Xã hội hóa máy móc, thiết bị y tế: Dễ bị trục lợi hơn

ANTĐ - Việc BV Đa khoa Hoài Đức được một doanh nghiệp cho mượn 3 máy xét nghiệm miễn phí rồi mua hóa chất xét nghiệm của doanh nghiệp này với giá cao, khiến dư luận không thể không suy nghĩ. Trên thực tế, xã hội hóa máy móc xét nghiệm tại BV đang là mảnh đất màu mỡ, được các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhiều nhất và đương nhiên lợi ích mà họ gián tiếp thu được từ người bệnh qua BV cũng rất lớn.

Cần giám sát chặt chẽ việc xã hội hóa thiết bị xét nghiệm tại các bệnh viện
để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân (Ảnh minh họa)

Mảnh đất màu mỡ 

Cuối năm 2012, trong báo cáo tổng kết, đánh giá hoạt động của ngành, bản thân Bộ Y tế thừa nhận rằng sau vài năm thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế, bên cạnh mặt tích cực thì những hạn chế đang bộc lộ rõ nét. Cụ thể, lĩnh vực y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, y học cổ truyền rất khó thu hút nguồn xã hội hóa, rất khó để mời doanh nghiệp vào liên kết đầu tư máy móc, trang thiết bị bởi lợi nhuận từ mảng này khá thấp. Ngược lại, các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực y tế lại đua nhau đầu tư máy móc xã hội hóa vào các chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm nhằm nhanh chóng thu lợi nhuận. 

Có thể dẫn ra một ví dụ thể hiện khá rõ nét tương quan lợi ích trong việc xã hội hóa y tế nói trên. Đầu tháng 8-2013, hàng chục người đã tập trung trước phòng khám của BV Thanh Nhàn yêu cầu BV phải tổ chức đối thoại và đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp. Sự việc này bắt nguồn từ mâu thuẫn kinh tế giữa BV Thanh Nhàn với Công ty TNHH kinh doanh và thiết bị y tế (Đ-Y33).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2006 đến 2010, Công ty    Đ-Y33 đã ký hợp đồng với BV Thanh Nhàn về việc cho BV thuê 3 máy nội soi, máy chụp cắt lớp vi tính-siêu âm-X quang kèm vật tư hóa chất… với thời hạn 10 năm, thế nhưng bị BV chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Theo tường trình của chính đại diện Công ty Đ-Y30, để thu hồi đủ vốn cho số máy xã hội hóa nói trên mất tối thiểu khoảng 10 năm. Được biết, số tiền đầu tư mua 3 máy móc này là hơn chục tỷ đồng, như vậy để thu hồi vốn trong vòng 10 năm thì bình quân mỗi năm số lãi mà doanh nghiệp thu được từ 3 máy phải lên đến hàng tỷ đồng. Đấy là chưa kể BV cũng được “ăn chia” với doanh nghiệp theo một tỷ lệ không nhỏ. 

BV Bạch Mai hiện cũng có đến 9 máy siêu âm, xét nghiệm được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp. Vì xã hội hóa nên gần như toàn bộ 20 dịch vụ chụp, chiếu, soi, siêu âm… tại BV này, giá tiền đều cao hơn giá bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán. Do xã hội hóa nên khoản tiền chênh lệch đó người bệnh đương nhiên phải đóng góp để thực hiện dịch vụ, khiến chi phí điều trị bệnh càng thêm nặng gánh…

Liên kết để móc túi người bệnh

Quay trở lại với BV Đa khoa Hoài Đức, khoa Xét nghiệm của BV được Công ty Dược phẩm Hà Tây cho mượn 3 máy xét nghiệm miễn phí, song Công ty Dược phẩm Hà Tây cũng chính là đơn vị cung cấp hóa chất xét nghiệm cho BV với giá bán vào cao hơn nhiều lần so với giá hóa chất mà các BV tuyến huyện khác đang mua. Trước đó, các máy xét nghiệm của BV này mới được đầu tư từ ngân sách nhà nước vào năm 2008 và hiện cũng chỉ bị hỏng hóc nhỏ, thế nhưng BV không cho sửa chữa mà mượn máy của doanh nghiệp. Mặc dù tính đúng sai của việc này đang được cơ quan điều tra xác minh, song chắc chắn người bệnh sẽ bị thiệt nhiều từ việc “xã hội hóa” máy móc theo mô hình này, bởi đương nhiên khi mua giá hóa chất với mức cao thì giá xét nghiệm cũng phải cao hơn, tệ hơn nữa là bị lạm dụng xét nghiệm, thậm chí bị… cấp kết quả xét nghiệm khống.

Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT-BHXH Việt Nam, do BV thiếu vốn đầu tư nên việc xã hội hóa, liên kết với các doanh nghiệp để mua máy móc cung cấp dịch vụ cho người bệnh sẽ giúp người bệnh được hưởng dịch vụ đầy đủ. Tuy nhiên, khi xã hội hóa máy móc thì bản thân BV, cơ quan BHYT không thể kiểm soát hết được mức giá dịch vụ thực hiện từ các máy móc đó, gây ra tình trạng giá dịch vụ đội cao, khiến bệnh nhân bị móc túi hoặc bị lạm dụng chỉ định chiếu chụp, siêu âm bằng máy xã hội hóa này… Ông Sơn dẫn chứng, sau khi nhiều địa phương áp dụng giá viện phí mới, cơ quan bảo hiểm đã tiến hành kiểm tra 7 tỉnh (Bắc Ninh, Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai, Quảng Nam, Thái Bình…) và phát hiện có hiện tượng chi phí xét nghiệm tăng cao bất thường. Có nhiều nơi chi phí xét nghiệm trước đó chỉ chiếm     20-25% tổng chi phí khám chữa bệnh, nay tăng lên 30-40%. Đơn cử như tại Đồng Nai, có những cơ sở y tế sử dụng kỹ thuật MRI rất phổ biến, nhiều bệnh nhân đau bụng, viêm họng cũng được chỉ định chụp MRI…

Ông Phạm Lương Sơn đánh giá, lạm dụng xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thuốc điều trị gần đây đã có giảm nhưng lại tinh vi hơn và mang tính trục lợi nhiều hơn. Hậu quả, hàng trăm bệnh nhân phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để có tiền chi trả cho những dịch vụ chiếu chụp, xét nghiệm đó, dù không hẳn tất cả đều cần thiết.