho đối thủ biết mặt”.

Mặt khác, các cụ ta từ xưa đã có câu “gà cậy gần chuồng” để nói đến những người chỉ trở nên “yêng hùng” khi ở gần nơi cư trú của mình. Những đối tượng này thường có tâm lý trông chờ, nương náu vào sự hỗ trợ hoặc can thiệp kịp thời của đồng đảng, người thân quanh đó nếu chẳng may có bất trắc.

Họ chỉ vững tin khi biết việc làm của họ sẽ nhận được sự bảo vệ của những người thân bất cứ lúc nào. Chính vì thế, trước “con mồi” họ tỏ ra đặc biệt hung hãn. Tuy nhiên, chính những kẻ này, nếu xảy ra va chạm một mình ở nơi khác thì lại rất sợ hãi và không dám phản ứng khi gặp những tình huống tương tự. Chính thứ văn hóa ứng xử kiểu này khiến các vụ việc bạo lực ngày càng có chiều hướng gia tăng.

Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã từng có nghiên cứu về các lý do dẫn đến hành vi ứng xử theo xu hướng bạo lực hoặc phản văn hóa. Theo đó nguyên nhân về nhận thức, ý thức lên tới hơn 76%, giáo dục là 65%, chế tài và cách xử lý, xử phạt người vi phạm còn chưa nghiêm là 58%. Ngoài những nguyên nhân trên, một nguyên nhân khác lý giải cho xu hướng sử dụng bạo lực trong ứng xử là việc những người này cảm thấy bế tắc, mong muốn thể hiện cho xung quanh thấy sức mạnh, uy lực cá nhân.

Họ thể hiện những điều này nhằm khỏa lấp đi sự yếu đuối và thiếu hụt nội tâm ẩn chứa bên trong. Ngoài ra, đây cũng là cách duy nhất họ có thể làm được để kiểm soát, khuất phục người khác để thỏa mãn sự hận thù, đố kỵ mà thực chất thói ích kỷ chính là ngòi nổ của hành vi bạo lực đó.

Hỗ trợ cho những thói xấu này cần nhắc đến những lối sống thiếu lành mạnh, luôn ăn thua đủ và không bao giờ chịu tự đặt mình vào các chuẩn mực xã hội, không chịu sự chi phối của các giá trị truyền thống cũng như nền tảng đạo đức xã hội. Vì vậy, chỉ cần bức xúc hay có điều gì không vừa ý là những người này sẽ có hành vi phản văn hóa, nhẹ là  văng tục và nặng hơn là giở thói côn đồ, vi phạm pháp luật.

Để giải quyết tận gốc những hành vi bạo lực và lệch chuẩn, mỗi người cần có sự tự định hướng từ chính bản thân mình, bởi mỗi cá nhân ứng xử văn hóa chính là xây dựng xã hội văn minh. Việc tự kiềm chế bản thân và tiếp thu, tôn trọng ý kiến trái chiều chính là cách tự giải quyết vấn đề. Xung đột và bạo lực hoàn toàn có thể được kiểm soát một cách chủ động nếu mỗi người tự ý thức. Ngoài ra, cần có chế tài xử phạt đủ sức răn đe và nghiêm minh để hành vi bạo lực không còn là nỗi lo của xã hội.