Xã hội đen Mexico “thôn tính” thị trường ma túy Mỹ

ANTĐ -Nằm giữa Colombia và Mỹ, vùng đất Mexico được ví như một miếng thịt kẹp giữa ổ bánh mì, nối liền nhà sản xuất ma túy hàng đầu thế giới với thị trường tiêu thụ béo bở nhất thế giới. Trong những năm qua, với những độc chiêu kinh doanh, Mexico dần thay thế các băng đảng của Colombia để phân phối ma túy trên khắp nước Mỹ. 
Xã hội đen Mexico “thôn tính” thị trường ma túy Mỹ ảnh 1

Ăn chênh lệch tới 150.000%

Nông dân Colombia bán một nắm bó lá cocaine có giá khoảng 80USD. Sau khi trải qua quá trình sơ chế đơn giản gọi là “chagra”, bột cocaine có thể được bán với giá 800USD/kg tại cao nguyên Colombia. Thứ bột này sau đó được điều chế trong xưởng nấu đá để nén thành từng bánh cocaine nguyên chất. Theo Liên hiệp quốc, mỗi bánh cocaine như vậy có giá 2,147USD tại cảng Colombia vào năm 2009.

Chỉ cần được vận chuyển trót lọt tới biên giới Mỹ, giá của nó tăng vọt lên 34.700USD và 120.000USD khi được bán lẻ trên đường phố New York. Tính ra, bộ phận vận chuyển và phân phối cocaine của xã hội đen Mexico hưởng lợi nhuận tới 6.000%. Còn nếu tính lấy giá thu mua từ nông dân làm gốc thì tỷ lệ lợi nhuận này đạt mức 150.000%. Đó là lý do tại sao buôn lậu hàng cấm là một trong những mô hình kinh doanh siêu lợi nhuận nhất hành tinh.

Băng đảng Mexico có các đầu nậu tại Colombia để đặt mua cocaine. Nhưng chúng lại thuê người dân Colombia vận chuyển thứ bột gây nghiện này tới giao tận tay tại Mexico hoặc Trung Mỹ, đặc biệt là ở Panama và Honduras. Phương thức kinh doanh này khiến con buôn Mexico chiếm thế thượng phong so với các nhà sản xuất tại Colombia.

Giám đốc Cơ quan ài trừ ma túy Mỹ (DEA) Jay Bergman đặt câu hỏi: “Ai thực sự là người có quyết định trong một nền kinh tế theo mô hình cung - cầu? Là các băng đảng buôn lậu Mexico hay nhà cung cấp Colombia? Kẻ phân phối hay người sản xuất?”.Không chỉ buôn lậu cocaine, theo một báo cáo mới đây của Tạp chí Newsweek tiết lộ, tập đoàn ma túy Mexico đang cố gắng đưa Methamphetamine (ma túy đá) xâm nhập vào thị trường Mỹ.

 Theo thông tin từ phía cảnh sát, vào đầu tháng 4-2015, giới chức trách Mỹ đã bắt giữ một người lái xe bị cáo buộc với 25 kg meth trong chiếc xe riêng của mình, khi ông ta lái xe gần hầm Holland. Kết quả điều tra ban đầu tiết lộ, rất có thể số meth có nguồn gốc từ Mexico. Số vụ thu giữ meth được thực hiện bởi cơ quan Phòng chống ma túy Mỹ (DEA) đã tăng lên kể từ năm 2012. Theo số liệu từ tạp chí Newsweek, DEA thu giữ 6kg meth vào năm 2012, nhưng đến năm 2013, cơ quan này đã thu giữ được 44kg meth, 55kg bị thu giữ năm 2014 và 66kg trong năm 2015. 

Tập đoàn Mexico đã dần dần đưa ma túy đá vào thị trường Mỹ trong khi các cơ quan thực thi pháp luật tiếp tục đàn áp các hoạt động buôn lậu trong nước, theo báo cáo của Newsweek. “Ma túy đang tràn ngập thị trường” - ông James Hunt, thuộc phòng công tác đặc biệt của DEA nói. “Họ đang gửi lượng lớn ma túy đá tới nơi đây, có lẽ nhiều hơn so với nhu cầu của thị trường, nhưng bởi họ đang cố gắng để tạo ra một thị trường tiêu thụ”, ông James nói thêm.

Vì tiền mà “dính chàm”Sau khi thuốc tiếp cận được vào biên giới Mỹ, rất nhiều người tìm cách kiếm tiền. Họ ký kết hợp đồng với chủ tàu, xe tải, nhà kho… để buôn lậu thuốc qua biên giới. Để phức tạp hóa quá trình, những tay buôn nghĩ ra chiêu mua đi bán lại thuốc nhiều lần trên đường.

Thông thường những người đang cầm các bánh cocaine này sẽ không biết tên ông trùm hoặc băng đảng nào là người sở hữu đầu tiên, mà chỉ có trong tay đầu mối liên lạc cần cho hoạt động buôn bán, trao đổi. Điều này giải thích tại sao mô hình kinh doanh hàng cấm của Mexico là một mạng lưới chằng chịt, khiến cả giới chức trách và các phóng viên điều tra gặp rất nhiều trở ngại. Việc truy tìm về đầu xuất phát của một chuyến hàng cocaine là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

Nhưng ngành kinh doanh biến đổi không ngừng này cũng có các “trung tâm giao dịch”. Thuốc phải đi qua một địa bàn nhất định sát biên giới để có thể vào Mỹ. Bất cứ mặt hàng cấm dịch chuyển qua đây chắc chắn phải bị đánh “thuế”. Do đó, các trung tâm giao dịch này trở thành một điểm tắc nghẽn khác với những nước sản xuất thuốc phiện khác như: Colombia, Afghanistan, hay Morocco. Đây cũng là một trong những lý do chính khiến cuộc chiến hàng cấm giữa các băng đảng tại Mexico trở nên đẫm máu.

Lợi nhuận khổng lồ từ việc buôn bán cocaine khiến nhiều người dân Mexico tham gia. Từ nông dân, thanh thiếu niên ở các khu ổ chuột, sinh viên, giáo viên, doanh nhân, trẻ con nhà giàu… cũng tham gia đường dây này. Thực tế chỉ ra rằng, tại các nước nghèo, tầng lớp nghèo nhất xã hội thường phải buôn lậu thuốc phiện để kiếm kế mưu sinh. Điều đó đúng, nhưng tại Mexico, nhiều người thuộc thành phần trung lưu, thượng lưu cũng “dính chàm”.