WHO liệt kê chứng "nghiện game" là bệnh tâm thần

ANTD.VN - Chỉ vì nghiện chơi game mà con sẵn sàng giết bố, cháu sát hại bà, anh em đâm chém nhau…  

Nhiều vụ án mạng đau lòng đã xảy ra với không ít bài học đắt giá song hiện vẫn có khá nhiều người, nhất là các bạn trẻ vẫn mê đắm trong thế giới game online, tự đẩy mình vào con đường phạm tội, thậm chí mất mạng. Đây là một trong những lý do WHO liệt kê chứng "nghiện game" là bệnh tâm thần.

Giết người, mất mạng vì "nghiện game"

Cách đây không, tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đã xảy ra một vụ án mạng. Chỉ vì tranh cãi về tên một nhân vật trong game điện thoại mà một đối tượng đã dùng dao chém vào đầu nạn nhân gây tử vong tại chỗ.

Còn trên mạng xã hội, sự xuất hiện của một clip ghi lại cảnh người đàn ông trung niên bị một thiếu niên đánh trả vì bị bắt về khi đang chơi game tại quán internet cũng gây xôn xao dư luận. Theo clip này, sau khi đi tìm và bắt gặp con đang “cày” game, ông bố đã vô cùng tức giận, đánh cậu con trai và bắt con đi về. Tuy vậy, người con đã quay lại đá rất mạnh vào người bố mình khiến ông suýt ngã. Trước đó, vào năm 2016, câu chuyện về một thanh niên tử vong bất thường sau nhiều ngày bỏ nhà đi chơi game cũng khiến nhiều phụ huynh hoang mang.

"Nghiện game" gây ra nhiều tác hại về thể chất và tinh thần (ảnh minh họa)

Hiện chưa có thống kê về số người "nghiện game", nhưng số thanh thiếu niên "nghiện game" online phải đến các trung tâm, bệnh viện để khám, điều trị bệnh không hề nhỏ, tiêu tốn khá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.

“Tương tự như nghiện ma túy, chứng "nghiện game" online được các nhà khoa học xem xét đưa vào một trong những loại bệnh lý tâm thần. Nguyên nhân là do chơi game online quá lâu trong thời gian dài sẽ gây ra nhiều tác động xấu cả về sức khỏe lẫn tinh thần, gây rối loạn tâm sinh lý " - Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú - Giám đốc Trung tâm tham vấn sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên cho biết.

Cũng theo Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú, về sức khỏe, việc chơi game thường xuyên khiến người chơi phải tiếp xúc trực tiếp với màn hình máy tính hoặc điện thoại với ánh sáng  yếu, phản quang sắc xanh liên tục trong nhiều giờ, gây rối loạn về giấc ngủ, ngủ không sâu, dễ bị gián đoạn giấc ngủ. Điều này rất có hại với sức khỏe và não bộ, cơ thể dễ bị suy nhược, không tập trung. Nếu tình trạng này kéo dài thường xuyên sẽ gây suy giảm tế bào thần kinh, giảmtrí nhớ dẫn đến làm tổn thương não bộ.

Ngoài ta, việc chơi game thường xuyên ngồi quá lâu một chỗ với một tư thế khiến cơ bắp dễ bị tổn thương, gây tổn thương cột sống, thoát vị đĩa đệm. Thậm chí, việc ngồi lâu một chỗ sẽ khiến các cơ quan sinh dục bị chèn ép, tác động xấu tới cơ quan sinh dục, làm giảm lượng tinh trùng và dẫn đến nguy cơ vô sinh cao hơn ở nam giới. Đặc biệt, chơi game liên tục kéo dài sẽ khiến cơ thể kém linh động và nhanh nhẹn gây mất tập trung, mất trí nhớ tạm thời.

"Nghiện game" dễ có các hành vi sai trái, bạo lực

Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú còn lo ngại, về mặt tinh thần, những game thủ sau thời gian dài chơi game dễ bị cuốn hút và ảnh hưởng bởi cuộc sống ảo trong game, dễ rơi vào tình trạng bị cô lập do hạn chế các mối quan hệ ngoài đời thật. Ngoài ra, người nghiện game dễ bị rối loạn tâm sinh lý, một phần do hưng phấn  hoặc tiêu cực quá mức khi chơi game. Một phần do bị ảnh hưởng bởi tính cách của các nhân vật trong game nên dễ dẫn đến các hành vi sai trái, bạo lực.

Game online dễ gây nghiện, chúng khiến người chơi quên mất bản thân và những công việc khác trong cuộc sống. Những người nghiện game luôn đắm chìm vào không gian của trò chơi, thậm chí ảo tưởng mình là nhân vật trong trò chơi, dẫn đến tình trạng quên ăn quên ngủ, quên mục đích học hành. Trẻ em đam mê chơi trò chơi bạo lực thường bị ảnh hưởng bởi những những hình ảnh này và trở nên hung hăng hơn, dễ trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân của những hành vi bạo lực ngoài đời. Mặt khác, để có tiền chơi game, một số cá nhân còn có hành vi trộm cắp, cướp giật tài sản thậm chí tước đoạt tính mạng của người khác.

Liên quan đến chứng nghiện game, năm 2018, lần đầu tiên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt kê chứng nghiện game là một tình trạng bệnh lý tâm thần cần được điều trị. Trong Bảng danh sách Phân loại quốc tế về bệnh tật mới (ICD -11), "rối loạn chơi game" (gaming disorder) được liệt kê là một trình trạng sức khỏe tâm thần.

Đó là những người ưu tiên chơi game hơn các hoạt động, sở thích khác trong cuộc sống và đã kéo dài tình trạng này quá 1 năm. Tuy vậy, khoảng thời gian xem xét tiêu chuẩn này có thể rút ngắn nếu các triệu chứng thể hiện ở mức nghiêm trọng, như: Không thể kiểm soát việc chơi game (về tần suất, cường độ và thời gian kéo dài), dành nhiều ưu tiên cho việc chơi game hoặc vẫn tiếp tục chơi hoặc tăng thêm thời gian chơi bất chấp các hậu quả tiêu cực.

Ước tính, tỷ lệ người chơi game có vấn đề sức khỏe tâm thần dao động trong khoảng 2-20%. “Có thể nói, việc WHO coi "nghiện game" là một chứng rối loạn tâm thần đã khẳng định, chơi game có thể gây ra vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và rất cần được giám sát. Đây tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với những cá nhân đã và đang có ý định sa đà, đắm chìm trong game online” - Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú nhận định.