Xã hội hóa giáo dục và những cách làm méo mó

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Năm học 2024-2025 mới trôi qua được hơn 1 tháng, nhưng hàng loạt các sự vụ liên quan đến các khoản vận động có tính chất xã hội hóa trong nhà trường khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh nhà giáo.
Các khoản vận động tài trợ giúp thầy trò có thêm điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học

Các khoản vận động tài trợ giúp thầy trò có thêm điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học

Xã hội hóa hay khoản thu trá hình?

Sau hàng loạt những phản ứng về việc “kêu gọi” đóng quỹ phụ huynh trường, quỹ phụ huynh lớp với những khoản thu không có trong quy định thì năm học này, điều khiến các bậc phụ huynh bức xúc chính là những khoản vận động xã hội hóa cho sân bóng, điều hòa, nhà để xe, tivi, laptop…

Mới đây, các phụ huynh lớp 4/3 trường Tiểu học Chương Dương, quận 1, TP Hồ Chí Minh cho biết, họ đang rất bức xúc trước những hành động của giáo viên chủ nhiệm lớp là cô T.P.H khi cô liên tục nhắn tin lên nhóm phụ huynh đề nghị được hỗ trợ mua laptop do máy tính của cô bị hỏng. Khi bị phụ huynh phản ánh lên trường, cô giáo này đã giải thích do hiểu nhầm đây là khoản được áp dụng quy định về xã hội hóa giáo dục. Sự việc đã khiến cô giáo bị đình chỉ giảng dạy 15 ngày để chờ xác minh kỷ luật.

Còn tại Hà Nội, phụ huynh lớp 1A5 trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm, huyện Thanh Trì bức xúc trước việc giáo viên chủ nhiệm thông báo họ cần mang theo chổi, xẻng, giẻ lau đến lớp trực nhật thay con vào 17h hàng ngày. Nguyên nhân được giáo viên đưa ra là do học sinh lớp 1 khó khăn trong việc dọn vệ sinh nên một số lớp đã chi 500 nghìn đồng/tháng để thuê lao công của nhà trường dọn dẹp. Do lớp 1A5 không thuê lao công nên cô giáo sẽ phân công phụ huynh tới trực nhật thay con.

Sự việc khiến phụ huynh bức xúc khi cho rằng việc các lớp trong trường đều phải đóng 500.000 đồng/lớp/tháng để dọn vệ sinh lớp thay vì để các con tự phân công trực nhật là không phù hợp. Ngoài khoản phát sinh này, phụ huynh cũng nêu, ngay từ đầu năm học, khi đăng ký lớp cho con, nhà trường đã đưa ra các lựa chọn như lớp có điều hòa và không có điều hòa. Tuy nhiên, dù đã đăng ký cho con học lớp có điều hòa thì vào đầu năm học, phụ huynh lại được nhà trường thông báo khối lớp 1 ủng hộ 10 bộ điều hòa mới, dự kiến mỗi học sinh đóng 300.000 đồng. Bên cạnh đó, trong cuộc họp, phụ huynh được phổ biến việc tặng nhà trường sân cỏ nhân tạo vào học kỳ 2 với số tiền dự kiến 100.000 đồng/học sinh.

Phụ huynh cần nắm rõ quy định về các khoản thu chi trong nhà trường để tránh lạm thu

Phụ huynh cần nắm rõ quy định về các khoản thu chi trong nhà trường để tránh lạm thu

Vì sao phụ huynh bức xúc?

Bà Hoàng Thị Thu Hà - Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm (huyện Thanh Trì) xác nhận, nhà trường có vận động phụ huynh tặng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, kế hoạch vận động đã được công khai trên website của nhà trường, sau đó được đưa ra thảo luận và xin ý kiến trong cuộc họp giữa nhà trường và đại diện phụ huynh các lớp. Cũng theo cô Hiệu trưởng, trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm đã xin ý kiến Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì, UBND xã Tả Thanh Oai về kế hoạch thực hiện xã hội hóa giáo dục năm 2024 - 2025 theo hướng dẫn của Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công văn 2999 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi năm học 2024 - 2025. Mặc dù cô Hiệu trưởng khẳng định, nhà trường huy động tài trợ hiện vật chứ không nhận tiền mặt nên không đưa ra khoản đóng góp bắt buộc tính bình quân trên đầu người, nhưng trước thắc mắc của phụ huynh, các khoản thu này đều đã phải dừng lại. Sự việc cho thấy, dù nhà trường đã thực hiện đúng theo quy định ngành về quy trình vận động xã hội hóa, nhưng khi thông tin đến phụ huynh thì vẫn là những khoản thu “bổ đầu” khiến nhiều người bức xúc và cho rằng đây không phải vận động đóng góp tự nguyện mà là một hình thức thu quỹ trường.

Tương tự sự việc gây xôn xao các diễn đàn phụ huynh đầu năm học này là việc quỹ phụ huynh lớp 1/2 trường Tiểu học Hồng Hà, TP Hồ Chí Minh chi tới 227 triệu đồng để sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cho lớp học. Các cơ quan quản lý đã chấn chỉnh và yêu cầu Ban đại diện cha mẹ học sinh trả lại tiền cho phụ huynh. Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh xác định công trình tu sửa, mua sắm cho lớp học do phụ huynh tự nguyện đóng góp, nhưng quá trình vận động, thu chi sai quy định.

Theo giải thích của Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, việc phụ huynh tự nguyện đóng góp, tài trợ để sửa chữa phòng học là không sai. Theo đó, Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT yêu cầu Ban đại diện cha mẹ học sinh không được bắt buộc phụ huynh quyên góp để sửa chữa trường lớp, mua sắm trang thiết bị. Nhưng nếu phụ huynh tự nguyện và đồng thuận đóng góp, tài trợ thì thực hiện theo Thông tư 16 Bộ GD-ĐT. Thông tư này quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ, ủng hộ để phát triển sự nghiệp giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ hoạt động dạy - học, hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, Thông tư 16 cũng quy định việc vận động và nhận tài trợ phải theo nguyên tắc tự nguyện, công khai, không quy định mức tài trợ bình quân hay tối thiểu. Các trường không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không xem huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục. Khi hướng dẫn các trường thực hiện thông tư này, các Sở GD-ĐT đều khuyến khích các nhà tài trợ theo hình thức “chìa khóa trao tay”, tức mua sắm trang thiết bị và lắp đặt hoàn chỉnh theo sự thỏa thuận và hướng dẫn của nhà trường. Nhà trường không vận động tài trợ để chi trả thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.

Để thực hiện việc tài trợ, nhà trường nếu có nhu cầu thì hiệu trưởng phải lập kế hoạch rõ ràng, gồm chi cho hoạt động gì, kinh phí ra sao, vận động thế nào và trình lên các cấp quản lý để được xem xét, phê duyệt và niêm yết công khai tại trường học.

Có thể thấy chủ trương xã hội hóa giáo dục là một việc làm cần thiết trong điều kiện ngành giáo dục còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên để có thể triển khai và nhận được sự ủng hộ của xã hội thì vẫn phụ thuộc vào Ban Giám hiệu mỗi trường cũng như cách thức triển khai tới phụ huynh các lớp để tránh tình trạng thu sai mục đích, thu theo kiểu chia bình quân đầu người.