Xã hội hóa y tế: Lúng túng triển khai, dễ nảy sinh tiêu cực

ANTĐ - Các đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội vừa kết thúc đợt kiểm tra việc thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế ở 8 bệnh viện công lập của Thủ đô. Kết quả bước đầu cho thấy, các bệnh viện vẫn còn nhiều lúng túng trong triển khai chính sách này.

Qua giám sát của HĐND TP Hà Nội phát hiện nhiều vướng mắc trong xã hội hóa

Khả năng huy động hạn chế

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội tại buổi làm việc với đoàn giám sát Thường trực HĐND TP Hà Nội ngày 25-4, ngoài 15 dự án thuộc giai đoạn 1 (2009-2011), từ năm 2011 đến nay, tính chung tất cả các bệnh viện công trên địa bàn hiện có 48 đề án xã hội hóa đang hoạt động. Các đề án này được triển khai theo 3 mô hình: Đối tác và cơ sở y tế sử dụng tài sản là nhà cửa, cơ sở hạ tầng; cơ sở y tế công lập và phía đối tác liên doanh cùng góp vốn bằng tiền để mua trang thiết bị y tế; còn lại phần lớn theo hình thức phía đối tác lắp đặt trang thiết bị, cơ sở công lập tổ chức cung ứng dịch vụ.

Bà Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, các đề án xã hội hóa đã giúp các bệnh viện đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế, máy móc hiện đại, không chỉ đưa kỹ thuật cao đến người bệnh mà bản thân y bác sĩ bệnh viện cũng được nâng cao tay nghề. Đồng thời, xã hội hóa cũng góp phần nâng cao đời sống cho cán bộ nhân viên y tế,  tạo cơ chế cạnh tranh buộc các bệnh viện phải nâng cao chất lượng phục vụ. Tuy nhiên, so với tiềm năng của mình, số đề án và số vốn xã hội hóa mà các bệnh viện của thành phố thực hiện đến thời điểm này còn quá khiêm tốn. 

Theo đoàn giám sát Thường trực HĐND TP, trước đó ngành y tế Thủ đô đã xây dựng, tham mưu cho UBND TP Hà Nội ban hành Đề án số 100 về “Đẩy mạnh xã hội hóa y tế giai đoạn 2009-2015”, với mục tiêu huy động 1.700 tỷ đồng. Đến nay, chỉ còn 1 năm nữa là hết thời gian nhưng toàn ngành mới huy động được… hơn 400 tỷ đồng, chưa đạt 1/4 mục tiêu đề ra. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền lý giải, do xã hội hóa y tế là chủ trương mới nên trong quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc. Cùng với đó, các nhà đầu tư thường lựa chọn những lĩnh vực dễ thu lợi nhuận, những bệnh viện có đông bệnh nhân, trên địa bàn Hà Nội có nhiều bệnh viện trung ương đáp ứng tốt các điều kiện này khiến bệnh viện của thành phố gặp khó khăn hơn trong cạnh tranh, thu hút nguồn lực. Ngoài ra, Giám đốc Sở Y tế thừa nhận “đây cũng là trách nhiệm của ngành trong xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai”. 

Nhiều bệnh viện vừa làm vừa… sợ! 

Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt chỉ rõ, nguyên nhân quan trọng nhất khiến xã hội hóa y tế trong các bệnh viện công của Hà Nội hiện chưa tương xứng với tiềm năng chính là ở khâu quản lý nhà nước. Chính sự chỉ đạo chưa quyết liệt, hướng dẫn thiếu cụ thể của các Sở ngành khiến cơ chế chính sách trên văn bản rất đúng đắn nhưng khi đưa vào thực tế lại chưa đồng bộ và đầy đủ, đơn vị thực hiện khó tiếp cận. Mặt khác, điều này còn khiến nhận thức về xã hội hóa của một số bệnh viện, cán bộ y tế và nhất là người bệnh chưa đúng, chưa đáp ứng đầy đủ bản chất của vấn đề. Theo Phó chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt, thực tế qua giám sát, có những bệnh viện vừa làm xã hội hóa vừa dò dẫm, thậm chí không dám làm vì sợ… làm sai. Bên cạnh đó, một số bệnh viện có hiện tượng thực hiện không đúng, xảy ra tiêu cực, lạm dụng xã hội hóa để trục lợi. 

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, những kết quả đạt được trong việc thực hiện xã hội hóa tại các bệnh viện công lập của Hà Nội rất đáng khích lệ nhưng mới chỉ là bước đầu, trong khi vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Một số đề án chưa đúng danh mục, việc đầu tư chỉ tập trung đến lĩnh vực dễ thu hồi vốn mà chưa quan tâm đến lĩnh vực mũi nhọn, nhiều đơn vị lúng túng trong tính giá dịch vụ, chia tỷ lệ phần trăm dẫn đến cùng một dịch vụ nhưng mỗi nơi một giá. Cùng với đó, khấu hao thiết bị chiếm một tỷ lệ cao trong giá thành, do đó ảnh hưởng đến giá dịch vụ khám chữa bệnh và người chịu thiệt thòi vẫn là bệnh nhân… 

Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh nhấn mạnh, xã hội hóa y tế không phải là việc riêng của ngành y tế mà cần sự vào cuộc của các ngành liên quan. Với ngành y tế, Chủ tịch Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị Sở Y tế cần đẩy mạnh việc phát triển, chủ động mở rộng các đề án xã hội hóa, thu hút thêm nhiều nguồn lực trong thời gian tới, đồng thời sớm rà soát các đề án theo hướng quan tâm đến lợi ích người bệnh, công khai giá dịch vụ xã hội hóa, đặc biệt phải khắc phục các tiêu cực nảy sinh và giải quyết dứt điểm khiếu nại tố cáo liên quan đến lĩnh vực này.